Bến Tre mùa nhiễm mặn

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Các tỉnh miền Tây Nam bộ đang trải qua đợt cao điểm mùa khô và tình hình xâm nhập mặn diễn ra khó lường. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023, thấp hơn các mốc lịch sử năm 2016 và 2019.

Từ nay đến cuối tháng Ba, mực nước từ thượng nguồn sông Mê Kông xuống thấp, xâm nhập mặn ở miền Tây tăng dần vào giữa tuần (từ ngày 24/3 - 28/3) và giảm dần sau đó. Dự báo phạm vi xâm nhập mặn 4‰ (bốn phần ngàn) tại các cửa sông chính ăn sâu vào sông, kênh rạch từ 40km – 90km, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân.

Bến Tre mùa nhiễm mặn ảnh 1
Nhiều khu vực ở miền Tây Nam bộ đang trải qua đợt cao điểm khô hạn và xâm nhập mặn.

Bài 1: Nước máy mặn chát, nước sông rít chịt

Tình hình khô hạn và xâm nhập mặn ở Bến Tre bắt đầu diễn ra từ hơn một tháng nay trên phạm vi nhiều huyện, xã. Những ngày qua, người dân ở các huyện Giồng Trôm, Chợ Lách, Ba Tri… đang phải “vật lộn” với đợt triều cường mới.

Không dám xúc miệng

Chiều nghiêng bóng xế những ngày trăng tròn, từ trung tâm TP.Bến Tre, tôi hỏi thăm rồi chạy dọc đường huyện lộ HL173 khoảng 11km thì đến xã Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm). Xã có hai phía giáp với kênh Giao Hoà và sông Ba Lai đổ ra biển, lấy nguồn nước chủ yếu từ sông lớn Hàm Luông. Trước một tiệm tạp hoá nhỏ khi vừa qua cầu bắt ngang con kênh, ba bốn cô dì đang ngồi trên mấy cái ghế nhựa vừa ngắm cảnh chiều vừa tâm sự chuyện người chuyện đời, chuyện làng trên xóm dưới.

“Mặn chát, không dám xúc miệng luôn, tắm thì rít chịt rít chằng, phải dội lại bằng nước mưa hoặc nước bình mới hết” là câu trả lời như đinh đóng cột của bà Huỳnh Thị Ngọc Hân (SN 1976) khi phóng viên đề cập đến tình hình xâm nhập mặn ở địa phương. Để chứng minh những gì vừa nói là sự thật chứ không hề quá lời, bà nhờ người thân dẫn tôi ra sau nhà, múc nước dưới hồ chứa đồng thời mở vòi xả thêm nước máy vào thau, chìa sang cho người viết tự kiểm nghiệm. Quả thật, mặn chát!

Bến Tre mùa nhiễm mặn ảnh 2
Nước máy cũng nhiễm mặn, đến độ người dân không dám xúc miệng.

Như những gì đã từng diễn ra trước đây, cao điểm mùa khô năm nay nước ngọt trở nên khan hiếm gây ra không ít phiền toái cho đời sống người dân quê. Thiếu nước, bà con phải chắt chiu nước bình cho nấu nướng, ăn uống còn nước máy những ngày qua dường như không sử dụng được do độ mặn quá cao. “Năm nay mặn ngang ngửa với hồi năm 2000, chứ như năm 2016 thì có là gì”, bà so sánh về những lần nhiễm mặn hàng chục năm qua.

Theo bà, gần như nhà nào ở khu này cũng xây hồ chứa nước mưa, hoặc trữ sẵn nước máy lúc chưa nhiễm mặn, mỗi hồ thường thường đựng được một khối nước, sử dụng tiết kiệm cho nguyên mùa khô. Còn nhà nào không trữ phải gọi điện cho người ta chở một khối nước ngọt tới, bơm vào hồ chứa, giá 200.000 đồng. Cuộc nói chuyện dang dở khi có người đến tìm bà Hân. Những người còn lại chỉ tôi rẽ phải vào con lộ nhỏ (đường nhỏ - PV) để vô ấp Kinh cũ, sát mép sông Ba Lai để hiểu rõ hơn về câu chuyện sống chung với mặn là như thế nào: “Nghe nói mặn dữ dằn luôn đó!”.

