Sự kiện ký kết văn kiện Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 hay khung chương trình chiến lược mới cho các hỗ trợ Chính phủ của LHQ diễn ra trong năm kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác Việt Nam-LHQ. Lễ ký cũng là dấu ấn quan trọng nêu bật cam kết mạnh mẽ của LHQ và Chính phủ Việt Nam trong Chương trình hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát biển bền vững đến năm 2030 (SDGs).
Lễ ký kết Kế hoạch chiến lược chung mới 2017-2021 giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp Quốc |
Kế hoạch Chiến lược chung 2017-2021 được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc Toàn diện, Bình đẳng và Bền vững, phù hợp với Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội 2011-2020, Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội 2016-2020 của Việt Nam, các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) tới năm 2030, cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người. Với nhu cầu ngân sách ước tính 423 triệu Đô la Mỹ, Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 ưu tiên bốn lĩnh vực trọng tâm, được định hình dựa trên các chủ đề trung tâm của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (Con người, Hành tinh, Sự thịnh vượng và Hòa bình), với 9 nhóm kết quả tương ứng.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cam kết
"Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế, phát triển xã hội và đặc biệt là trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và nay là Chương trình Nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững. Nhân dịp này, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Liên hợp quốc và đối tác phát triển đã hỗ trợ Việt Nam để có những thành công này.
Kế hoạch chiến lược chung được ký kết và thực hiện vào thời điểm Việt Nam bắt đầu triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời sẽ triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện. Chính phủ cũng đã và đang nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế để phát triển đất nước.
Cùng với các đối tác phát triển, Liên hợp quốc có vai trò quan trọng hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình phát triển, hội nhập và tham gia mạnh mẽ vào sự phát triển chung của quốc tế thông qua việc cung cấp tư vấn, hỗ trợ chính sách cho Chính phủ Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam với các nước đang phát triển, giới thiệu những kinh nghiệm chuyên môn đảm bảo hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng xanh, bền vững, cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội.
Chúng ta nhất trí rằng Kế hoạch chiến lược chung được xây dựng nhằm huy động và quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ của Liên hợp quốc phục vụ các ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam phù hợp với mục tiêu của Liên hợp quốc. Kế hoạch chiến lược chung 2017-2021 là một tài liệu khung định hướng chiến lược quan trọng để Liên hợp quốc và các cơ quan Việt Nam xác định những chương trình, dự án cụ thể, tiếp tục triển khai Sáng kiến Thống nhất hành động, tăng cường liên kết chương trình của Liên hợp quốc, xác định các lĩnh vực hợp tác hiệu quả hơn, hạn chế trùng lắp, giảm thời gian và chi phí quản lý của các bên tham gia.
Thành công của Kế hoạch chiến lược chung không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực hợp tác của các cơ quan Việt Nam và Liên hợp quốc mà còn dựa vào sự ủng hộ mạnh mẽ của các đối tác phát triển tại Việt Nam.
Kể từ khi thực hiện các Kế hoạch chung từ năm 2006 tới nay, sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển tại Việt Nam là hết sức quan trọng, ngay từ những giai đoạn tham vấn xác định các ưu tiên cho chương trình hợp tác. Tôi tin tưởng rằng cơ chế phối hợp ba bên sẽ được duy trì và tăng cường chặt chẽ hơn nữa trong suốt quá trình triển khai, theo dõi, giám sát, đánh giá Kế hoạch chiến lược chung.
Kế hoạch chung 2017 – 2021 đã dự kiến nguồn ngân sách thực hiện bao gồm đóng góp của Liên hợp quốc và nguồn lực cần huy động từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân. Nhân dịp này, tôi kêu gọi các đối tác phát triển tiếp tục ủng hộ Việt Nam thông qua việc đóng góp nguồn lực để thực hiện cho Kế hoạch chiến lược chung 2017-2021 như các giai đoạn trước đây.
Hài hòa và hợp tác chặt chẽ vì sự phát triển bền vững của Việt Nam là tinh thần của quan hệ đối tác giữa Việt Nam và các đối tác phát triển nói chung và Liên hợp quốc nói riêng. Tôi tin tưởng rằng với nỗ lực của các bên, việc thực hiện Kế hoạch chiến lược chung 2017-2021 sẽ đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển và thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Chương trình Nghị sự phát triển 2030 vì sự phát triển bền vững."
Sáng kiến cải tổ “Thống nhất Hành động” được Liên Hợp Quốc khởi xướng vào năm 2006 khi Chính phủ của tám quốc gia - Albania, Cape Verde, Mozambique, Pakistan, Rwanda, Tanzania, Uruguay và Việt Nam tự nguyện thực hiện thí điểm sáng kiến này. Tám quốc gia đã đồng ý tận dụng những thế mạnh và lợi thế so sánh của các thành viên khác nhau trong gia đình LHQ và tìm cách tăng cường tác động của hệ thống LHQ.
Tại Việt Nam, Sáng kiến “Thống nhất Hành động” thực hiện trên Sáu trụ cột chính của cải cách ở Việt Nam bao gồm một Kế hoạch chung, một Ngân sách chung, một Lãnh đạo chung, một bộ các Quy định Quản lý chung, một Tiếng nói chung và một Ngôi nhà Xanh chung của LHQ.