Câu chuyện về tiệm bánh ở Yoyakarta

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Hè năm trước, đoàn thực tập Nhân học, Trường KHXH&NV (ĐHQGHN) chúng tôi đã có chuyến điền dã ở thành phố Yogyakarta, Indonesia. Mục tiêu của chúng tôi là cập nhật và khắc họa chân dung của những người hành nghề cũng như cuộc sống của họ, bối cảnh sống và làm việc của họ sau những thay đổi mà đại dịch COVID-19 đã tạo ra.
Một tuyến phố trung tâm ở Yogyakarta, Indonesia.
Một tuyến phố trung tâm ở Yogyakarta, Indonesia.

Chương trình đó đã đưa tôi và người cộng sự của mình và hành trình khám phá một trong những câu chuyện tác động mạnh mẽ đến thế giới quan của chúng tôi.

Ở vùng ngoại ô thành phố Yogyakarta có một người thợ làm bánh tại gia kiêm nội trợ. Tiệm bánh này của bác đã đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện thu nhập của gia đình kể cả trong giai đoạn COVID-19 hoành hành, bên cạnh đó còn khiến vị trí của người mẹ trong gia đình trở nên vững chắc hơn trong gia đình một cách đáng kể. Đó là nơi chúng tôi đã đến.

Tôi và Rima - một người bạn cùng nghiên cứu về nhân học đèo nhau trên chiếc xe máy vượt qua quãng đường khoảng 10km từ trung tâm thành phố Yogyakarta về vùng ngoại ô. Càng đi xa thành phố, bên đường càng thêm nhiều cây xanh, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp những nhánh sông nhỏ thong thả tràn qua những bờ đá rêu phong, rồi những ruộng lúa tháng Bảy với xa xa là những dãy núi trùng trùng điệp điệp. Sau đó, những con đường hẹp dần và ven đường bắt đầu xuất hiện những trang viên nhỏ nằm giữa những mảnh vườn, bao quanh là những bức tường gạch chỉ cao ngang đầu người.

Những cơn gió lùa trong ánh nắng ở Yogyakarta đưa đến những con ngõ ngoằn ngoèo. Rima chợt bảo: “Cậu có ngửi thấy mùi gì không?” Tôi hít một hơi sâu. Một mùi hương ngọt ngào và nồng nàn của bánh ngọt mới ra lò tỏa ra từ căn nhà trắng trước mặt cho biết là chúng tôi đã tới nơi. Căn nhà chỉ có một tầng. Rima cẩn thận gõ vào cánh cửa gỗ và một người phụ nữ trung niên mở cửa bước ra. Tôi nhớ đến ấn tượng đầu tiên về bác là nụ cười ấm áp và đầy thiện ý trên gương mặt rám nắng phúc hậu. Bác đội chiếc mũ xanh da trời che gọn mái tóc và chiếc tạp dề đen vương bột mì.

Những người phụ nữ Islam đều che kín tóc của họ và chỉ để cho chồng của họ nhìn thấy mái tóc của mình. “Xin chào, xin chào, chào Rima, chào cháu”, bác nói với một giọng nói ấm áp, hồ hởi và gần gũi, dịu dàng dang hai tay ra để bày tỏ sự chào đón chúng tôi. Rima chạm nhẹ tay lên trán và chạm lại vào chân của bác đúng nghi thức chào hỏi bày tỏ sự kính trọng với người bề trên của người vùng Yogyakarta. Cái bắt tay của bác ấm áp và chặt chẽ, tự tin. “Tôi là Siti Mahmuda, và tôi là người thợ làm bánh.”

Đập vào mắt tôi, ở giữa căn phòng khách của gia đình là một núi bánh muffin cao khoảng 30 centimet. Tôi từng nhớ hồi học mẫu giáo ở Mĩ có đọc một câu chuyện về con gà trống một mình nướng bánh muffin ngô, không được ai giúp đỡ. Khi mọi con vật ngửi thấy mùi thơm của bánh lan ra từ nhà của gà trống, tất cả chúng đã xin được nếm thử những chiếc bánh muffin thơm ngậy mùi bơ đến từ túp lều của nó. Trong suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi thường mơ ước được nếm thử những chiếc bánh trong câu chuyện ấy. Và tới lúc này, mơ ước của tôi đã thành hiện thực.

