Nhiều người còn biết rằng những chiếc đèn Tiffany nguyên gốc do Tiffany Studio New York sản xuất trước năm 1933 còn sót lại đến hôm nay có giá trị rất cao, có nhiều cái lên tới nhiều triệu đô la và chúng đang ngày càng vô cùng hiếm hoi, hầu hết thuộc sở hữu của các bảo tàng danh giá hoặc trong một số bộ sưu tầm tư nhân nổi tiếng ở Hoa Kỳ - quê hương của nghệ thuật kính màu Tiffany.
Tiffany Studio New York ra đời vào những năm 80 thế kỷ 19, vào Kỷ nguyên Vàng của nước Mỹ - giai đoạn kinh tế nước Mỹ hưng thịnh nhất. Bối cảnh đó đã sản sinh ra một dòng nghệ thuật nở rộ với những bức tranh kính màu đồ sộ, huy hoàng, tráng lệ như cảnh thiên đường. Đó là những chiếc đèn kính màu vừa rực rỡ, vừa huyền bí lung linh, đương thời chỉ đám nhà giàu mới tậu nổi.
Vào thời kỳ đó lương tháng một công chức ngân hàng ở Mỹ khoảng 5 USD, giá một chiếc xe Roll Roy đắt nhất khoảng 110 USD, một dãy nhà đồ sộ ở Mahatan, New York có thể chỉ mua bằng đôi ngàn USD. Trong khi đó giá 1 chiếc đèn Tiffany trung bình là 150 USD, chiếc đèn kính màu mang tên “Mạng nhện” (Cobweb) đã bán ra cho giới nhà giàu với giá 750 USD. Chúng được người làm ra chúng và được những ông chủ, bà chủ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Tất cả những chiếc chao đèn, chân đèn do xưởng của Tiffany làm ra đều được đánh mã sô riêng, in bằng chữ chìm. Bản thiết kế của từng chiếc đèn, những bức ảnh chụp trước khi giao hàng cho khách cùng với những chiếc hóa đơn hầu hết còn lưu giữ cho đến tận hôm nay.
Ergon Neustadt và các tác phẩm của ông |
Nghệ thuật Tiffany là cả một câu chuyện rất rông dài liên quan đến công nghệ chế tạo kính màu là thứ nghệ thuật mà bí quyết đến nay vẫn chỉ có nghệ nhân Mỹ mới tạo ra được. Đó là những chiếc đèn mang phong cách Tân Hiện đại (Art Nouveau), thoạt nhìn thì tao nhã, phóng khoáng nhưng lại tuân thủ quy ước khắt khe trên từng miếng kính nhỏ li ti. Nghệ thuật kính màu Tiffany là thứ đặc trưng cho văn hóa Mỹ, là sự kết hợp khéo léo các giá trị cổ điển với hiện đại, mang tính nghệ thuật cao, hàm chứa thành tựu kỹ nghệ tiên tiến, vừa rất tinh tế, cao siêu, nhưng cũng rất gần gũi và thực dụng.
Bởi dòng nghệ thuật này gắn liền mới sự thăng trầm của nền kinh tế và xã hội Hoa Kỳ, nó lóe sáng rực rỡ rồi cũng vụt tắt nhanh chóng vào giai đoạn nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng trong những năm 30 của thế kỷ 20.
