Theo đó, từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân 4514 ngày 18/5, nhóm nghiên cứu COVID-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford đã thu nhận được một bộ gene SARS-CoV-2 để đưa vào phân tích.
Kết quả định danh bằng phần mềm Pangolin cho thấy, bộ gene thu được thuộc biến chủng B.1.617.2. Kết quả xác định đột biến bằng COV-GLUE cho thấy, bộ gene mang 6 đột biến thay đổi aminoacid tiêu biểu (T19R, L452R, T478K, D614G, P681R, D950N) và một đột biến đứt đoạn (156-158) trên vùng protein gai của biến chủng B.1.617.2. Qua đó kết luận, bệnh nhân 4514 nhiễm SARS-CoV-2 biến chủng Ấn Độ B.1.617.2, cùng chủng đang lưu hành hiện nay tại các tỉnh phía Bắc của nước ta.
Liên quan đến bệnh nhân 4514, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định thêm một trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới (đang đợi Bộ Y tế công bố) cư ngụ tại Quận 7. Hai người cùng làm việc chung trong một đội 8 người tại Công ty Grove, đường Pasteur, Quận 3. Bệnh nhân này đã rời khỏi Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 24/4 đi Hải Phòng và trở về Thành phố ngày 5/5 trên chuyến bay đi VN1179. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt, tự mua thuốc uống vào ngày 8/5.
Căn cứ kết quả dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ và xét nghiệm, có nhiều chứng cứ cho thấy, bệnh nhân 4514 bị lây từ bệnh nhân cư ngụ tại Quận 7. Tuy nhiên, tình trạng bệnh của bệnh nhân ngụ Quận 7 đang trong quá trình hồi phục, do vậy rất khó để thực hiện giải trình tự gene. Hiện nhóm nghiên cứu vẫn đang cố gắng để có thể giải trình tự bộ gen của virus SARS-CoV-2 trên bệnh nhân này.
Thông tin từ Bộ Y tế, tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 7 biến chủng của SARS-CoV-2 gồm: Biến chủng D614G từ châu Âu, gây dịch tại Thành phố Đà Nẵng. Biến chủng B.1.1.7 từ Anh, gây dịch tại tỉnh Hải Dương; Biến chủng B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi; Biến chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi.
Biến chủng B.1.617.2 từ các chuyên gia Ấn Độ nhập cảnh, hiện đang là nguyên nhân gây dịch COVID-19 tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Biến chủng B.1.222 xuất hiện ở 11 quốc gia, nhiều nhất là ở Anh, đặc biệt là ở vùng Scotland và Biến chủng B.1.619 xuất hiện ở nhiều nước, có thể có nguồn gốc từ Cameroon của châu Phi sau lan ra châu Âu.