Những chiếc bánh của bác Mahmuda vàng óng và thơm lừng mùi bơ. Lúc đó, mẹ của bác, một bà cụ nhỏ nhắn đang ngồi cho từng chiếc bánh muffin trên khay vào gói bóng kính. Chúng tôi ngồi xuống làm cùng và chẳng bao lâu sau, những chiếc bánh đã được xếp đầy vào những chiếc thùng và được người vận chuyển sẽ đưa chúng đến một nơi nào đó ở Yogyakarta.

Đi xuyên qua phòng khách và phòng ăn, bác Mahmuda cho chúng tôi xem xưởng làm bánh trong căn bếp. Một nửa gian bếp là một chiếc lò nướng bánh, bên cạnh là những khay, hộp và dụng cụ làm bánh. Căn bếp lộn xộn, trên mặt sàn lát gạch trắng bày la liệt những khay bánh muffin mới nướng, túi nho khô và các loại nguyên liệu làm bánh. Bác Mahmuda chạy đi chạy lại tất bật giữa năm gian nhà để thực hiện tất cả những công việc trong ngày của mình: nội trợ cho gia đình, làm bánh phục vụ cộng đồng, và chăm sóc bà mẹ già như một người y tác thực thụ.

Những doanh nghiệp vừa và nhỏ như trường hợp của bác Madmuda được thành lập một cách tự phát. Trước kia, bác vốn là nhân viên của một công ty linh kiện điện thoại di động. Sau đó, vì mẹ của bác bày tỏ mong muốn được sống bên con gái, do đó, bác đã quyết định từ bỏ công việc ở công ty và làm nội trợ toàn thời gian ở nhà.

Hằng ngày, bác Mahmuda tất bật với rất nhiều công việc nội trợ của gia đình như nuôi gà, nấu cơm, rửa bát, quét nhà, giặc giữ, chăm sóc bà mẹ, nuôi bầy gà. Nhưng bác vẫn muốn có một việc làm khác ngoài công việc nội trợ. Năm 2019, bác Mahmuda bắt đầu thử làm bánh và bác đã yêu công việc này từ khi nào không rõ. Khi có cho mình một niềm vui riêng nho nhỏ, bác khám phá các công thức trên mạng, thực hiện nhiều thí nghiệm với bột bánh, trứng sữa,… để tìm ra cách chế biến chúng một cách hiệu quả nhất.

Câu chuyện về tiệm bánh ở Yoyakarta ảnh 1

Bác Mahmuda và mẻ bánh mới ra lò.

Khi đã cho ra lò những mẻ bánh thành công, bác Mahmuda bắt đầu thử bán những chiếc bánh đầu tiên cho những người hàng xóm lân cận và bạn bè, sau đó bác bán trên mạng và nhận được sự phản hồi tích cực từ những người mua bánh. Một động lực để bác duy trì công việc làm bánh, đó là khi công việc kinh doanh của chồng bác không ổn định, thì việc làm bánh có thể giúp tích cóp một khoản phòng ngừa rủi ro cho gia đình.

Nguyên liệu và dụng cụ làm bánh nhỏ như khay, hộp của bác được mua tại cửa hàng tạp hóa địa phương. Đó có lẽ là tiệm tạp hóa lớn nhất vùng này. Trong không gian vỏn vẹn khoảng 50 mét vuông, họ bày bán hầu hết tất cả những nhu yếu phẩm dành cho sinh hoạt gia đình mà một gia đình ở Yogyakarta cần tới. Ở cửa hàng này có thể tìm thấy bột mì, bơ thực vật, bơ động vật, phô mai cheddar, giấy nến, khay nướng,… Một số nguyên liệu tươi khác thì mua ở chợ địa phương.

