Thư gửi một người lính

(Ngày Nay) - Dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm nay là thời điểm để mọi người dân hướng về thế hệ cha ông đã đóng góp cho nền tự do, độc lập của Tổ quốc. Trong cái vui chung, vẫn luôn có tâm tư riêng.
Thư gửi một người lính

Thưa bố,

Dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm nay là thời điểm để mọi người dân hướng về thế hệ cha ông đã đóng góp cho nền tự do, độc lập của Tổ quốc. Trong cái vui chung, vẫn luôn có tâm tư riêng. Mỗi dịp 22/12 luôn là ngày lễ thiêng liêng của gia đình ta, bởi vì không chỉ có bố mẹ, mà các con và các cháu của bố mẹ cũng đã và đang khoác trên mình màu áo lính.

Mỗi khi nhớ về bố mẹ - những người lính đã đi qua khói lửa của những cuộc chiến tranh khốc liệt năm xưa, con luôn tự hỏi điều gì đã làm nên sự kế thừa đó? Tình yêu đối với Quân đội phải chăng xuất phát từ những lời hiệu triệu to tát? Hay đã được lập trình sẵn trong mã gen của gia đình? Con lại nghĩ, riêng đối với gia đình mình, dường như nó đã được nuôi dưỡng bởi tấm gương và tình thương của bố mẹ dành cho con cái, bởi nếp sống rất đời thường và nhân văn của gia đình mà bố mẹ đã gây dựng suốt một đời.

Tháng 12 này, chúng con kỷ niệm sinh nhật lần thứ 99 của bố. Dường như con số đầy ý nghĩ này càng làm cho những kỷ niệm và cảm xúc ùa về dữ dội hơn.

Với anh em con, bố là một người cha vừa nghiêm khắc nhưng cũng có cách thể hiện tình yêu thương rất riêng. Sự quan tâm của bố đối với từng đứa con có lẽ cũng không giống nhau. Khi đã có gia đình và con cái, con mới hiểu ra và thêm đồng cảm về điều này.

Vì bố nghiêm khắc, nên bốn anh em trong nhà ai cũng sợ một phép. Suốt đời con luôn nhớ cái bạt tai duy nhất trong đời từ bố, khi con gân cổ cãi rằng sau này lớn lên con sẽ không vào Quân đội. Sự bướng bình của con cũng chưa dừng lại sau “sự cố” đó. Có lần đi cắt tóc, con đã vi phạm “điều lệnh” của bố là tóc phải ngắn dưới ba phân. Về tới nhà, bố đã lừ mắt khi nhìn thấy mái tóc lật ngôi và vẫn còn phủ xuống gáy. Con đã tưởng sắp có trận đòn. Nhưng không, bố lôi con quay trở lại hàng cắt tóc trên phố Bà Triệu để…. để bắt thợ cắt lại.

Mỗi lần từ đơn vị trở về nhà, gương mặt của bố vẫn hằn những nếp nhăn nặng trĩu công việc. Nhà đông con, mỗi đứa lại luôn có những “vấn đề” không giống nhau, nên không phải lúc nào bố cũng có đủ thời gian sâu sát mọi thứ. Trong những lần hiếm hoi nói chuyện riêng với con, bố hay hỏi: “Sau này lớn lên, con thích làm gì? Làm việc này thì cần kiến thức gì? làm việc khác thì sẽ vất vả ra sao?” Những câu nói từ tốn đó đã vừa gợi mở dự định cho tương lai, lại vừa đặt ra những áp lực tinh thần rất lớn đối với con.

Có lần mới từ chiến trường ra, bố dẫn con đi đăng ký học “ký xướng âm”. Rồi còn đưa con thi thử vào Nhạc viện Hà Nội. Cũng từ lần đó, con nhận ra mình chẳng có chút năng khiếu nào về âm nhạc. Hồi đó, lo lắng lớn nhất của con là mình đã làm bố phải thất vọng?.

