___________________
Trong căn phòng hồi sức đặc biệt của bệnh viện Chợ Rẫy, khi được các y bác sĩ đề nghị làm một vài hoạt động đơn giản, phi công người Anh từ từ nhấc chân lên. Có tiếng vỗ tay, đôi mắt viên phi công nhìn quanh một cách có nhận thức. Ánh mắt chạm đến những người luôn túc trực bên anh, những người mãi cho đến bây giờ, anh vẫn chưa biết mặt. Họ, áo trắng áo xanh, không phân biệt màu da, không phân biệt dòng máu. Họ, không hề từ bỏ, một lần, lại một lần nữa, mang hơi thở đặt vào lồng ngực của người tưởng đã về cõi chết.
Ngày 18/3, Stephen Cameron, 43 tuổi, phi công quốc tịch Anh bị xác định dương tính COVID-19. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Stephen sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến bệnh cực xấu. Viên phi công này xảy ra tình trạng rối loạn đông máu, mắc hội chứng “cơn bão cytokine” – phản ứng miễn dịch dữ dội. Nghĩa là, hệ miễn dịch phản ứng thái quá, giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Biến chứng nặng nề kéo dài suốt 50 ngày khiến Stephen bị suy đa tạng, tổn thương thận, gan, nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng máu, vi huyết khối, xuất huyết…
Biến chứng này tiếp nối biến chứng khác, sự sống gần như là không còn, và nếu chúng tôi buông tay thì chắc chắn ca bệnh số 91 sẽ ra đi vĩnh viễn. Nhưng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vẫn luôn cố gắng can thiệp bằng mọi cách để duy trì sự sống cho BN 91” - bác sĩ Nguyễn Thanh Trường kể lại.
Đến ngày 22/5, phổi của Stephen đã trở nên “đông đặc”. Bộ Y tế chỉ đạo chuyển ca ca bệnh số 91 sang Bệnh viện Chợ Rẫy, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho phương án ghép phổi. Ở thời điểm đó, ghép phổi được cho là biện pháp duy nhất có thể cứu BN 91 khỏi lưỡi hái tử thần.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức liên tiếp các cuộc hội chẩn với nhiều chuyên gia chuyên khoa nhiễm, hô hấp, huyết học, thận, vật lý trị liệu… Phác đồ điều trị được đưa ra và kì diệu thay, sau một tuần, cơ thể của Stephen bắt đầu đáp ứng thuốc, chức năng thận ở mức cho phép. Phổi BN 91 bắt đầu hồi phục và tiến tới việc không cần phải phẫu thuật ghép phổi.
Stephen đã có 68 ngày không thể tự thở, lâu hơn bất cứ bệnh nhân nào mắc COVID-19. Ngay khi có thể trò chuyện, Stephen đã thốt lên rằng: “Nếu tôi ở nơi nào khác trên hành tinh này, có lẽ giờ đây, tôi đã chết”. Nhưng cho đến hôm nay, anh đã sắp bình phục hoàn toàn.
Ngày 6/4, Stephen được đặt ECMO (ô xy hóa máu màng ngoài cơ thể), cả thế giới lúc này chỉ có hơn 1 triệu ca mắc COVID-19. Khi Stephen tỉnh dậy sau gần 10 tuần hôn mê, số ca nhiễm trên thế giới đã lên đến 7 triệu người. Nhưng Việt Nam, bằng những biện pháp chống dịch gắt gao, đã tránh được những tình huống tồi tệ nhất.
Cả nước có rất ít bệnh nhân mắc COVID-19 rơi vào tình trạng nguy kịch như BN 91. Sự quan tâm đặc biệt và những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ y bác sĩ hàng đầu Việt Nam trong việc chống dịch, cứu người đã khiến BN 91 cảm động.
Hiện các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang tích cực điều trị vật lý trị liệu cho Stephen. “Chiến đấu” giành giật sự sống với COVID-19, Stephen đã sụt 20kg, vẫn còn bị nhược cơ do nhiều tháng phải nằm bất động, và đang đối diện với nỗi sợ trầm cảm hậu chấn thương. Nhưng, hơn tất cả, đó là BN 91 đã bảo toàn mạng sống, hồi sinh như từ cõi chết trở về. Vốn dĩ còn sống, còn hơi thở là còn hy vọng.
BS Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Sự hồi phục của BN 91 ngày hôm nay là nỗ lực rất lớn không chỉ từ phía Bệnh viện Chợ Rẫy, mà còn từ các chuyên gia trên cả nước. Đặc biệt, phải kể đến nỗ lực duy trì mạng sống của BN 91 từ phía Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM”. Và sự hồi phục diệu kì của Stephen Cameron, đã gieo vào lòng hàng triệu người Việt niềm tin, niềm tự hào về thành tựu của nền y học nước nhà.
Chỉ còn vài ngày nữa thôi, 12/7, Stephen Cameron sẽ đủ điều kiện xuất viện, ngồi trên chuyến bay dài 12 tiếng đồng hồ trở về Vương quốc Anh. Thoát khỏi cửa tử một cách diệu kì giữa đại dịch COVID-19, Stephen đã khóc khi có thể gọi điện, gặp gỡ bạn bè đang sống tại Anh quốc. Tất cả họ, đều không thể tin Stephen có thể khỏe mạnh trở về. Thậm chí, họ còn chuẩn bị sẵn tinh thần cho điều tồi tệ nhất, nếu Stephen phải hồi hương trong cỗ quan tài.
Nhưng điều kỳ diệu đã nở hoa từ quyết tâm cao độ và y đức của các bác sĩ Việt Nam, Stephen được sống, được thở bằng lá phổi của chính mình. Câu đầu tiên, và cũng là câu rất nhiều lần Stephen nhắc lại: “Không có bác sĩ Việt Nam, tôi đã không thể sống. Cảm ơn Việt Nam!"
Bài: Hồ Ngọc Giàu
Ảnh: BV Chợ Rẫy
Thiết kế: Mẫn San