Tôi cũng là một cô gái có niềm đam mê với việc nướng bánh và thường cho rằng nguyên liệu cao cấp là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt giữa những chiếc bánh làm tại gia và những chiếc bánh do những người thợ chuyên nghiệp làm và bày bán ngoài tiệm. Nhưng tôi đã ngạc nhiên khi thấy những chiếc bánh của bác Mahmuda luôn gần như hoàn hảo cả về hình thức và hương vị dù nguyên liệu làm nên chúng lại khá đơn giản. Những chiếc bánh mì ngọt vừa nướng xong được quét lên một lớp bơ thực vật mỏng tang khiến bề mặt của chiếc bánh ánh lên và rồi chúng liền được cho vào túi bóng kính.

Những vị khách may mắn hẳn sẽ bị chiếc bánh thu hút ngay khi họ mở nắp túi bóng ra, vì hương thơm của bánh được lưu giữ trong túi ngay sau khi ra khỏi lò. Và rồi khi cắn một miếng bánh thơm phức và vàng óng ấy, người ta cảm nhận vị bơ thơm ngậy, vỏ bánh mềm xốp đúng độ và vị ngọt nhẹ. Ấn tượng của người thưởng thức bánh càng mạnh hơn khi họ cắn vào phần nhân thịt gà săn chắc, đậm đà được xào kĩ với nấm hương và một số loại thảo mộc, hình như thoang thoảng hương vị masala (một loại gia vị đặc trưng trong ẩm thực Ấn Độ).

Theo bác Mahmuda, “Điều quan trọng nhất là mức độ lành nghề của đôi bàn tay người thợ bánh”. Về cơ bản khoảng hơn chục loại do bác làm ra được chế biến từ các nguyên liệu cơ bản như bột, bơ, trứng, sữa, phô mai, xúc xích, thịt gà, kem tươi, sốt sô cô la, hạt sô cô la, hạnh nhân, nho khô, mứt hoa quả. Nhưng để tạo ra khối bột chất lượng, người làm bánh phải chú ý đến tỉ lệ thành phần nguyên liệu, chi tiết tới từng gram, và thời điểm nào cho trứng, cho sữa, cho nước vào máy trộn bột, và rồi nhào với tốc độ nào, lực bao nhiêu, bột được nghỉ trong bao lâu,… tất cả đều được người thợ làm bánh tính toán kĩ càng.

Với từng loại bánh, lại có những lưu ý riêng, ví dụ như với bánh Brownie, người ta đánh tan đường trong bơ nóng chảy rồi mới đổ vào hỗn hợp để bánh nướng lên sẽ có một lớp vỏ bóng loáng trên bề mặt. Để học được tất cả những điều đó, bác Mahmuda đã dành sự kiên nhẫn và tỉ mỉ cao độ từ quá trình học tập và thí nghiệm cho đến mỗi lần làm bánh. Những chiếc bánh luôn được rắc nhiều nhân lên mặt bánh bởi nó đem lại ấn tượng đầu tiên tích cực cho những vị khách nhận bánh. Bác cẩn thận gói chúng lại trong những hộp nhựa đáy đen và nắp bóng kính để lộ bề mặt được phủ đầy hạnh nhân, vừng hoặc ruốc. Bên dưới chiếc bánh lót một lớp giấy ren tinh tế, làm nổi bật lên màu sắc của chiếc bánh.

Từ nội thất căn nhà cho đến ngoại hình của từng chiếc bánh, bác Mahmuda đều muốn đem đến cho chúng vẻ ngoài lịch sự và tinh tế nhất bằng cách chú ý đến những tiểu tiết nhỏ trong chúng. Bác là một nghệ nhân luôn tìm những cách thức khác nhau để tạo tác ra những tác phẩm tinh tế, dù tạo vật đó là những chiếc bánh, những bữa cơm hàng ngày, cách bài trí phòng khách hay mối quan hệ với những người xung quanh.

