Quỹ đất khủng của Cát Tường Group
Thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, hồi cuối tháng 12.2023 vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường (Cát Tường Group) đã nâng vốn điều lệ từ 2.700 tỉ đồng lên 3.000 tỉ đồng. Cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Ông Trần Quốc Việt (sinh năm 1984) đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty.
Được thành lập vào năm 2011 tại Đức Hòa, Long An, trải qua hơn thập niên xây dựng và phát triển Cát Tường Group đã trở thành doanh nghiệp đầu tư bất động sản có tiếng tại khu vực phía nam.
Trên website của mình, doanh nghiệp này cho biết hiện là chủ đầu tư và phát triển sản phẩm bất động sản trong các lĩnh vực: bất động sản dân dụng, bất động sản công nghiệp và bất động sản thương mại với tôn chỉ xuyên suốt: “Kiến tạo Bất động sản Nhân văn - Bền vững”.
Một số dự án tiêu biểu của Cát Tường Group ở lĩnh vực bất động sản dân dụng có thể kể đến như Cát Tường Phú Hưng (Đồng Xoài, Bình Phước), có tổng diện tích đất quy hoạch 92,7ha, tổng mức đầu tư 95 triệu USD; Cát Tường Park House (Thị xã Chơn Thành, Bình Phước) quy mô 8,3ha, tổng mức đầu tư 22 triệu USD; Cát Tường Western Pearl (TP Vị Thanh, Hậu Giang) quy mô 80ha, tổng mức đầu tư 85 triệu USD..
Về bất động sản công nghiệp, Cát Tường Group được biết đến là chủ đầu tư dự án khu công nghiệp dệt may Rạng Đông – Aurora IP (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). Dự án này có tổng diện tích đất quy hoạch 2.044,6ha...
Hàng tồn kho phình to, nợ vay tăng “phi mã”
Sở hữu quỹ đất và các dự án khủng, do vậy khối tài sản Cát Tường Group sở hữu cũng lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Theo đó, tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản Cát Tường Group đạt 5.022 tỉ đồng, tăng thêm 1.797 tỉ đồng so với hồi đầu năm.
Biến động này đến từ việc hàng tồn kho Cát Tường Group tăng phi mã trong năm 2022, từ 919 tỉ đồng (tại thời điểm 1.1.2022) lên đến 2.529 tỉ đồng vào cuối năm, tương ứng tăng 175% sau 12 tháng.
Bên cạnh đó, Cát Tường Group đã dành hơn 1.519 tỉ đồng để đầu tư vào công ty con. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 160 tỉ đồng (hồi đầu năm) về còn 44 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm.
Tính đến thời điểm cuối năm 2022, nợ phải trả Công ty đạt 1.933 tỉ đồng, tăng thêm 679% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý khi Cát tường Group đã phát sinh khoảng 1.436 tỉ đồng nợ vay tài chính, trong khi hồi đầu năm không ghi nhận.
Chưa kể, trong kì, thuế và các khoản phải nộp nhà nước của Cát Tường Group cũng tăng từ khoảng 300 triệu đồng lên gần 80 tỉ đồng, tương ứng tăng khoảng 266 lần chỉ trong 1 năm. Đồng thời, doanh nghiệp này còn ghi nhận xấp xỉ 111 tỉ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn.
Kết thúc năm 2022, doanh thu Cát Tường Group đạt khoảng 400 tỉ đồng, giảm 25% so với năm 2021. Với giá vốn bán hàng ở mức 319 tỉ đồng, nên lãi gộp công ty đạt 81 tỉ đồng, giảm 43%.
Trong kì, doanh thu hoạt động tài chính tăng từ 24 tỉ đồng lên 39 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí lãi vay tăng từ gần 400 tỉ đồng lên xấp xỉ 17 tỉ đồng; chi phí bán hàng tăng nhẹ khoảng 1 tỉ đồng so với năm 2021, chi phí quản lý doanh nghiệp gần 80 tỉ đồng, giảm 5% so với năm trước đó. Kết quả, Cát Tường Group lãi sau thuế khoảng 9 tỉ đồng trong năm 2022, giảm 76% so với năm 2021.