Châu Phi tách đôi, một đại dương mới đang hình thành?

Những dịch chuyển của tầng địa chất có thể tạo nên một đại dương mới.

Ở một trong những điểm nóng nhất trên Trái Đất, gần vùng lõm Afar, lục địa Phi đang dần tách ra. Các nhà khoa học cho rằng việc ba mảng kiến tạo xung quanh châu Phi dần đi chuyển xa nhau cuối cùng sẽ tách châu Phi thành hai phần, và hàng triệu năm nữa sẽ tạo ra một lưu vực đại dương mới.

Châu Phi tách đôi, một đại dương mới đang hình thành? ảnh 1

Vết nứt tại Afar, nơi các nhà khoa học cho rằng có thể tạo nên một đại dương mới. - Ảnh: University of Rochester.

Vị trí lý tưởng cho đại dương mới

Bằng chứng rõ ràng nhất cho lý thuyết này là vết nứt dài 56 km trên sa mạc Ethiopia. Các giả thuyết về tương lai của lục địa châu Phi đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ, nhưng các phép đo vệ tinh mới đang giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về quá trình hình thành nên một đại dương mới.

"Đây là nơi duy nhất trên Trái Đất mà bạn có thể nghiên cứu rạn nứt lục địa trở thành rạn nứt đại dương như thế nào", Christopher Moore, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Leeds với những đề tài sử dụng radar vệ tinh để nghiên cứu hoạt động núi lửa ở Đông Phi nói trên NBC News.

Đại dương mới sẽ mất từ 5-10 triệu năm mới hình thành, và khu vực vùng lõm Afar là nơi lý tưởng để tìm hiểu quá trình này bởi nó nằm giữa ranh giới các mảng Nubian, Somali và Arabian.

Châu Phi tách đôi, một đại dương mới đang hình thành? ảnh 2

Những vết nứt lớn ở châu Phi được cho là kết quả của các lục địa đang dần rời xa nhau. - Ảnh: Alamy.

Lớp vỏ của Trái Đất được tạo thành từ 16 mảng kiến tạo lớn. Đây là những khối địa chất khổng lồ với hình dạng không đều, liên tục va đập và trượt lên hay xuống. Trong 30 triệu năm qua, mảng Arabian ngày càng trượt xa khỏi châu Phi. Quá trình này tạo ra Biển Đỏ và Vịnh Aden giữa châu Phi và bán đảo Ả Rập.

Mảng Somali ở phía đông châu Phi cũng đang dần tách xa khỏi mảng Nubian dọc theo Thung lũng tách giãn Đông Phi, kéo dài qua Ethiopia và Kenya.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích vì sao các mảng lại tách rời nhau khiến các lục địa rạn nứt, nhưng đã có thể dự đoán khá chính xác cách mà các mảng sẽ tách rời nhau ra.

"Với đo đạc từ hệ thống GPS, chúng ta có thể đo chính xác tốc độ tách rời là khoảng vài mm/năm. Càng có nhiều dữ liệu từ GPS, chúng tôi càng có thể dự đoán chính xác hơn điều gì sẽ xảy ra", Ken Macdonald, nhà địa chất đại dương tại trường UC Santa Barbara chia sẻ.

Hoả ngục của Dante

Tuy nhiên, thực hiện nghiên cứu tại vùng Afar không đơn giản bởi khí hậu quá khắc nghiệt.

"Nơi này được gọi là hoả ngục của Dante. Khu vực có người sinh sống nóng nhất trên bề mặt Trái Đất là Afar. Nhiệt độ ban ngày thường lên tới trên 54 độ C, và ban đêm mát hơn thì xuống 35 độ", Cynthia Ebinger, nhà địa vật lý tại đại học Tulane chia sẻ.

Bà Ebinger đã nghiên cứu vết nứt tại sa mạc Ethiopia từ năm 2005. Theo chuyên gia này, vết nứt tương đương với hàng trăm năm thay đổi của quá trình kiến tạo địa chất.

Châu Phi tách đôi, một đại dương mới đang hình thành? ảnh 3

Hàng triệu năm nữa, Đông Phi có thể tách ra thành một lục địa mới, và một đại dương mới sẽ hình thành. - Ảnh: Forbes.

"Chúng tôi cố gắng tìm hiểu điều gì đã gây ra quá trình này", bà giải thích. Bà Ebinger cho rằng áp suất lớn từ các dòng dung nham có thể là nguyên nhân dẫn tới vết nứt tại Afar. Quá trình này giống như bơm đầy hơi vào quả bóng bay, khiến vỏ bóng bay căng và chỉ cần chạm nhẹ là có thể nổ.

Những hiện tượng như thế này, trong tương lai, sẽ định hình lại lục địa Phi. Mỗi mảng ở khu vực Afar đều đang di chuyển với tốc độ khác nhau, nhưng lực tác động chung sẽ tạo ra hệ thống sườn đại dương, và cuối cùng hình thành nên đại dương mới.

"Nước từ vịnh Aden và Biển Đỏ sẽ tràn vào khu vực này và Thung lũng tách giãn Đông Phi, trở thành một đại dương mới. Một phần của Đông Phi sẽ trở thành một lục địa nhỏ riêng biệt", ông Macdonald cho biết.

Mảng Arabian đang di chuyển với tốc độ khoảng 2,5 cm/năm. Hai mảng còn lại chỉ di chuyển khoảng 5 mm/năm. Tuy tốc độ là rất nhỏ, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là bằng chứng rõ ràng một sự thay đổi về địa chất sẽ diễn ra.

Khi các mảng tách ra, vật chất từ sâu bên trong Trái Đất sẽ di chuyển lên bề mặt và hình thành lớp vỏ đại dương tại các rặng núi.

"Chúng ta có thể thấy lớp vỏ đại dương đang bắt đầu hình thành, vì nó khác biệt rõ rệt với lớp vỏ lục địa về thành phần và mật độ", ông Christopher Moore cho biết.

Theo Zing
TIN LIÊN QUAN
Khám phá công trình kiến trúc Pháp cổ trên "Giao lộ sáng tạo"
Khám phá công trình kiến trúc Pháp cổ trên "Giao lộ sáng tạo"
(Ngày Nay) - Tháng 11/2024, hàng loạt các công trình kiến trúc Pháp cổ sẽ được mở cửa đón khách tham quan, trải nghiệm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề “Giao lộ Sáng tạo” do UBND TP Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sở Văn hóa thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức.
AI - Cơ hội hay rủi ro trong thế giới xuất bản?
AI - Cơ hội hay rủi ro trong thế giới xuất bản?
(Ngày Nay) - Hãy tưởng tượng một thế giới nơi mỗi cuốn sách bạn đọc được cá nhân hóa hoàn toàn. Hãy hình dung có một trợ lý không chỉ nhớ tất cả những cuốn sách bạn đã đọc, mà còn phân tích sâu sắc sở thích, phản ứng cảm xúc của bạn, và thậm chí sáng tạo ra những câu chuyện độc đáo, chỉ dành riêng cho bạn. Mỗi trang sách, mỗi đoạn văn, trở thành cuộc trò chuyện thân mật giữa bạn và một "người bạn" am hiểu bạn hơn bất kỳ ai….
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương chúc mừng các đồng chí được thăng quân hàm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao quyết định thăng quân hàm cho lãnh đạo Công an và Quân đội
(Ngày Nay) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, các đồng chí được thăng cấp bậc hàm, quân hàm Đại tướng, Thượng tướng hôm nay là những sĩ quan ưu tú được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, trao giữ các cương vị, trọng trách quan trọng trong lãnh đạo, chỉ huy lực lượng Quân đội, Công an...