Câu chuyện về tiệm bánh ở Yoyakarta ảnh 2

Những chiếc bánh thơm ngào ngạt đã làm chuyển biến cuộc sống của một người phụ nữ tại Yogyakarta.

Đối với cô con gái duy nhất trong nhà – Eurry, bác Mahmuda là người mẹ kiêm người bạn thân của chị. Eurry từ nhỏ là đứa con duy nhất nên không chỉ được bố mẹ chăm sóc, chiều chuộng và đặt tất cả tình thương vào chị từ bé mà còn gánh trên vai tất cả mọi kì vọng của gia đình. Bác Mahmuda, cũng như chồng mình, là những người có khát vọng lớn. Bởi vậy, họ đầu tư nhiều cho việc học của Eurry và chị đã đỗ vào Gaja Mada, một trường đại học có tiếng của vùng. Ở thời điểm đó, chị đang học ngôn ngữ Ả Rập và bác Mahmuda nói một cách chắc chắn rằng, Eurry sẽ tìm một công việc ở đại sứ quán Ả Rập khi ra trường.

Học vấn là điều được bác Mahmuda đề cao. Giống như ở nhiều thị trường việc làm trên thế giới, ở đất nước Indonesia, mỗi đứa trẻ khi được gửi vào đại học đều thường vì mong muốn được làm những “white collar worker”- những nhân viên cổ cồn trắng, được làm việc trong phòng điều hòa và nhận mức lương cao trong xã hội. Không mấy ai muốn là những người công nhân mặc áo xanh và được trả lương theo giờ. Cho nên dù học tiếng Ả Rập rất khó, chị Eurry vẫn học miệt mài.

Chồng của bác Mahmuda là một người đàn ông to lớn, hào sảng. Khi chúng tôi ở đó đến ngày thứ hai thì chúng tôi gặp bác. Bác nói tôi trông giống hệt Eurry và cười ha hả. Thông thường, vì bận việc kinh doanh nên bác không mấy khi về nhà. Bác Mahmuda và chồng cầu nguyện chiều hôm đó từ căn phòng khách, tiếng kinh Quran đều đều vang lên, báo hiệu một ngày làm việc đã kết thúc và giờ nghỉ ngơi sắp bắt đầu.

Bác Mahmuda kể với chúng tôi rằng, bác và chồng gặp nhau từ hồi còn học đại học chuyên ngành kinh tế. Họ kết hôn ngay khi ra trường và vai trò nội trợ của bác đã bắt đầu từ lúc đó. Nhưng dù tất bật với những công việc thường ngày đến đâu, bác không quên được những khát khao học hỏi và tạo ra những yếu tố mới đóng góp cho cộng đồng xung quanh. Công việc làm bánh không chỉ thỏa mãn đam mê đó của bác mà còn làm bác được nhiều người biết đến, mở rộng quan hệ của bác và đem đến cho bác những giấc mơ vượt ra khỏi phạm vi căn nhà và vùng đất mà bác đang sinh sống.

Tôi hỏi bác Mahmuda rằng, trong giai đoạn dịch COVID-19, công việc làm ăn của bác có bị gián đoạn hay không và ngạc nhiên thay là bác trả lời rằng không có sự gián đoạn nào cả mà thậm chí công việc kinh doanh của bác còn khởi sắc vì đơn đặt hàng qua mạng trong thời điểm đó là rất nhiều. Bác không phải lo những chi phí thất thoát do duy trì một cơ sở kinh doanh như tiền thuê mặt bằng, bảo trì trang thiết bị,… Điều đó cho thấy rằng những mô hình kinh doanh nhỏ sẽ có lợi thế hơn so với những mô hình kinh doanh lớn ở chỗ nó dễ dàng ứng biến, mềm dẻo trong việc đưa ra chiến lược trước những biến động lớn trong xã hội, điển hình trong đợt vừa rồi là dịch COVID-19.

