Hà Nội. 8h30’ sáng.
Chị Hảo đang lúi húi tìm chìa khóa trong túi thì thấy anh Hoàn – hàng xóm đi bộ về.
Chị Hảo: Noel mà anh ra ngoài sớm nhỉ! Tối qua sợ tắc đường nên cố thủ trong nhà hở?
Anh Hoàn: Có ngủ đâu mà dậy. Gớm chứ ngoài đường tắc vì dân tình đổ xô ra đường hít khói xe theo phong trào đã đành, vì tắc đến mấy thì cũng về đến nhà thôi. Còn chúng tôi có chen nữa, chen mãi cũng không đến “đích” đây này.
Chị Hảo: Khiếp! Chỗ nào lại mở cửa miễn phí à?
Anh Hoàn: “Nó” mà miễn phí thì e rằng vài năm sau con tôi cũng chưa tiêm được!
Chị Hảo: Hóa ra là đưa cu Bi đi tiêm… Nghe đâu tình hình vắc xin dịch vụ vẫn căng thẳng lắm?
Anh Hoàn: Chứ sao. Hàng trăm người xếp hàng chờ đợi suốt đêm qua ở Polyvac chỉ mong lấy được một suất tiêm chủng cho con. Đến sáng thì biển người bắt đầu trở nên hỗn loạn, gọi là xếp hàng chứ chẳng nhìn ra hàng lối đâu nữa. Có người còn bị ngất xỉu vì chờ lâu quá.
Hàng trăm người dân chờ lấy số và tiêm vaccine cho con. Ảnh: Nguyễn Huệ.
Chị Hảo: Chậc. Khổ thân bọn trẻ quá. Đêm qua còn mưa rét nữa chứ. Anh chị không sợ cu Bi bị cảm lạnh à!Thế mà đến 7h30, người ta lại “đề nghị” chúng tôi ra về, đợi bệnh viện tìm ra phương án phù hợp! Công tác tổ chức tiêm chủng cứ mãi thế này thì còn khổ nữa, khổ mãi chị ạ!
Anh Hoàn: Không, chúng tôi để thằng bé ở nhà chứ, sát giờ mới gọi người bế ra. Nhưng giờ thì bế ra làm gì nữa, người ta có cho chúng tôi lấy số đâu.
Thật không biết các cơ quan quản lý có cảm thấy xấu hổ khi đến nay vẫn không xử lý được tình trạng khan hiếm vắc xin hay không. Nhưng cứ chờ thế này chẳng may có dịch thì con tôi chết mất!
Chị Hảo: Lại đổ cho cơ quan quản lý! Làm gì có vắc xin nào đạt đến độ hoàn hảo 100%. Sao anh chị không cho trẻ đi tiêm theo chương trình Tiêm chủng mở rộng luôn đầy đủ vắc xin ấy?
Ai cũng chờ vắc xin dịch vụ thì bọn trẻ làm sao được tiêm đủ mũi, đúng lịch được. Như thế, các bé vừa dễ mắc bệnh vừa trở thành nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Anh chị phải chịu khó đưa cháu đi tiêm đúng lịch để phòng bệnh chứ!
Anh Hoàn: Chị nói buồn cười, bố mẹ nào chẳng chịu khó, chịu khổ. Vấn đề là các trường hợp rủi ro vẫn còn nguyên đó, chúng tôi đâu dám làm liều. Giá có điều kiện thì tôi cũng đưa con ra nước ngoài tiêm nhanh gọn rồi đấy…
Thôi, nói nhiều mà làm gì! (cười to) Cứ coi như tạo điều kiện cho con em mình tiếp xúc với văn hóa bon chen từ tấm bé. Để lớn lên đi học, đi làm, tham gia giao thông chúng sẽ tự biết bon chen!
Chị Hảo: Tôi thì tôi nghĩ kỹ rồi, vợ chồng tôi sẽ kế hoạch đến già, không sinh nở gì sất! Cho mình và con trẻ thoát khỏi cảnh bon chen!
Trương Chi