Ngôi nhà dài Ê Đê được dựng lại tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam năm 2000 trên cơ sở nhà của gia đình bà H’Đách Êban (người Ê Đê Kpạ) làm năm 1967 ở buôn Ky, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ngôi nhà dài 42,5m, sàn cao 1,1m và rộng 6m.
Từ ngày 25/2, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã mời nhóm thợ Ê Đê từ buôn Ky, phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk ra sửa chữa ngôi nhà dài Ê-đê. Sau gần hai tháng, nhóm thợ người Ê-đê đã sửa chữa và hoàn thành một số hạng mục của ngôi nhà dài như lợp lại mái nhà, làm lại cửa sổ, cửa chính, sửa lại sàn, vách, thay sàn gỗ và sắp xếp lại một số hiện vật bài trí bên trong ngôi nhà.
Nghệ nhân Êđê Y Yôč Hmok chia sẻ về quá trình tu sửa nhà dài. Ảnh: Minh Phương |
Sau khi hoàn thành, những người thợ Ê Đê đã có cuộc chia sẻ với khách tham quan, báo giới, các nhà nghiên cứu và các sinh viên từ một số trường Đại học ở Hà Nội. Cùng dự buổi chia sẻ có Tiến sĩ Lưu Hùng, Phó Giáo sư Phạm Lợi, Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, những người có quá trình dài gắn bó với việc sửa ngôi nhà.
Bên cạnh những chia sẻ về mối liên kết giữa nhà dài và văn hóa của dân cư địa phương, các nhà nghiên cứu còn gọi mở sự biến đổi về tâm linh và tư duy của con người Êđê trong bối cảnh hiện đại.
Ngôi nhà dài của người Êđê trong Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Minh Phương. |
Thí dụ như trước đây, khi khánh thành nhà dài, bao giờ cũng phải có lễ cúng, mời thầy cúng, mổ lợn mổ gà làm lễ. Thậm chí có cả những bài hát về ngôi nhà dài. Nhưng qua thời gian, những tập tục này cũng đã thay đổi và không còn ở nhiều nơi.
TS Bùi Ngọc Quang cho biết, mặc dù hiện nay có nhiều thay đổi đối với những yếu tố văn hóa truyền thống, tiêu biểu là ngôi nhà dài Ê Đê, nhưng quan điểm bảo tồn, sửa chữa của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn là giữ những yếu tố truyền thống nhất, cơ bản nhất, để cho thế hệ sau hiểu được văn hóa của cha ông.