Trong một thời gian dài, xu hướng công nghiệp hóa đã là xu thế được coi trọng, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển và quả thực, đây là một mô hình kinh doanh hết sức ưu việt khi mà nó cho phép con người sản xuất hàng hóa với một số lượng lớn trong khoảng thời gian ngắn chưa từng thấy, điều mà những cá nhân riêng lẻ dù lao động bao nhiêu cũng không thể tạo ra được. Nhưng giống như những hệ thống lớn khác, việc công nghiệp hóa khiến các phần trong hệ thống của nó phụ thuộc vào nhau. Khi có biến cố xảy ra tác động đến dù chỉ một khía cạnh nhỏ của công việc kinh doanh cũng có thể kéo theo sự suy sụp ở cả hệ thống và điều đó sẽ liên lụy đến tất cả những phần tử tham gia vào mô hình kinh doanh ấy.

***

Chia sẻ với chúng tôi, Bác Mahmuda nói rằng, ngoài mong muốn thấy Eurry làm một công việc ở đại sứ quán Ả Rập, bác còn sẽ một ngày nào đó mở cho mình một tiệm bánh ở trung tâm thành phố Yogyakarta. Cho đến lúc có thể thực hiện điều đó, bác đang tích cóp tiền để mua đủ các thiết bị làm bánh cần thiết, thuê được mặt bằng và nhân viên. Chân dung của bác hiện lên trong mắt chúng tôi là một người phụ nữ giàu hoài bão, mạnh mẽ nhưng có thể quán xuyến gia đình như một nữ chủ nhân thực thụ và vẫn giàu tình thương và sự kiên nhẫn, bao dung với những người xung quanh. Có thể thấy sự kiên trì, bền bỉ luôn ẩn sâu trong đó sức mạnh của những người phụ nữ khi họ phải đảm đương những trách nhiệm mà gia đình và xã hội đặt lên vai họ. Nó không chỉ có ở những nữ chính khách hay nữ doanh nhân, mà đôi khi lại xuất hiện ngay bên cạnh chúng ta, ở một người phụ nữ nội trợ trong gia đình.

Số trẻ em tại Nhật Bản tiếp tục giảm trong năm thứ 43 liên tiếp
Số trẻ em tại Nhật Bản tiếp tục giảm trong năm thứ 43 liên tiếp
(Ngày Nay) - Theo số liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 4/5, số trẻ em tại nước này tiếp tục giảm trong năm thứ 43 liên tiếp và tiếp tục ở mức thấp kỷ lục, trong bối cảnh Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đang nỗ lực triển khai những biện pháp chưa từng có để giải quyết vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân trả lời câu hỏi về tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024. Ảnh: VGP
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường thông tin tiến độ mới nhất về Luật Đất đai 2024
(Ngày Nay) - Trả lời báo giới về tiến độ để chuẩn bị cho Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 1/7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân cho biết: “Riêng với Bộ TN&MT, đến thời điểm được giao dự thảo 6 Nghị định và 4 Thông tư, chúng tôi đã hoàn thành các dự thảo. Bộ Tư pháp đã thẩm định, dự kiến trước ngày 10/5, Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ các Nghị định hướng dẫn thi hành”.
Israel ra điều kiện tham gia đàm phán tại Cairo
Israel ra điều kiện tham gia đàm phán tại Cairo
(Ngày Nay) - Ngày 4/5, một quan chức hàng đầu của Israel cho biết Israel sẽ cử một phái đoàn đến Cairo (Ai Cập) để đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Gaza chỉ khi nước này nhận thấy “diễn biến tích cực” về khuôn khổ thỏa thuận trao đổi con tin.
Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng: Tổ chức thành 2 tiểu vùng phía Bắc và phía Nam sông Hồng
Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng: Tổ chức thành 2 tiểu vùng phía Bắc và phía Nam sông Hồng
(Ngày Nay) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng thành 2 tiểu vùng: Phía Bắc sông Hồng và phía Nam sông Hồng.