Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo hằng năm Phòng, chống ung thư Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 27 năm 2024 do Bệnh viện Ung bướu Thành phố phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam, Liên Chi hội Ung thư Thành phố tổ chức ngày 5/12.
Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo số liệu Globocan 2022 vừa được công bố đầu tháng 3/2024, tại Việt Nam có hơn 180.400 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Ung thư là nguyên nhân tử vong sớm đứng hàng thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch.
Tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, trong 11 tháng của năm 2024 đã có hơn 880.000 lượt bệnh nhân đến khám bệnh. Số ca mắc ung thư mới ghi nhận trong năm 2024 là 41.758 ca; trong đó ung thư tuyến giáp chiếm tỷ lệ cao nhất (với 23,6%).
Đáng chú ý, theo bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, hiện nay, số ca bệnh ung thư từ các tỉnh, thành phố khác đổ về Thành phố Hồ Chí Minh điều trị gia tăng, chiếm khoảng 82 - 84% tổng số ca bệnh khám và điều trị tại bệnh viện. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ trong quá trình tiếp nhận và điều trị bệnh của Bệnh viện Ung bướu Thành phố.
Đơn vị đang không ngừng ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị ung thư, trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh. Song song đó, bệnh viện áp dụng các phương thức hẹn khám bệnh qua tổng đài, website, app… để bệnh nhân không phải chờ đợi lâu, không ùn ứ ở khu vực khám. Bên cạnh đó, Bệnh viện tích cực đào tạo, huấn luyện, hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật giúp nâng cao năng lực của các bệnh viện tuyến tỉnh nhằm hạn chế chuyển tuyến vừa tạo thuận lợi cho người dân vừa giảm áp lực bệnh nhân đổ về tuyến trên.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, đứng trước sự gia tăng của bệnh lý ung thư, ngành Y tế Thành phố đã xây dựng Chiến lược phòng, chống ung thư; tập trung vào các giải pháp trọng tâm.
Đó là tăng cường tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý ung thư nhằm phát hiện ngày càng sớm để điều trị hiệu quả với thời gian ngắn hơn; đầu tư phát triển các trang thiết bị hiện đại, chuẩn hóa nguồn nhân lực chuyên ngành ung bướu theo các cấp độ kỹ thuật; đẩy mạnh phát triển hệ thống, kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu để nâng cao hơn nữa chất lượng khám, điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, công tác chăm sóc giảm nhẹ tại y tế cơ sở cũng được triển khai góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư.
Đặc biệt mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Đông Nam Bộ thống nhất xây dựng "Mạng lưới phòng, chống ung thư vùng" bao gồm 3 cấp độ chăm sóc: Ban đầu, cơ bản và chuyên sâu. Theo đó, Thành phố sẽ tăng cường chuyển giao kỹ thuật, đào tạo cán bộ y tế và hỗ trợ nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị ung thư cho các cơ sở y tế tuyến dưới. Điều này giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và nâng cao chất lượng điều trị ngay tại các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Hội thảo Phòng, chống ung thư Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 27 nhằm xây dựng và phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư tại Việt Nam thông qua việc nâng cao nhận thức cộng đồng và mở rộng các chương trình hợp tác quốc tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân ung thư, từ giai đoạn phòng ngừa, chẩn đoán đến điều trị và chăm sóc giảm nhẹ; phát triển khoa học kỹ thuật chuyên sâu trong y học ung thư, từng bước đưa Việt Nam sánh ngang với khu vực và quốc tế trong các nghiên cứu, ứng dụng y học hiện đại.
Hội thảo năm nay thu hút hơn 2.000 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, bác sĩ, đại diện các bệnh viện, tổ chức y tế, trường đại học, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia; có hơn 110 bài báo cáo chuyên sâu về ung các chuyên ngành được báo cáo tại đây. Đặc biệt, nhiều báo cáo viên quốc tế đến từ các quốc gia như: Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Bỉ, Singapore… mang đến những nghiên cứu mới, cập nhật và phương pháp điều trị ung thư tiên tiến nhất./.