Không giống như ở dưới xuôi, hoa đào thường chỉ nở rộ vào dịp tết, ở Bình Liêu, khí hậu lạnh hơn nên mùa thu vào tháng 9 dương lịch đã có hoa đào. Bởi vậy những ngày giáp tết, nhiều cây đào trên cành đang nở đợt hoa mới, vẫn có những quả tươi của đợt hoa cũ.
Giống đào ở Bình Liêu thường là đào đá, hoa nhỏ thưa, cánh mầu hồng nhạt gần giống như đào phai dưới xuôi. Thân cây mốc meo dáng cổ kính, hoang dại, hoa có 5 cánh khi nở bung ra, chứ hoa không nhiều cánh nở chúm chím như bích đào. Vậy nên có người ví cây đào đá cũng giống như con người Bình Liêu, có gì là nở ra hết chứ không giấu giếm ai điều gì. Vẻ cổ kính hoang dại của đào rừng lại làm mê mẩn nhiều du khách, họ thường tìm đến các huyện vùng cao để mua đào rừng về chơi tết.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Nông nghiệp ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý người dân không tự ý chặt phá cây rừng, đào rừng phục vụ thú chơi vào dịp tết. Thủ tướng đề nghị các địa phương kiểm soát chặt, ai chặt phá cây rừng, đào rừng mang về thành phố bán sẽ bị xử lý.
Chúng tôi đến xã Húc Động, nơi trồng nhiều đào rừng. Một lãnh đạo xã Húc Động cho biết, xã đã tuyên truyền đến với bà con địa phương không vào chặt đào rừng.
Rất ít loài cây có hoa có thể trụ được thời tiết khắc nghiệt của Bình Liêu như đào. (Ảh: Báo Quảng Ninh) |
Tuy nhiên ở Húc Động, từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân trồng nhiều đào ven đường, hay trồng xung quanh nhà là giống đào bản địa cũng có thân mốc meo, xưa cũ có nguồn gốc từ rừng. Với nhiều người dân Bình Liêu, hoa đào ngoài việc khoe sắc, những người trồng đào còn tin tưởng hoa màu hồng sẽ đem lại may mắn cho họ trong năm. Theo các cán bộ xã, người dân trên địa bàn xã tuy trồng đào, nhưng cũng chưa có hộ nào trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Mỗi gia đình trong xã cũng chỉ có vài ba cây để đẹp nhà chứ không bán.
Gia đình chị Chíu Sám Múi, thôn Sú Cáu, xã Húc Động trồng 6 cây đào ở dọc lối đi và ở sân nhà. Theo chị Múi, những cây đào gia đình chị trồng cũng đã được 6 tới 7 năm. Vào dịp tết những năm trước, cũng có du khách đến nhà hỏi mua đào, chị Múi không bán. Chị Múi bảo để cây ra hoa cho đẹp nhà, bởi ở thôn Sú Cáu khí hậu khắc nghiệt, rất khó trồng các loại hoa khác chỉ có cây đào mới chịu được cái giá lạnh của mùa đông, nếu mình bán đi thì tết nhà mình không có hoa gì, thôn lại xa chợ không mua được hoa khác mà chơi tết.
Chị Chíu Sám Múi, thôn Sú Cáu, xã Húc Động trồng nhiều đào nhưng chỉ để đẹp nhà. (Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Anh Sằn A Chiu ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động thì tỏ ra bực dọc kể với tôi về chuyện có khách đến nhà anh mua đào đá về chơi tết, anh không bán nên bảo anh là chê tiền. Anh Chiu bảo: Ngày tết người ta muốn có cây đào để đẹp gia đình nhà họ, tôi cũng muốn có cây đào để làm đẹp cho gia đình nhà tôi, còn để đẹp xóm làng nữa. Nếu bán đi phải trồng đến gần chục năm mới ra được cây đào cổ thụ như thế, tiền bán có khi chỉ được vài trăm, hay vài triệu tiêu hết ngay.
Cũng theo anh Chiu, cuộc sống người dân Húc Động cũng đã khá hơn nhiều, chứ không như một thời nghèo khó trước đây, cái gì cũng bán, cứ có tiền là thích. Bây giờ ngày tết bà con cũng muốn đẹp nhà, đẹp xóm, đẹp làng. Chẳng nhẽ bán đào nhà rồi mình lại bỏ công đi mua đào nơi khác về chơi, đắt hơn, xấu hơn lại còn mất công, mất tiền chuyên chở nữa.
Ngày nay ở Húc Động, ngoài phát triển cây dong riềng, xã còn tuyên truyền cho bà con giữ gìn cảnh quan môi trường để phát triển du lịch nữa. Bởi du lịch ngoài tạo cho bà con có thu nhập, còn làm xóm làng thêm văn minh và thay đổi nhận thức cho người dân. Vậy nên, người dân cũng mong muốn cây đào tạo điểm nhấn cho du khách đến Húc Động vào dịp tết.