Thủ đô của Trung Quốc đang tăng cường xét nghiệm hàng loạt đối với 21 triệu người dân, tập trung ở quận Triều Dương, nơi có nhiều ca mắc COVID-19 nhất thành phố. Cảnh tượng các khu dân cư bị phong tỏa lẻ tẻ đã khiến người dân Bắc Kinh lo sợ rơi vào tình cảnh tương tự như người Thượng Hải.
Chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc thông báo người dân của thành phố này phải có xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 48 giờ mới được phép lui tới các địa điểm công cộng.
Quy định này có hiệu lực từ ngày 30/4 và kéo dài trong đợt nghỉ lễ Ngày Quốc tế lao động 1/5 kéo dài 5 ngày. Học sinh và người lao động cũng sẽ phải trình xét nghiệm trước khi quay trở lại trường học và nơi làm việc sau kỳ nghỉ.
Các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt đang tạo ra tâm lý lo ngại về những tổn thất mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải gánh chịu. Doanh số bán lẻ và hoạt động sản xuất trong tháng 3 cho thấy nền kinh tế đang suy giảm mạnh do tác động chính từ lệnh phong tỏa thành phố Thượng Hải.
Theo công ty Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Hong Kong, trong số 100 thành phố hàng đầu của Trung Quốc tính theo tổng sản phẩm quốc nội, có tới 44 thành phố (chiếm 1/3 GDP Trung Quốc) đang rơi vào cảnh phong tỏa.
Hầu hết các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 do môi trường kinh doanh xấu đi và chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ nước này sẽ nới lỏng chiến lược "zero COVID", ngay cả khi toàn thế giới đang chọn cách sống chung với dịch bệnh.
Trong cuộc họp mới nhất, Bộ Chính trị Trung Quốc đã thừa nhận tác động kinh tế ngày càng tăng của các đợt bùng phát dịch bệnh. Cơ quan ra quyết định cao nhất của Trung Quốc cũng cam kết một gói các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
"Đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng Ukraine đã dẫn đến sự gia tăng rủi ro, tính phức tạp, mức độ nghiêm trọng và sự không chắc chắn xung quanh môi trường phát triển kinh tế của Trung Quốc", Bộ Chính trị Trung Quốc tuyên bố. "Sự ổn định tăng trưởng, việc làm và giá cả đang đối mặt với những thách thức mới."
Bất chấp các tổn thất về kinh tế và xã hội ngày càng tăng, ít ai dám tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ quyết định từ bỏ chiến lược "zero COVID", nhất là khi nhà lãnh đạo 68 tuổi này đang chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ thứ ba.