Tới khi con vào cấp 3, bố bảo con phải gắng phấn đấu để được đi học Liên Xô. Muốn vậy thì ở trường phải học tiếng Nga thật tốt, nhưng chưa đủ. Bố đã khuyên con rằng để hoàn thiện bản thân và học được tri thức của thế giới thì phải biết cả tiếng Pháp, tiếng Anh. Con rất nhớ là chỉ một hai ngày trước khi trở lại miền Nam chiến đấu, bố cho tiền để con đóng học phí lớp tiếng Anh ban đêm. Cầm số tiền đó, con đã tự hứa sẽ cố gắng thật nhiều để mong bố sẽ trở về bình an và thấy được tiếng Anh của con tiến bộ tới mức nào?.

Anh em con cũng đã tìm hiểu, nhưng đến giờ cũng chưa biết hết mọi mặt trận, chiến trường mà bố đã kinh qua trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đã có lần bố kể về chiến trường B2, về những trận địa phòng không xung quanh sân bay Lộc Ninh để bảo vệ căn cứ và trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Con đã tìm về nơi đó trong một chuyến công tác tới Bình Phước. Không còn bất cứ dấu vết nào của các trận địa phòng không. Nhưng trong bảo tàng, họ có treo những bức ảnh về chiến công của bộ đội cao xạ. Khi kể về những tấm gương hy sinh, họ cũng nói rằng vẫn còn những liệt sĩ đã từng là đồng đội của bố cho đến giờ vẫn còn nằm lại trên đất Lộc Ninh….

Vậy mà từ nơi cận kề giữa sự sống và cái chết đó, bố đã gửi ra Bắc một hộp bút lông và màu nước chỉ vì con muốn học vẽ. Khi đó, con đâu có hiểu được niềm vui nhỏ bé đó lại có ý nghĩa sâu sắc như thế nào?

“Chiến lợi phẩm” bố mang ra từ Sài Gòn sau chiến thắng 1975 là cuốn từ điển tiếng Pháp La Rousse, từ điển kỹ thuật Việt-Anh-Pháp, sách toán cao cấp và đại số của Mỹ…. Rồi cả thước Logarit, máy tính cơ bằng kim loại, hộp compa kỹ thuật đủ bộ…. Những món quà đó, con đã mang theo và luôn giữ bên mình khi sang học tại thành phố Mát-xcơ-va và cho tới khi về nước. Đối với con, đó là những kỷ vật vô giá.

Quyết định chọn con đường binh nghiệp của con có lẽ cũng liên quan một phần tới cái bạt tai năm xưa của bố. Con đã chọn khoác lên mình màu áo lính vì không muốn làm phụ lòng bố mẹ. Nhưng cũng vì lòng tự hào có cả bố và mẹ đều là quân nhân. Đồng thời, cũng vì niềm tin rằng Quân đội là môi trường tốt nhất để con người được thử thách, cống hiến và trưởng thành.

Một lần dọn đồ ở nhà cũ, con tìm thấy cái hộp sắt cất trong một hòm gỗ. Mở ra, bên trong là những lá thư con gửi về nhà từ Liên Xô được bố xếp ngay ngắn. Cảm xúc thật khó tả và làm con nhớ lại nhiều lời dặn dò của bố trước đây.

Những dòng thư nặng trĩu tâm tình được bố ghém lại vào vài trang giấy gửi sang Liên Xô cho con. Thường thì mỗi lá thư, bố lại kể về tình hình đất nước, sau đó mới là chuyện gia đình. Có lần, bố đã giải thích cho con rằng bộ đội thời bình sẽ khác với thời chiến như thế nào. Nếu con muốn “kế nghiệp” Quân giới của bố thì điều phải biết đầu tiên là chế tạo vũ khí sẽ nguy hiểm, độc hại ra sao? Đã chọn nghề đó thì phải gắn bó tới cùng, phải lao động hết mình bằng cả hai thứ: tâm huyết và trí tuệ.

Tới giờ, con vẫn chưa hiểu vì sao bố lại chọn ngày ra đi vào đúng sinh nhật của con. Khi về nước sau gần 9 năm học tập ở nước ngoài, con đã rất tiếc nuối là không có cơ hội để đưa bố xem luận án tiến sĩ của mình. Đau lòng hơn là vì con không còn có cơ hội được ngồi tâm sự với bố nữa. Nỗi đau đó tới giờ vẫn khiến con day dứt. Nhưng đó cũng là lúc con chiêm nghiệm ra rằng những điều bố đã dạy thật lớn lao.