Nấu nước bình, tắm nước sông

Những ngày trăng tròn, theo quy luật tự nhiên, nước sông Ba Lai dâng lên tận mép con đường bê tông nhỏ. Từ bên kia sông, chiếc đò ngang lừ lừ cập bến, vài người ghé quán nước giải khát trên bờ lấy xe máy rồi phóng đi giữa hai hàng dừa xanh mướt. Anh Tần Thanh Phong (1981, ở ấp Kinh cũ, xã Phong Nẫm) đang chơi cùng các con trai, nghe hỏi thăm về tình hình ngập mặn thì cười khà khà mấy tiếng rồi hướng về phía những con sóng đang vỗ bì bạch vào bờ: “Năm nay mặn dữ à!”.

Anh Phong là con thứ 10 trong nhà nên thường gọi là Mười đã sinh sống ở đây hàng chục năm nên không còn xa lạ gì với mặn nữa. Anh Mười chân chất dân quê, nói một tiếng cười một tiếng và kết thúc câu bao giờ cũng kèm theo chữ “à” đầy cảm thán. Theo lời anh thì nước sông Ba Lai hơn một tháng nay có độ mặn khoảng 0.5‰ nhưng lên xuống tuỳ theo con nước. Anh đến bên cạnh hồ nước hình trụ được xây bằng xi măng, phía trên khoét lỗ tròn to bằng cái gàu giếng mà anh gọi là “cống”.

Bến Tre mùa nhiễm mặn ảnh 3
Anh Phong múc nước trông "cống" cho phóng viên nếm thử.

Anh mở nắm, lấy ca nhựa, chồm xuống thật sâu múc lên ít nước đưa cho tôi xem thử rồi giải thích: “Ở đây không có nước máy, nhà cũng không có trữ nước mưa được nhiều nên mình canh lúc nước ngọt thì bơm dưới sông lên để dùng từ từ. Cái này cỡ một khối nước à!”. Anh lại chồm người xuống múc thêm một ca nữa và cho biết nước trong cống cũng sắp hết, ước chừng dùng được vài ngày nữa là cạn nên cả gia đình phải tiết kiệm, sử dụng cầm chừng chứ như độ mặn hiện tại thì thua, không bơm lên làm gì.

Nước là nhu cầu tối thiểu của đời sống nhưng nước ngọt ở miền Tây sông nước nhiều năm qua lại trở nên khan hiếm trong mùa khô. Một khối nước chứa trong cống nhà anh chỉ sử dụng cho việc giặt giũ, tắm gội cho con nít còn ăn uống, nấu nướng đều phải dùng nước đóng bình loại 21 lít. “Tội nghiệp mấy đứa nhỏ, tắm nước sông xong phải xối lại một hai ca nước bình chứ không rít lắm! Còn như người lớn thì ráng chịu thôi à!”, mỗi ngày cả gia đình anh dùng khoảng hai bình nước, giá mỗi bình đổi về là 12.000 đồng, chưa tính tiền thế vỏ.

Đoạn rồi anh quay lại con đường bê tông. Người đàn ông mang dép lào, quần lửng, áo thun, ngồi chồm hỗm ở mép đường, hạ cánh tay áng chừng mực nước. Đợt xâm nhập mặn năm rồi, cống ngăn triều đóng lại, nước tràn vô bờ ngập lên tận thềm nhà, vườn bưởi rộng khoảng một mẫu, bảy tám năm tuổi của gia đình anh chết hết, riêng phần anh thiệt hại hai công, chỉ còn lại đám dừa hiện tại: “Giờ không dám trồng bưởi nữa, ít hôm chắc trồng thêm dừa. Nghe nói năm nay mặn còn kéo dài dữ à!”. Trời chiều nắng tắt, gió thổi hơi nước từ phía sông Ba Lai vào bờ man mát, mấy tàu lá dừa trong mảnh vườn nhẹ nhàng lắc lư.