Cúc Đại đóa |
Năm 1933 Luis Comfots Tiffany qua đời. Năm 1938 Tiffany Studio phá sản. Các nghệ nhân làm ra ra những chiếc đèn Tiffany đa số phải hòa vào dòng người thất nghiệp ở Mỹ. Xưởng của Tiffany bị hỏa hoạn thiêu cháy trụi, nhà cửa đồ sộ của Tiffany bị cầm cố rồi trao tay qua nhiều người… Không ai còn tâm trí ngắm nghía những cảnh vật tiên giới trên những bức tường kính màu do bàn tay và bộ óc thiên tài của Tiffany sáng tạo ra. Ít ai ngờ rằng những chiếc đèn kính màu hiếm hoi có giá trị bằng cả tòa nhà, từng là ước mơ, trầm trồ khao khát của bao người bỗng trở nên vô giá trị, nhanh chóng bị lãng quên, thậm chí nhiều chiếc đèn còn bị đem ra chợ giời bày bán bên cạnh đống quần áo cũ. Đau thương hơn, nhiều cái bị đập nát để lấy đồng và thiếc…
May mắn có một người đã có công cứu sống những chiếc đèn Tiffany hiếm hoi còn lại. Không những thế ông còn có công khơi lại giá trị và lòng đam mê cho hậu thế đối với dòng nghệ thuật có số phận kỳ lạ này. Người có công lao đặc biệt đó lại không phải là một người Hoa Kỳ, cũng chưa từng nghe nói đến Tiffany và nghệ thuật Tiffany. Người đó là một người mới nhập cư vào Mỹ năm 1935. Ông là một nha sĩ nghèo người Áo di cư sang Mỹ để kiếm sống, với đồng vốn trong tay khi đặt chân lên đất Hoa Kỳ chỉ vẻn vẹn vài chục đô la. Tên ông là Egon Neustadt.
Năm 1935, như một nhân duyên định sẵn, vào một ngày đẹp trời ông cùng vợ lang thang trên phố phường New York mua sắm đồ cho ngôi nhà mới nghèo nàn, bỗng hai vợ chồng ông như bị thôi miên bởi một chiếc chao đèn hình nón kỳ lạ mang tên “Hoa Thủy tiên”. Ông được người bán hàng giới thiệu đây là tác phẩm của nghệ sĩ nổi tiếng mang tên L.C.Tiffany. Ông đã may mắn mua được cây đèn bàn mà hai vợ chồng ông cho là đẹp đến mức huyễn hoặc này bằng toàn bộ số tiền có trong tay là 12,50 USD (vào năm 1935, được coi là giai đoạn lạm phát, số tiền đó tương đương với khoảng 300 USD ngày hôm nay).
Một thời gian sau, khi nghề nha sĩ đã cho ông đồng ra đồng vào thì Neustadt bắt đầu săn lùng những cây đèn Tiffany ở tất cả những nơi mà ông có thể đến để được để thỏa mãn niềm đam mê say đắm của ông đối với kính màu. Trong vòng khoảng 20 năm ông đã sưu tầm được khoảng 300 chiếc đèn, nhiều bộ tranh kính, thậm chí cả những tấm kính hiếm hoi của xưởng Tiffany nay đã vĩnh viễn thất truyền.
Năm 1958 ông nảy ra ý định lập ra bảo tàng nghệ thuật kính màu Tiffany để giới thiệu những chiếc đèn Tiffany mà ông biết rất rõ là chỉ mình ông sở hữu. Một số mạnh thường quân đã cổ vũ và giúp đỡ ông tổ chức trưng tại một phòng trưng bày tại Long Island City Warehouse, New York. Năm 1983 ông đã tặng 132 chiếc đèn Tiffany cho Queens Museum và New York Historical Sociaty. Những bộ sưu tầm mang tên ông kể từ đó đến bây giờ liên tục được đem trưng bày tại nhiều bảo tàng trên khắp nước Mỹ và thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và Nhật Bản.
Giàn nho |
Những năm 80 nổi lên phong trào tìm kiếm những chiếc đèn Tiffany còn lại sót trên thị trường. Những bộ sưu tầm tư nhân bắt đầu được săn lùng. Năm 1987 chiếc đèn “Hoa sen rủ” được sàn đấu xảo Christie’s bán 1,7 triệu USD, nhưng ngay lập tức được một người Nhật giấu tên mua lại với giá gần 5 triệu USD.
