Thảo luận dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) ngày 27/10, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, dư luận đang đặt ra câu chuyện: "Tiền nhân dân đóng thuế không phải để chi trả bồi thường. Các anh làm sai, các anh bảo dân đóng thuế cho các anh đền à?".
Theo ông Bình, nhiều nước giải bài toán về kinh phí chi trả bồi thường bằng cách lập quỹ từ nguồn thu xử phạt tội phạm. "Người ta không lấy tiền thuế của dân để đền bù. Nhiều nơi họ xử buôn lậu, ma túy, tham nhũng…, phạt tiền cho vào quỹ để giải quyết bồi thường", ông Bình nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban tán thành quy định tăng trách nhiệm hoàn trả, trách nhiệm kỷ luật đối với người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định hợp lý về mức hoàn trả cụ thể để một mặt bảo đảm tính răn đe, tăng cường trách nhiệm của người thực thi công vụ, mặt khác không tạo tâm lý e ngại của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Uỷ ban pháp luật cũng đề nghị cân nhắc không nên quy định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong trường hợp họ không có lỗi.
Ông Huỳnh Văn Nén. Ảnh: Phước Tuấn
"Đi tù oan mười mấy năm mà bồi thường có bấy nhiêu"
Chánh án TANDTC cho hay thực tiễn các vụ bồi thường trong lĩnh vực hình sự, lâu nay có khó khăn. Cụ thể như mấy vụ án oan sai vừa qua, bồi thường kiểu nào cũng bị phản ứng. Nếu đúng quy định của Luật, Bộ Tài chính yêu cầu phải có chứng từ xác nhận, người được bồi thường không có nhiều giấy tờ để đáp ứng. Ví dụ vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, thực hiện theo quy định thì dư luận sẽ đặt vấn đề "mười mấy năm mà bồi thường có bấy nhiêu" (Sau nhiều lần thương lượng, gia đình ông Nén và TAND tỉnh Bình Thuận đã chấp nhận 4 trong 7 khoản đòi bồi thường, tương đương 2,6 tỷ đồng, nhiều khoản khác hai bên chưa đạt được tiếng nói chung).
Ngược lại, theo ông Bình, nếu vận dụng (để đền bù cao) thì có dư luận sẽ nói sao tiền nhà nước mất nhiều thế. Trong thực tế khi vận dụng Luật, hướng dẫn bao nhiêu cũng không đủ, vì có nhiều khoản không thể chứng cứ hóa được, như: thiệt hại về danh dự, tinh thần...
Cũng đề cập đến trường hợp ông Huỳnh Văn Nén, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ quan điểm: "Không gì bồi thường được việc đưa một con người vào tù oan, dẫu chỉ một năm. Càng không thể để một người đi tù mười mấy năm mà bồi thường số tiền rất nhỏ, mang ý nghĩa tượng trưng".
Đề cập việc thông tin ban đầu bồi thường cho ông Nén hơn 10 tỷ đồng, về sau còn 2,6 tỷ, bà Nga nêu vấn đề ông Nén đi tù 17 năm thì "làm thế nào có đủ giấy tờ để chứng minh thiệt hại". Trong một số quy định pháp luật liên quan có nội dung về chi phí thực tế hợp lý, liệt kê các thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, rồi thiệt hại tinh thần, vật chất… "nhưng cách tính như thế nào là cả vấn đề".
Bà Nga cho rằng, đối với ông Nén, quan trọng là chi phí thực tế hợp lý, "đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm tra cụ thể trường hợp này, tránh kéo dài việc bồi thường".
Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, kết quả thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước từ 2010 đến 2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường; trong đó, đã giải quyết xong 204 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%), với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là hơn 111 tỷ đồng.
Bên hành lang Quốc hội, trả lời việc ông Huỳnh Văn Nén đi tù 17 năm, làm sao có thể có đủ hóa đơn, chứng từ để chứng minh được thiệt hại, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh nói "cơ quan chức năng phải có sự vận dụng tối đa để bồi thường".
Theo ông Cảnh, Toà án với trách nhiệm cơ quan làm oan sai phải có trách nhiệm rà soát thật kỹ, vận dụng tối đa để bồi thường thỏa đáng nhất, cao nhất cho ông Nén. Nhưng vận dụng tối đa cũng phải theo quy định của pháp luật.