Cứu vườn bưởi

Len lỏi trên con đường đất giữa những hàng dừa bạt ngàn theo lời hướng dẫn của anh Mười, tôi tìm đến nhà ông Ba Khanh. Ông tên thật là Nguyễn Tấn Khanh (SN 1976), một trong những người nông dân đầu tiên ở xã Phong Nẫm sở hữu dàn máy lọc nước mặn. Ông Ba Khanh đang thu ống nước, quay sang vui vẻ mời khách vào bàn uống trà dựng giữa vườn bưởi, tranh thủ dọn dẹp mấy cái ly chưa kịp rửa rồi kể về những xa xôi hạn mặn.

Bến Tre mùa nhiễm mặn ảnh 4
Ông Ba Khanh khoe nước sạch vừa lọc được.

Vườn bưởi rộng khoảng một mẫu 16-17 năm tuổi đời, cho thu hoạch từ năm 2012 tới nay đã mấy bận. Nhờ có đầu ra ổn định với giá khoảng hai ba mươi ngàn một ký tuỳ loại nên cuộc sống của ông không đến nỗi vất vả như nhiều người dân quê khác. Nhà ông hiện ở TP.Bến Tre, sáng đi ra vườn, chiều về thành phố, chiếc chòi chỉ là nơi ông nghỉ ngơi chút đỉnh và che nắng mưa cho dàn máy lọc nước được đầu tư vào năm 2016 với giá một trăm mười mấy triệu đồng. “Nếu không có dàn máy này thì năm đó dườn bưởi (vườn bưởi - PV) chết hết gồi (rồi - PV)”, ông nhớ lại.

Thời điểm ngập mặn đạt mức lịch sử, nước sông không thể tưới cây, ông phải đi mua nước đóng bình, xách từng thùng từng thùng tưới cho từng gốc. Lâu dài cảm thấy không ổn, ông đi tham quan vài chỗ, tìm hiểu rồi quyết định lắp đặt dàn lọc nước để cứu cả vườn bưởi đang mùa sai trái. Nước được bơm dưới con rạch vô trong hồ chứa, đợi cặn lắng xuống thì dẫn nước trong vào máy, trải qua hai ba bước lọc mới đổ ra phía bồn chứa được lót túi ni lon kín kẽ dưới mương vừa đào, tích trữ sử dụng dần dần. Khi cần tưới chỉ cần nổ máy bơm mà không lo nhiễm mặn nữa.

Theo kinh nghiệm nhiều năm sống chung với mặn, ông Ba Khanh nhận định độ mặn năm nay cao hơn những năm vừa rồi rất nhiều. Ông đứng dậy đi vào chòi mở đèn rồi chỉ tay vào vị trí thước đo trên máy lọc nước giải thích, nếu độ mặn 0.4‰ thì một phút lọc được 16-17 lít, nhưng hiện tại mỗi phút chỉ có 12-13 lít thôi, có hôm độ mặn lên cao dữ lắm, một phút có 8 lít. Lọc nước kiểu này tốn điện ghê lắm, một tháng đến 6 triệu tiền điện lận mà một đêm 12 tiếng chạy được cỡ mười 16-17 khối nước sạch thôi.

Bến Tre mùa nhiễm mặn ảnh 5
Ông Ba Khanh cho biết có hôm độ mặn cao, mỗi phút chỉ lọc được 8 lít.

“Nước lọc ra có thể uống được luôn. Bà con xung quanh đây mà thiếu nước mang mấy cái thùng loại 30 lít anh cho mấy thùng mang về xài. Có mấy người buôn bán, nấu hủ tiếu cái này cái kia hỏi mua, anh bán chừng tám mươi, một trăm ngàn một khối à. Nếu anh có xe lam chở đi đổi cho bà con thì anh lấy trăm, trăm hai là được, vừa cho bà con xài vừa làm phước luôn, chứ có người tới chỗ anh lấy nước rồi mang đi bán lại giá hai trăm là vậy. Anh chủ yếu tưới cây, ai cần thì mình đổi vài khối kiếm tiền điện thôi chứ không kinh doanh gì.”, ông Ba Khanh có vẻ tự hào về dàn lọc nước đã đầu tư, không chỉ cứu được vườn cây mà còn giúp bà con phần nào trong giai đoạn cao điểm thiếu nước sinh hoạt này. Trời chập choạng tối, ông Ba Khanh khăn gói ra về, chúng tôi chào tạm biệt, vườn dừa vắng lặng chỉ còn tiếng ếch nhái bắt đầu kêu.

