Theo đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu trình Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết trợ cấp xã hội, hưu trí xã hội đối với người từ 75 đến 80 tuổi; nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi.
Bước vào giai đoạn đầu của thời kỳ “dân số già”
Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) xác định, một quốc gia sẽ bước vào giai đoạn “bắt đầu già” khi người cao tuổi chiếm 10% tổng dân số và bắt đầu giai đoạn “thực sự già” khi người cao tuổi chiếm 20% tổng dân số.
Chiếu theo tiêu chí đó, Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số, bắt đầu từ năm 2011 và dự kiến sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già vào năm 2038. Số người trên 60 tuổi ở Việt Nam năm 2022 chiếm 12% tổng dân số với khoảng 11,4 triệu người, đến năm 2030, số người cao tuổi sẽ là khoảng 17% và đến năm 2050 là 28%. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thời kỳ dân số vàng ở nước ta đã kết thúc. Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, thời kỳ dân số vàng bắt đầu từ năm 2007 sẽ vẫn kéo dài đến năm 2038, đồng thời với giai đoạn già hóa dân số.
Bên cạnh đó là các con số khác rất có ý nghĩa: số người phụ thuộc (tức tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên so với số người trong độ tuổi lao động là từ 15 đến 59) được dự báo sẽ tăng gấp hơn ba lần, từ 14% năm 2014 lên 43% năm 2049. Số người cao tuổi ở Việt Nam sẽ vượt số trẻ em (từ 0-14 tuổi) vào năm 2040. Việt Nam dự báo có 16 năm để chuyển từ nước “sắp già” sang nước “đã già” (có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi tăng nhanh) trong khi Australia là 72 năm cho tiến trình này.
Tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh sẽ tác động đến mọi lĩnh vực đời sống kinh tế- xã hội – từ sự khủng hoảng nguồn nhân công, tăng áp lực với hệ thống y tế và lương hưu, hệ thống bảo trợ xã hội đến việc chăm sóc người cao tuổi về sức khỏe thể chất và tinh thần. Vì vậy, vấn đề già hóa dân số ở nước ta và việc đề xuất các chính sách xã hội thích ứng với hoàn cảnh “chưa giàu đã già” không chỉ là mối quan tâm của riêng người cao tuổi, của một số bộ, ngành có liên quan mà của toàn xã hội.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 12 triệu người cao tuổi. Tuy nhiên, ngành bảo hiểm xã hội mới chi trả cho hơn 3,1 triệu người hưởng lương hưu, hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, hơn 1,7 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách Nhà nước, trong đó hơn 1,4 triệu người là người từ trên 80 tuổi trở lên. Hơn 7 triệu người cao tuổi còn lại chưa có một khoản thu nhập nào thường xuyên và ổn định.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo, nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách nhà nước thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu.
Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 1989 đến năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi lên 73,6 tuổi. Điều này rất đáng mừng, chứng tỏ đời sống của người dân đã được cải thiện. Tuy vậy, tuổi thọ tăng cũng đặt ra một số vấn đề kinh tế xã hội cần giải quyết ở cả tầm vĩ mô.
Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển Việt Nam cho biết, tuy tuổi thọ tăng, nhưng ở nước ta số năm mà người cao tuổi phải sống với bệnh tật còn khá cao - ở các cụ ông là 8 năm và ở các cụ bà là 11 năm. Trung bình, mỗi người cao tuổi mắc từ 3-5 bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính phải điều trị kéo dài, thậm chí suốt đời.
Theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, người dân ở các nước phát triển đã chuẩn bị sẵn lộ trình khi về già cả về tài chính và thời gian nhiều chục năm trước, còn người Việt “chưa giàu đã già”, hầu hết người dân không chuẩn bị được tài chính từ khi còn trung niên để an dưỡng khi về già.
Nhu cầu chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi ở Việt Nam rất lớn, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Nước ta còn thiếu bác sỹ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, nhân lực chăm sóc người cao tuổi.
