Huy động thêm ba cơ quan đấu tranh chống tội phạm
Theo tờ trình của Chính phủ, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên biển, thuế, chứng khoán ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh. Để huy động được sức mạnh tổng hợp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là ở những lĩnh vực có tính chất đặc thù, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định cơ quan kiểm ngư, cơ quan thuế, UBCKNN được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Theo ý kiến một số ĐBQH, hiện nay trong nhiều trường hợp, chức năng thanh tra không đủ sức ngăn chặn, xử lý và răn đe tội phạm. Nếu ba cơ quan nêu trên được giao nhiệm vụ thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp giải quyết, xác minh, lấy lời khai ban đầu, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền (không tiến hành điều tra toàn diện một vụ án hình sự) sẽ kịp thời ngăn chặn, xử lý tội phạm trong các lĩnh vực này.
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) |
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, đấu tranh chống tội phạm, không chỉ bảo đảm quyền con người, quyền công dân, mà còn không “bó tay” các cơ quan điều tra. Việc mở rộng các cơ quan điều tra là cần thiết, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hơn nữa, việc giao các cơ quan này thẩm quyền điều tra ban đầu sẽ giảm tải cho các cơ quan điều tra chuyên trách.
Riêng đối với cơ quan Kiểm ngư còn góp phần tăng cường vai trò quan trọng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Viện trưởng Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị QH ủng hộ giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho cơ quan Kiểm ngư, còn các cơ quan khác thì ĐB nghiên cứu. Nếu giao cho Kiểm ngư quyền hành chính cũng như quyền tư pháp là gửi đến thế giới một thông điệp Việt Nam đang thực hành quyền quản lý nhà nước ở Biển Đông trên cả văn tự pháp lý và thực tế.
Lo ngại nguy cơ bỏ lọt tội phạm
Với quan điểm ngược lại, theo ĐBQH Nguyễn Đức Chung (TP Hà Nội), không nên mở rộng bổ sung các nhiệm vụ điều tra cho một số cơ quan này. Bởi theo định hướng cải cách tư pháp cần thu gọn đầu mối cơ quan điều tra, nên việc mở rộng cơ quan điều tra là không cần thiết. Quyết định 92 của Bộ Chính trị cũng theo hướng từ nay đến năm 2020, giữ nguyên hệ thống cơ quan điều tra như hiện nay. Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra, khi có yêu cầu điều tra liên quan lĩnh vực trốn thuế hay chứng khoán, các cơ quan điều tra đều có quyền ra quyết định trưng cầu chuyên gia. Các phát hiện về tội danh chứng khoán chủ yếu do nội bộ và bằng biện pháp nghiệp vụ. Các lĩnh vực trốn thuế, chứng khoán liên quan công tác quản lý, điều hành trực tiếp của cán bộ thuế với các doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh cá thể. Do vậy, việc để các cơ quan này điều tra cũng không bảo đảm tính khách quan. Hơn nữa, điều tra các lĩnh vực này cần có lực lượng điều tra viên am hiểu pháp luật, am hiểu quy trình tố tụng và luật hình sự. Trong khi đó các cơ quan này không có. Việc tổ chức như vậy sẽ bất cập, không có chất lượng.
Bày tỏ lo ngại về kỹ năng làm hồ sơ của cơ quan Thuế, Kiểm ngư, UBCKNN, ĐBQH Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) cho rằng, không có nghiệp vụ điều tra chuyên môn, khi chuyển hồ sơ đến cơ quan cảnh sát điều tra rất nhiều khả năng sẽ phải củng cố lại từ đầu. Mặt khác, đây là vấn đề năng lực tổ chức hoạt động điều tra, làm rõ bản chất vụ việc chứ không thuần túy chỉ là vấn đề chuyên môn của các ngành này. Ngoài ra, nếu ba cơ quan này được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, còn nhiều cơ quan khác thì sao, như lĩnh vực tài nguyên - môi trường, an ninh mạng và một số lĩnh vực khác hiện nay cũng có nhiều tội phạm liên quan.
Điều đáng lưu ý, trong nhiều năm qua, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, rất ít khởi tố điều tra theo thẩm quyền mà hầu hết các vi phạm đều được xử lý hành chính. Thậm chí, có những vụ việc nhẽ ra phải xử lý hình sự, nhất là những vụ buôn lậu, khai thác lâm sản trái phép, phá hoại rừng, nhưng lại được xử lý hành chính. Càng mở rộng phạm vi các cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra càng có nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Hơn nữa, các cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra không được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ điều tra, phát hiện tội phạm, không có điều tra viên, không có Thủ trưởng cơ quan điều tra. Trách nhiệm trong tố tụng hình sự cũng không rõ nên kết quả đạt được trong thực tế sẽ hạn chế, dường như trong các báo cáo hằng năm rất ít xem xét trách nhiệm của các cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện nhiệm vụ này như thế nào? Vì vậy, không có cơ sở lý luận và thực tiễn để tiếp tục mở rộng phạm vi các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu |
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, đây là vẫn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, vì vậy, sẽ tiếp tục thảo luận, trao đổi ý kiến, nhất là trong hội nghị ĐBQH chuyên trách tới đây.
Trước đó, QH đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật Thú y với tỷ lệ cao (đều hơn 80% số ĐBQH tán thành). Ngoại trừ Luật Thú y có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, ba luật còn lại đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Minh bạch để tránh hình sự hóa quan hệ kinh tế
- Hà Nội: Bắt đối tượng chiếm đoạt hàng tỷ đồng qua mạng Internet