Mùa mặn nhớ đời

Sau một đêm nán lại thành phố Bến Tre, sáng hôm sau tôi lại lang thang trên Quốc lộ 57 tìm về huyện Chợ Lách - nơi nổi tiếng với những vườn ươm cây giống từng chịu thiệt hại trong hai đợt xâm nhập mặn vào năm 2016 và 2019 đã qua. Từ Quốc lộ rẽ vào con đường nhỏ gồ ghề sỏi đá để về xã Tân Thiềng - địa phương có nhiều cây giống sầu riêng cần nước tưới trong đợt mặn đầu tháng.

Thấy tôi loay hoay hỏi đường, một người nông dân đang tưới nước cho vườn ươm lên tiếng: “Đừng vô Tân Thiềng nữa, qua Phú Sơn đi, bên đó phải mua nước từ nơi khác về tưới rồi”. Ông hướng dẫn quay lại đường chính, qua khỏi cầu Cái Mơn Lớn, chỗ gần nhà thờ thì rẽ vào con đường bê tông bên phải, từ đó mà đi sẽ tới được Phú Sơn. Đường quê nhỏ hẹp, ngoằn nghèo, có nơi đang đào đường, chỗ khác thì xây dựng, bụi bặm mù mịt….

Bến Tre mùa nhiễm mặn ảnh 6
Xe ba gác chở nước ngọt vào xã Phú Sơn phục vụ tưới cây giống.

Tôi bám theo sau một chiếc xe ba gác chở bồn nước khoảng một khối thì đến ấp Lân Bắc, khu vực có nhiều hộ dân thiếu nước tưới cho cây. Đang cẩn thận bốc những gốc cây, bầu rễ lên xe ba gác để giao cho khách, ông Nguyễn Văn An (SN 1975) nghỉ tay vài phút, vuốt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt, từ tốn giới thiệu vườn cây giống vừa dừa, vừa mít, vừa sầu riêng với số lượng lên đến năm bảy vạn, thời điểm cao nhất tới mười vạn cây mang về cho ông một khoản thu nhập tương đối.

Nhìn những mầm xanh đang lớn dần ông lại nhớ về quãng thời gian hàng năm bảy thậm chí mười ngàn cây chết vì nước tưới nhiễm mặn. “Thời điểm đó, đất đai ở đây đã nhiễm mặn rồi nhưng chưa có máy móc để đo, tui cũng như bà con không rành nên bơm nước dưới kênh lên tưới đại gây thiệt hại lớn, mỗi người mất vài trăm triệu là bình thường”, ông không biết phải kể làm sao cho hết những ảnh hưởng từng xảy ra trong quá khứ, chỉ biết giờ đây rút ra được một bài học kinh nghiệm nhớ đời: “Bây giờ bà con đã biết về mặn và máy đo mặn cũng phổ biển, ai cũng có thể mua được với giá khoảng một triệu đồng nên mấy năm nay mọi người đều chủ động phòng tránh, ít có thiệt hại như đợt trước”.

Nhưng không phải chỉ hiểu biết về mặn và có máy đo là thôi hết những âu lo trong đợt cao điểm này. Hiện nay, nước trên kênh rạch xung quanh nhiễm mặn cao làm nước tưới trở nên khan hiếm. Để đảm bảo cho sự phát triển của hàng vạn cây giống, ông An phải thuê máy Kobe vào cuốc đất, đào mương, mùa nước ngọt thì kéo ống bơm từ kênh vào trữ sẵn. Dẫu vậy, nước trong mương không phải mênh mông bất tận mà có đầy có vơi. Ông nhận định tình hình khô hạn và xâm nhập mặn năm nay còn kéo dài, khả năng mương cạn nước đang đến rất gần và “tương lai tới đây chắc phải mua nước từ nơi khác về tưới thôi”, khoé mắt ông nhíu lại, trên môi hé nụ cười nhưng không có vẻ gì là vui.

