Tổng số ca nhiễm COVID-19 mới ở 19 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á đã lên tới khoảng 100.000 ca vào cuối tuần qua, giảm từ 1,06 triệu ca vào ngày 16/3 khi những quốc gia này chiếm gần một nửa số ca nhiễm mới trên thế giới, số liệu của Đại học Johns Hopkins cho biết.
Tại Malaysia, số trường hợp mắc mới dao động trong khoảng 2.000 ca, chưa bằng 10% so với mức cao nhất trong tháng 3. Quốc gia Đông Nam Á này nằm trong số các quốc gia trong khu vực tiến hành nới lỏng các hạn chế thời đại dịch.
Kể từ Chủ nhật, người dân tại Malaysia không còn phải đeo khẩu trang khi ra đường, được phép vào các tòa nhà công cộng bất kể tình trạng tiêm chủng như thế nào và những du khách du được tiêm phòng đầy đủ có thể bỏ qua các xét nghiệm trước khi nhập cảnh.
"Đây là tin tốt nhất từ trước đến nay, khi mọi người cảm thấy mệt mỏi với quá nhiều hạn chế vô tận", một doanh nhân tại Kuala Lumpur cho biết.
Philippines cũng chỉ ghi nhận khoảng 200 ca mắc mới mỗi ngày. Các ca nhiễm mới vẫn ở mức thấp mặc dù số lượng cử tri đi bầu tổng thống mới là rất lớn.
Các quốc gia khác cũng đang tiến tới trở lại bình thường. Singapore đã loại bỏ gần như tất cả các hạn chế liên quan đến COVID-19 ngoại trừ yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà. Hàn Quốc sẽ không còn yêu cầu người dân đeo khẩu trang ngoài trời kể từ đầu tuần này.
Tốc độ lây nhiễm chậm lại cho thấy tác dụng của các mũi tiêm tăng cường. Ở Singapore, 74% dân số đã được tiêm nhắc lại, trong khi ở Malaysia, tỷ lệ này rơi vào khoảng 50%.
Theo ông Dale Fisher, giáo sư chuyên về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore, miễn dịch tự nhiên cũng là một yếu tố đáng ghi nhận.
"Với 800.000 trường hợp được ghi nhận trong 3 tháng qua và con số thực có khả năng cao hơn, hầu hết mọi người đều được bảo vệ rất tốt", giáo sư Fisher đề cập đến tình hình của Singapore. "Hơn nữa, việc đeo khẩu trang trong nhà và các cuộc tụ tập đông người vẫn bị hạn chế. Đây là những biện pháp can thiệp rất hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan."
Trong khi nhiều quốc gia châu Á chấp nhận khách du lịch nhập cảnh mà không yêu cầu cách ly, chính phủ Trung Quốc tiếp tục áp đặt các quy định nghiêm ngặt theo chiến lược "zero COVID" của mình.
Thành phố Thượng Hải vẫn chưa chấm dứt tình trạng phong tỏa, trong khi ở Bắc Kinh, chính quyền đã thực hiện các bước cấp thiết như đóng cửa các trường tiểu học và trung học cơ sở.
Trong triển vọng kinh tế toàn cầu được sửa đổi gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc xuống 4,4%, giảm 0,4% so với hồi tháng 1 và thấp hơn nhiều so với những gì chính quyền Bắc Kinh đặt mục tiêu đạt được trong năm nay.
Sự sụt giảm động lực tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc sẽ đè nặng lên các nền kinh tế Đông Á và Đông Nam Á, vốn đang cố gắng thoát khỏi đại dịch.