Quan tâm thiết thực đối với người cao tuổi
Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định, người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.
Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với người cao tuổi. Theo Điều 4 của Luật Người cao tuổi năm 2009, các chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi bao gồm: bố trí ngân sách hằng năm phù hợp để thực hiện chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi theo quy định; lồng ghép chính sách đối với người cao tuổi trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội; phát triển ngành lão khoa đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi; đào tạo nhân viên chăm sóc người cao tuổi…
Căn cứ theo quy định tại khoản 5, Điều 5 của Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về trường hợp người cao tuổi được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng gồm: người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng. Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a nói trên, đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a nói trên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng. Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.
Hiện tại, người cao tuổi thuộc hộ nghèo; không có người có người thân phụng dưỡng được hưởng hệ số 1,5, tương đương 540.000.đồng/tháng. Người cao tuổi thuộc hộ nghèo; không có người thân phụng dưỡng, đủ 80 tuổi trở lên được hưởng hệ số 2,0, tương đương 720.000 đồng/tháng. Người cao tuổi từ đủ 75 - 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; không thuộc các trường hợp 2 trường hợp nêu trên, sống ở xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn được hưởng hệ số 1,0 tương đương 360.000 đồng/tháng. Người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên; không thuộc các trường hợp nêu trên; không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng được hưởng hệ số 1,0, tương đương 360.000 đồng/tháng. Người cao tuổi thuộc hộ nghèo; không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; không có điều kiện sống ở cộng đồng; đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng được hưởng hệ số 3,0, tương đương 1.080.000 đồng/tháng.
Mới đây nhất, ngày 28/7/2023, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 114/NQ-CP về phiên họp Chính phủ tháng 7/2023 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ cơ bản thống nhất đối với các vấn đề như giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) của Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 luật, 1 nghị quyết, trong đó có Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Bên cạnh việc được quan tâm về vật chất, người cao tuổi còn được chăm sóc y tế, chăm lo đời sống tinh thần, được ghi nhận về sự đóng góp cho xã hội. Luật người cao tuổi năm 2009 nêu rõ, người cao tuổi được quy định tại Điều 17 của Luật này được hưởng bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và hỗ trợ chi phí mai táng.
Ở nước ta có loại hình bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên. Đây là sản phẩm bảo hiểm do Nhà nước thực hiện, được nhà nước hỗ trợ nên có mức chi phí rẻ và không cần phải thẩm định sức khỏe.
Ngoài ra, người cao tuổi còn được hưởng nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí hoặc ưu đãi khác do các cơ quan y tế hoặc tổ chức nhân đạo thực hiện. Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, sau 12 năm phối hợp thực hiện, Chương trình “Mắt sáng cho Người cao tuổi” đã khám sàng lọc và cấp thuốc miễn phí cho gần 1 triệu người cao tuổi, thay thủy tinh thể miễn phí cho hơn 5.000 người cao tuổi.
Người cao tuổi ở nước ta được quyền tham gia, tiếp cận với các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch, nghỉ mát, các hoạt động khác bồi bổ, nâng cao đời sống tinh thần cho người cao tuổi, sự quan tâm, thăm hỏi, động viên, chúc thọ.
Điều 21 của Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định: Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ và tặng quà. Người thọ 90 tuổi được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chúc thọ và tặng quà. UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội Người cao tuổi tại địa phương, gia đình của người cao tuổi tổ chức mừng thọ người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên.
Theo Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau là một chính sách nhân văn, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực, hàng trăm nghìn người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, cải thiện về kinh tế, sức khỏe, tinh thần. Kết thúc giai đoạn 5 năm thực hiện Đề án (năm 2020), Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam xây dựng Đề án Nhân rộng Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu và các chỉ tiêu cơ bản của Đề án Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025, có ít nhất 95% các địa phương trong cả nước có câu lạc bộ tự giúp nhau; có thêm ít nhất 3.000 câu lạc bộ mới được xây dựng với 150.000 thành viên, trong đó có hơn 100.000 là người cao tuổi.