Cũng năm 1987, nhân thời giá của các tác phẩm của Tiffany tăng vọt, nữ ca sĩ nổi tiếng người Mỹ Barbra Streisand đã kịp tung ra đấu giá thành công những tác phẩm nổi bật của Tiffany, trong đó có chiếc đèn “Mạng nhện” từng có giá trị bằng 6 chiếc Roy Roil thời Tiffany, nay được bán ra với giá 1,5 triệu USD (giờ đã trở thành vô giá). Sang những năm 90 nhiều chiếc đèn Tiffany bắt đầu trở thành chủ đề chính và chiếm vị trí trung tâm của nhiều cuộc đấu giá nghệ thuật tại Christie’s, Sotheby’s, James’D Julia… Giới tài phiệt và các nhà sưu tầm Nhật Bản đặc biệt quan tâm săn lùng để sở hữu dòng nghệ thuật mà nay đã gần như cạn kiệt trên thị trường. Công nghiệp làm ra những chiếc đèn nhái sơ sài, màu sắc lòe loẹt, rẻ tiền được gọi là “kiểu đèn Tiffany” ra đời ở nhiều quốc gia phục vụ thị trường đại chúng.
Hoa Tử đằng |
Ergon Neustadt dành phần lớn cuộc đời để say đắm, sưu tầm và tìm hiểu nghệ thuật Tiffany và đã có công cứu sống các tác phẩm nghệ thuật của Tiffany ngay trên quê hương của nó là nước Mỹ. Năm 1970 ông xuất bản cuốn sách mang tên “Những chiếc đèn của Tiffany” (The Lamps of Tiffany).
Với tư duy của một nhà khoa học, ông đã dày công hệ thống, phân loại và phân tích sâu sắc tất cả các khía cạnh của nghệ thuật Tiffany, không chỉ với cách nhìn của một nhà sưu tầm mà là một nhà khoa học, kỹ nghệ, sản xuất và chuyên gia nghệ thuật. Trong số hàng trăm cuốn sách giới thiệu về nghệ thuật Tiffany hôm nay (có những cuốn dày gần nghìn trang được minh họa với cả ngàn bức ảnh màu) nhưng cuốn sách của ông là một trong những cuốn cơ bản nhất, đầy đủ nhất, trở thành sách gối đầu giường cho tất cả những ai yêu mến và tìm tòi, nghiên cứu nghệ thuật kính màu Tiffany.
Hoa táo và mạng nhện |
Thập niên 90 ở Nagoia, Nhật Bản xuất hiện bảo tàng mang tên “Vườn Tiffany” sở hữu nhiều chi tiết nghệ thuật chưa hoàn chỉnh của Tiffany Studio cùng vài chiếc đèn Tiffany có giá trị. Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ ở New York cũng may mắn kịp thu gom được một số tranh kính và những chiếc đèn Tiffany còn sót lại trên thị trường để hôm nay trở thành điểm thu hút du khách chủ yếu của bảo tàng.
Hiện nay trên thế giới chỉ còn lại một số lượng rất hạn chế các tác phẩm nghệ thuật vốn làm bằng tay của Tiffany Studio New York. Nhưng không có bộ sưu tầm nào trên thế giới có thể so sánh ngang với bộ sưu tầm của Egon Neustadt. Bộ sưu tầm của ông ban đầu chỉ được mua gom bằng số tiền rẻ mạt, nay đã trở thành một khối tài sản khổng lồ, vô giá về nghệ thuật.
Hoa Anh túc |
Ergon Neustadt mất năm 1984 ở tuổi 86. Ông là người hạnh phúc và may mắn nhờ nuôi dưỡng được lòng đam mê bền bỉ và nghiêm túc. Ông không chỉ có công đối với gia đình của Luis Comfort Tiffany, có công với nước Mỹ, mà còn có công lao lớn đối với nền nghệ thuật của nhân loại.
Hà Nội, 1-2018