Xưa, người nghèo nhớ Tết, mong Tết nhưng lo Tết. Nay, chúng ta tuy bớt lo hơn, vẫn luôn nhớ mong về Tết. Một chữ Tết đơn sơ, mang đến món quà gì cho chúng ta, mà chúng ta đã ngàn năm, trăm năm nhớ Tết, mong Tết, chờ đến, hân hoan cùng Tết nhiều đến thế…
___________________
1.Chúng ta mong Tết vì Tết là lễ hội lớn của cả một năm. Tâm tư con người sau bao tháng ngày vất vả, có lúc căng lên, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giờ được buông nhẹ đôi tay, thả lòng thân tâm, thở phào một cái, mong cái Tết to, đủ, ấm, vui sẽ đến với đại gia đình của mình, ấy là món quà đầu tiên mà Tết dành tặng cho mỗi người.
Dân gian ta có câu: “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Người nghèo xưa mong Tết để được nghỉ ngơi, vui chơi và no đủ. Con người hôm nay dẫu no đủ mỗi ngày, vẫn mong Tết để được hân hoan chúc tụng, sum họp vui vầy. Đấy cũng là một món quà của Tết.
Hân hưởng những món quà của Tết, còn là niềm thơ thới sang Giêng, tháng của hội hè, đình đám, của muôn phương nô nức trẩy hội, du chơi. Nguồn sống mới nhen lên trong khí xuân ấm áp, khiến con người được tiếp thêm sức mạnh mà đi tới trên những tháng năm rộng dài còn đầy lo toan phía trước.
2.Chúng ta đón nhận những món quà của Tết, nhưng để những “món quà” ấy thực sự nở đóa hoa xuân, thì nhà nhà đều có cái lo năm hết Tết đến. Lo, bởi Tết được coi là một cột mốc trong năm để người ta phấn đấu. Mọi việc lớn nhỏ cứ phải đến Tết mới dễ bề kết thúc; mọi cái hẹn cứ phải lấy Tết mà đặt ra. Nên lo đấy, mà vẫn là lo trong không khí đón nhận một món quà của Tết, ấy là món quà dành cho những thành quả của cuộc sống.
Khi có trong tay những thành quả của cuộc sống, con người sẽ nghĩ đến những niềm hạnh phúc riêng tư. Xưa trai gái yêu nhau, tình cảm đủ chín, thì qua Đông chí, thường lựa ngày lành tháng tốt để làm lễ thành hôn. Nên mùa áp Tết kéo sang Giêng còn được coi là mùa cưới. Tháng Chạp trai gái cưới nhau thì ngày Tết xôn xao thăm gặp, chúc tụng, nhận họ khắp làng trên xóm dưới. Nhà có dâu, rể mới, Tết ấy sẽ trở thành cái Tết to nhất, ý nghĩa nhất, đáng nhớ nhất trong đời người. Nhà nào chờ sang Giêng làm đám cưới, thì Tết ấy rộn ràng sắm nắm lo toan, chuẩn bị bao nhiêu là thủ tục, nghi lễ. Nào dạm ngõ, bỏ trầu, thăm hỏi thông gia, bàn tính lễ cưới. Nào sửa sang nhà cửa, chuẩn bị căn phòng mới cho tân lang tân nương; sắm áo may quần cho cả nhà, sắm váy cô dâu, trang phục chú rể... Sự đẹp đẽ, niềm hưng phấn, tươi vui ấy của cuộc sống, thật như là quà của Tết…
Mà chẳng riêng những gia đình có hỷ sự, chúng ta thường cũng đặt mục tiêu trước Tết thì xây nhà, sửa cửa, sắm thêm bộ bàn ghế, mua cái xe… Nhằm dịp mùa đông hanh hao khô tạnh, người ta sẽ hạ móng, đổ trần. Làm sao để trước Tết hoàn tất việc sơn vôi, đưa đồ nội thất vào ngay ngắn, thế là ấm cúng. Một trong những việc làm lớn nhất, có ý nghĩa nhất của đời người đã được hoàn thành.
Vậy là, có Tết, thì con người ta có cái mốc thời gian để thu xếp những công việc đang làm, có mục tiêu và đích đến rõ ràng, chẳng còn mung lung ngày tháng. Trong đó có những món nợ tài chính, nợ đầu việc, hay nợ lời hứa với ai. Mọi việc cứ phấn đấu phải hoàn thành trước Tết mới an lòng. Cho đến khi xong nợ nần rồi, thì bắt đầu lo cho cái Tết nhà mình được ấm no, tươi đẹp, với thực phẩm đủ đầy, nhà cửa trang hoàng rực rỡ…
3.Những ngày áp Tết xưa, nếu mưa gió cứ sùi sụt kéo dài thì chẳng lấy gì làm dễ chịu. Nhà nghèo mong nắng chả kém gì mong Tết. Có nắng để hong phơi những thứ cần thiết dùng trong dịp Tết, trong đó có cả cái ăn, cái mặc. Nắng tháng Chạp, vì thế cũng trở thành một món quà của Tết.