Bố đã nói rất đúng về thời chiến và thời bình. Gửi gắm trong đó là trăn trở của một thế hệ mà suốt cuộc đời luôn phải chống chọi với nhiều thế lực xâm lược để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Tấm gương hy sinh đó cũng là lời dặn dò cho con cháu rằng chiến tranh rồi sẽ lùi xa, nhưng vẫn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để chiến tranh không bao giờ lặp lại. Muốn vậy, đất nước này luôn cần có một Quân đội hùng mạnh để bảo vệ hòa bình và độc lập, bảo vệ bằng cả sức mạnh quân sự và bằng biện pháp hòa bình. Con có niềm tin rằng sứ mệnh cao cả đó sẽ tiếp tục là động lực cho các thế hệ sau tiếp nối cha ông mình. Con cũng chắc chắn rằng Quân đội càng hiện đại thì càng cần những người lính có tri thức, đúng như những gì mà bố đã dung dưỡng và mở đường cho con.

Khi bắt đầu nghỉ hưu, nhìn lại chặng đường đã đi qua, con thấy những gì mình làm được còn rất khiêm tốn, nhưng chắc chắn không có bất cứ điều gì ảnh hưởng tới danh dự của một quân nhân. Trải qua nhiều môi trường làm việc, đặt chân tới những vùng đất xa xôi, con mới hiểu rằng những áp lực mà bố đã đặt lên vai con năm xưa lại chính là động lực để bản thân luôn cố gắng hết mình.

Từng có những lúc cảm thấy vô cùng bi quan, con lại nhớ tới những lời dạy, ước nguyện của bố để làm động lực thôi thúc bản thân đứng dậy và bước tiếp. Dù bố đã không còn trên dương thế, con vẫn cảm thấy mình luôn có bố đồng hành.

Con biết cuộc đời của bố đã trải qua không ít gian khổ, có cả thiệt thòi so với những cống hiến… Bố ra đi quá sớm, khi con cái chưa thực sự làm được điều gì để đỡ đần và chăm sóc chu đáo. Đối với anh em con, đó có lẽ là sự ân hận và tiếc nuối nhất.

Nhưng chúng con luôn tự hào được là con của bố. Di sản lớn nhất mà bố để lại cho đời chính là bốn đứa con trai khoẻ mạnh, trưởng thành và sống lương thiện. Ngẫm ra, trong cuộc sống không có giá trị nào quan trọng hơn việc dạy dỗ con cái nên người.

Lá thư này con viết ra vì muốn có món quà dâng lên bàn thờ vào dịp 22/12 và ngày sinh nhật của bố. Với riêng con, mỗi lần nhắc tới bố, con lại nghĩ về hình ảnh của một quân nhân mẫu mực, dạn dày sương khói chiến trận, nhưng vẫn ấm áp tình yêu thương.

Tháng 12 này, con lại nhớ về một người lính.

Tác phẩm trong "Giấc mơ rực rỡ"
Cảm hứng từ di sản dân gian trong “giấc mơ rực rỡ”
(Ngày Nay) - “Giấc mơ rực rỡ” là tên triển lãm của họa sĩ Khổng Đỗ Duy vừa khai mạc tối qua 3/1/2025 tại Huyen Art House, 8A Đặng Tất, Q.1, TP.HCM. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ hai của họa sĩ trẻ sinh năm 1987 quê Vĩnh Phúc, trưng bày hơn 20 tác phẩm được anh vẽ trong hơn một năm qua.
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
(Ngày Nay) - Ngày 3/1, Google thông báo đã thanh toán 100 triệu CAD (tương đương 69 triệu USD) cho các cơ quan báo chí Canada để sử dụng nội dung thông tin trên nền tảng này. Đây là một phần trong thỏa thuận giữa Google và Chính phủ Canada nhằm bù đắp thiệt hại về doanh thu quảng cáo của ngành báo chí truyền thống.