Theo lời ông, nơi đây đất đai hạn hẹp lại bị nhiễm mặn nên chủ yếu phát triển cây giống, hoa kiểng chứ không trồng cây ăn trái như những vùng khác ở miền Tây. Sầu riêng chỉ chịu được độ mặn từ 0.3‰ trở lại, cao hơn là chết. Cây mít thì chịu mặn tốt hơn một chút, ngưỡng cho phép là 0.6‰ nhưng 0.7‰ cũng miễn cưỡng tưới được. Dừa thì chịu mặn cao hơn, lên tới 1‰. “Như sáng nay tui đo ở ngoài kênh, mặn lên tới 1.2‰, nếu tưới là héo lá, chết ngay!”, ông kể tình hình xâm nhập mặn năm nay đã bắt đầu từ trong Tết Nguyên đán, chưa biết khi nào mới kết thúc. Nếu như năm 2016 và 2019 kéo dài đến 6 tháng thì sẽ vô cùng khó khắn.

Bến Tre mùa nhiễm mặn ảnh 7
Nước tới vô cùng quan trọng cho cây giống của người dân xã Phú Sơn.

Nói đoạn, ông gửi gắm: “Nhà báo coi làm cách nào nói với chính quyền có giải pháp giúp người dân chúng tôi, cũng là để bảo vệ vùng cây giống”. Ông lại cười và quay lại chuyển cây giống lên xe ba gác. Trời Phú Sơn nóng hầm hập, có mấy đám mây đen, những đám mây không bao giờ mưa nổi.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm, ở mức xấp xỉ mùa khô năm 2015-2016. Độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 55-69Km. Tình hình xâm nhập mặn ở các cửa sông chính không đều, có giảm theo triều và đang ở mức cao. Một số khu vực trung lưu sông Hàm Luông và cửa Đại tăng chậm trở lại từ ngày 19/3.


Dự báo đợt xâm nhập mặn cuối tháng 3/2024 (23/3 - 31/3) ở mức tương đương đợt vừa qua, riêng sông Cổ Chiên ở mức thấp hơn (đã đạt đỉnh trong đợt đầu tháng). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre có công văn đề nghị các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra kỹ các xã, các vùng người dân đang sử dụng nước bị nhiễm mặn để kịp thời xử lý giúp người dân có nước ngọt để sinh hoạt.


Một số giải pháp như: Chủ trì kết nối các nhà máy cấp nước, để nhà máy có nước ngọt chia sẻ cho nhà máy có nguồn nước bị nhiễm mặn, đảm bảo có nước ngọt cung cấp cho người dân. Tận dụng hết các máy lọc RO và phát động khơi các giếng nước ngọt hiện có. Nơi nào nhà máy nước bị nhiễm mặn mà không có điều kiện kết nối với nguồn nước ngọt thì phải chở nước ngọt về cung cấp đủ cho người dân. Vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm và các doanh nghiệp, nhà máy nước chia sẻ giảm giá nước sinh hoạt…


Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra, Sở cũng có văn bản đề nghị các đơn vị chức năng liên quan theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển trên cây trồng; hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp canh tác cây trồng thích ứng trong điều kiện hạn, mặn mùa khô năm 2023-2024. Thường xuyên thông tin đến người dân về diễn biến độ mặn để người dân chủ động trong sản xuất; khuyến cáo người dân kiểm tra độ mặn trước khi tưới, tuyệt đối không tưới nước mặn cho cây đặc biệt là cây giống, hoa kiểng; tùy theo khả năng chịu mặn của các loại cây ăn trái mà có cách sử dụng nước tưới hợp lý (nhóm cây chịu mặn kém: Sầu riêng, chôm chôm, mít, măng cụt, cam, quýt, chanh,...; nhóm cây chịu mặn trung bình: Xoài, Mãng cầu xiêm, dừa...); tưới bằng nước ngọt ngay khi có thể và giãn cách các đợt tưới trong mùa khô….

TIN LIÊN QUAN
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.