Đỗ xanh để đồ xôi, nấu chè, làm nhân bánh chưng; mộc nhĩ để bó cây giò xào; lạt dang để gói bánh... là những thức được đem phơi từ giữa Chạp. Chọn một ngày nắng, mẹ rải đỗ lên chiếc dần, neo lên dây phơi cho hạt đỗ thêm đượm nắng. Đỗ giòn thì chờ nguội, rồi rải đều một lớp hạt lên cái thớt gỗ lớn, mẹ dùng chiếc chai thuỷ tinh lăn miết cho hạt đậu vỡ ra làm đôi, việc này gọi là siết đỗ. Mộc nhĩ cha ươm từ mấy gốc gỗ mít ở góc vườn, hái về phơi trên bể nước, qua vài nắng là tai nấm nhĩ khô queo. Lạt dang trắng nõn, cha chuốt mỏng từ ống dang tươi, buộc túm một đầu lại, rồi rải xòe hoa trên mái nhà…
Việc dọn, sửa cửa nhà, giặt giũ chăn màn, xống áo tinh tươm diện ba ngày Tết cũng cần có nắng. Tết ở nhà tôi, chỉ riêng con gái út là tôi có quà, tức là được sắm áo quần và dép mới. Mọi người lớn đều mặc bộ quần áo được cho là đẹp nhất của mình, đã cất giữ trong tủ qua nhiều mùa xuân, dịp cuối Chạp thì đem ra hong nắng.
Mẹ có một chiếc áo cánh vải xoa màu tím hoa cà, chiếc quần lụa sa tanh mờ, đã mặc qua chục mùa xuân, dường như chúng vẫn còn mới. Nhìn những bộ quần áo, khăn mũ đẹp nhất của cả nhà phơi trong nắng ấm, mẹ hay đùa: “Nhà ta phơi áo, quà Tết phấp phới lưng trời”. Liếc thấy trên dây phơi còn thiếu áo len cao cổ, áo sơ mi màu tàn thuốc lá, quần ka ki màu ghi đá của cha, là bộ quần áo được mua theo tiêu chuẩn phân phối, từ ngày cha còn làm ở quỹ tín dụng nhân dân xã, mẹ nhắc chúng tôi, hơi nặng lời như mắng các con quên phần của bố...
Nhớ những Tết nghèo xưa, nhà tôi thiếu hoa đào. Thường có hồng nhung cha trồng, không hái mà để tươi nguyên trên cây “cho xuân vườn”. Hoa thược dược, lay ơn, cúc vạn thọ vài cụm. Nhưng năm nào cha cũng giúp tôi tự làm lấy một cành đào. Mua giấy màu về, cha dạy tôi cắt từng bông hoa. Cứ lớp bông to lồng ôm lấy lớp bông nhỏ thành hoa đào cánh kép, dùng hồ nếp dính lại, lấy đầu kim đan len chuốt cho cong cong cánh mềm là được những bông đào thắm. Cha chọn một cành cây khô có thế đẹp để gắn hoa đào vào. Rồi cũng chờ một ngày nắng ráo, cành đào được treo trên dây, nhờ nắng phơi cho hồ nếp thật khô để tránh bị mốc khi nồm ẩm. Thế là Tết có hoa đào. Những ngày cha con cùng nhau gắn những nhành hoa Tết, tôi lâng lâng như được cầm trên tay những món quà…
***
Rồi nắng ấm những trưa chiều hăm chín, ba mươi Tết đã hừng lên trong từng ngọn khói lơ mơ tỏa ra từ căn bếp rực hồng, chúng tôi cùng nhau canh nồi bánh chưng nghi ngút. Ngoài sân đang ngúc ngoắc chùm cây mùi già treo trên dây phơi. Mẹ giục giã mọi người đi tắm. Từ bếp ra sân, len lỏi trong căn nhà ấm, hương cây hương đất thơm nồng. Quà của Tết thấm đượm trên da, quyện hòa trong tóc…
Đêm ấy, khi tiếng pháo dạm đón Giao thừa phấp phỏng từ xa đâu dội lại, Tết đã ấm nồng thật sự khi trên ban thờ, mâm ngũ quả đủ màu sung túc, bánh chưng đủ cặp, bánh khảo, kẹo lạc chẳng thiếu thức gì, nhang đèn ấm cúng, thơm ngát...
Lúc này, ngồi chờ thời khắc Giao thừa thiêng liêng mà điểm lại những việc ta đã làm được trong một năm qua, thậm chí trong cả một quãng đời người. Thấy thật sự là nhờ có Tết, vì Tết, cho Tết - cái dấu mốc có sức mạnh lay thức, vẫy gọi, thúc giục từ trong sâu thẳm trái tim, đã cho ta thêm sức mạnh để làm nên những điều kỳ diệu của cuộc sống. Ta có thể gọi đó là những món quà của Tết, nhưng đều hiểu một cách sâu sắc và tha thiết, rằng đó là những món quà của cuộc sống, quà của đời người.
box
Lúc này, ngồi chờ thời khắc Giao thừa thiêng liêng mà điểm lại những việc ta đã làm được trong một năm qua, thậm chí trong cả một quãng đời người. Thấy thật sự là nhờ có Tết, vì Tết, cho Tết - cái dấu mốc có sức mạnh lay thức, vẫy gọi, thúc giục từ trong sâu thẳm trái tim, đã cho ta thêm sức mạnh để làm nên những điều kỳ diệu của cuộc sống.