"Giữa đường thấy chuyện bất bình..."
Là con của kẻ có công với chính quyền thuộc địa, Huỳnh Công Miên (cậu Hai Miên) được mang danh "miễn tử lưu linh", cậu được miễn sưu thuế, muốn đi đâu thì đi không ai được kiểm tra giấy tờ, phạm tội nhỏ không bị truy tố.
17 tuổi, Huỳnh Công Miên được sang pháp du học. Tuy nhiên sau 4 năm, Hai Miên không đạt được thành tích gì, ngoại trừ khả năng nói lưu loát tiếng Pháp. Về nước, Huỳnh Công Miên được Pháp bố trí cho làm thông ngôn, sau làm quan tri huyện.
Tính tình cậu Hai Miên phóng khoáng, không thích bị ràng buộc, nhất là phải làm tay sai cho Pháp, cậu trả chức tước trở về đời sống của một gã lãng tử giang hồ. Từ đó, cậu sống hoang đàng, tiêu tiền như nước và thường làm những việc “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”.
Trong một lần đến Gò Công, Tiền Giang, cậu chứng kiến cảnh dân phu phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt để đào ao trường đua. Ban ngày, dân phu phải đào đất, đắp đường, ban đêm ngủ tại chỗ. Đã vậy còn bị giám thị đánh đập tàn nhẫn. Nổi máu anh hùng, cậu giữ một tên cai và cho tên này một trận đòn.
Cậu còn bắt đám giám thị đứng xếp hàng rồi "tặng" mỗi tên vài bạt tai. Xong cậu bắt chúng đội đất đắp đường như dân phu. Chúng chạy lên chạy xuống không khác gì những người bị chúng hành hạ trước đó.
Chưa vừa lòng, cậu quất thêm mỗi tên vài roi và nói: "Tao đánh chúng bây coi tụi bây có đau như dân phu hay không?". Sau lần đó, dân phu đào ao trường đua được dễ thở hơn, bớt bị hà hiếp đánh đập.
Cái chết của kẻ giang hồ
Bản tính thích ngao du, nhưng ngao du đến đâu gặp chuyện trái tai gai mắt, cậu Hai Miên đều ra tay trừng trị thích đáng.
Cậu Hai Miên lúc nhỏ đứng giữa cha mẹ (Ảnh tư liệu) |
Những điền chủ hống hách, các ông làng, cai tổng chuyên môn bắt nạt dân địa phương thậm chí các quan Tây cậu cũng không tha. Mỗi khi hết tiền tiêu, cậu thường ghé vào dinh tham biện "vay tạm". Không quan nào dám từ chối. Có quan còn kêu cậu:
"Cậu hai, cậu chớ có lo"
Hết tiền cậu cứ xuống kho lấy xài...".
Một lần khác, cậu Hai Miên lưu lạc đến Bạc Liêu. Chiếc ghe hầu của cậu ngang qua bến. Nhiều người vác lúa xuống ghe nhộn nhịp. Chợt cậu nghe có tiếng gọi: "Ghe của ai đi dưới sông đó bây?". Câu nói chạm vào tự ái, cậu ghé ghe vào.
Thì ra đây là khu vực của anh em chủ Thời, chủ Vận. Hai ông chủ này ỷ giàu, có thế lực luôn chèn ép nông dân khiến ai cũng sợ.
Ông chủ Thời có cô con gái, cô Hai Sáng. Vừa ghé ghe vào, cậu Hai nhìn thấy cô Hai Sáng liền ra lệnh cho đàn em lôi về ghe mình. Cậu Hai Miên cho treo cô gái lên cột buồm.
Ông chủ Thời nhanh chóng được biết người trên ghe là cậu Hai Miên đã vội vã đến thương lượng. Một bao tiền được ông chủ Thời đưa đến để chuộc cô con gái. Cậu Hai Miên đồng ý thả cô Hai Sáng. Qua vụ này, ông chủ Thời cũng bớt hống hách với dân nghèo.
Trong bài thơ "cậu Hai Miên" có kể lại giai thoại Bảy Danh, Tám Hổ, Ba Ngà đến nhà than phiền với cậu mới thua ba ngàn đồng tiền chơi me ở nhà Chệt Lù (một người Hoa chuyên sống nghề cờ bạc). Cả ba nhờ cậu gỡ gạc giùm. Cậu đồng ý cho người gọi Chệt Lù đến nhà sát phạt. Kết quả, cậu thắng và trả lại cho ba người số tiền đã thua.
Cũng trong bài thơ có ghi lại câu chuyện cậu Hai Miên bênh vực một thiếu nữ bị hà hiếp được nhiều người cảm kích. Cậu đã hạ gục tên Tám Hổ lấy lại công bằng cho người phụ nữ. Khi Tám Hổ mở miệng xin tha mạng, cậu không ngần ngại tha ngay theo đúng phong cách của một giang hồ mã thượng.
Lang bạt kỳ hồ mãi cũng có lúc chồn chân, cậu về lại mái nhà của mình ở xã Tân Hòa (nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM) với người vợ hiền là bà Lê Thị Túy, một người nổi tiếng tiểu thư khuê các, văn hay chữ tốt.
Khi ghe vừa về đến vùng Cầu Kho, cô Hai Sáng xuất hiện. Lúc này, có khoảng 50 tên đâm thuê chém mướn cầm dao bao vây tấn công khiến cậu Hai Miên gục chết ngay trước cửa nhà mình. Năm ấy cậu mới 38 tuổi.
Người dân cảm kích tấm lòng trượng nghĩa, không khuất phục trước cường quyền, sẵn sàng ra tay diệt trừ cường hào ác bá, bênh vực kẻ yếu của cậu Hai Miên nên đã lập bài vị thờ ở đình Nhơn Hòa. Nơi đây, hương khói luôn đỏ quanh năm...
Theo Vietnamnet