Thông tin trên được PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, chia sẻ tại Hội thảo truyền thông và vận động hiến tặng mô, tạng với chủ đề "Cho đi là còn mãi", diễn ra ngày 23/12, tại TP Hồ Chí Minh.
Hội thảo do Hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tổ chức.
PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội thảo. |
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Việt Nam đã thành công trong ghép tạng và cứu sống nhiều người; đồng thời thành lập được các chuỗi hệ thống bệnh viện hiến và ghép tạng. Tuy nhiên, nguồn tạng hiến từ người cho chết não tại Việt Nam rất hạn chế, trong khi ở các nước phát triển, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tạng này.
Trong thời gian gần đây, dưới sự nỗ lực của toàn thể Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, sự chỉ đạo của Chính phủ cũng như sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Y tế, Hội chữ thập đỏ Trung ương Việt Nam và sự hưởng ứng của cộng đồng thì số lượng ca đăng ký hiến tạng đã tăng lên. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động, vận động hiến mô tạng tại Hà Nội thì số người chết não hiến tạng đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Tỷ lệ ghép tạng từ người chết não tại Việt Nam chỉ đạt 0,15 ca trên một triệu dân. Ảnh: BVTN |
PGS. TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, Việt Nam đã vượt qua các quốc gia như Thái Lan và Malaysia về số lượng ghép tạng từ người cho sống, nhưng tỷ lệ ghép tạng từ người chết não tại Việt Nam chỉ đạt 0,15 ca trên một triệu dân, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển.
"Tây Ban Nha có tỷ lệ lên đến 49 ca trên một triệu dân, còn Thái Lan là 6,12 ca. Thực tế là nguồn cho tạng từ người chết não vô cùng hiếm và sự phối hợp nơi cho và nơi nhận cũng khó khăn", PGS. TS Nguyễn Hoàng Bắc cho biết.
PGS. TS Nguyễn Hoàng Bắc cho rằng, việc thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người liên viện Nam Bộ là bước tiến quan trọng để thúc đẩy các hoạt động ghép tạng, trong bối cảnh nguồn tạng hiến còn rất hạn chế.
Theo đó, Chi hội sẽ tập trung vào xây dựng mạng lưới truyền thông, đào tạo tư vấn viên và triển khai các kế hoạch hành động cụ thể. Điều này nhằm thay đổi quan niệm của cộng đồng, khuyến khích mọi người xem hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp, mang ý nghĩa tiếp nối sự sống.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đánh giá cao Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh là đầu mối của khu vực phía Nam đã thành lập Chi hội ghép tạng gồm các bệnh viện trong khu vực. Mục tiêu của Chi hội là làm sao tăng cường nguồn tạng từ người hiến chết não, giúp cứu sống được nhiều bệnh nhân hơn.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cũng khuyến khích mọi người đăng ký hiến tạng và hiến tặng sau khi qua đời, vì hành động này không chỉ mang lại cơ hội sống cho người khác mà còn để lại dấu ấn tốt đẹp, trường tồn mãi mãi.