Cháy lên như ngọn lửa

Cháy lên như ngọn lửa

Sau thành công của những bài hát gắn liền với thanh xuân nhiều thế hệ, như “Nhật ký của Mẹ”, “Vầng trăng khóc” hay “Chiếc khăn gió ấm”, nhạc sĩ trẻ Nguyễn Văn Chung đã dành trọn mười năm để cho ra đời một món quà đầy ý nghĩa dành cho thiếu nhi, đồng thời cũng chính là những món quà đặc biệt nhất dành cho những bậc làm cha, làm mẹ.

____________________________

Cháy lên như ngọn lửa ảnh 1

Là một người “được âm nhạc chọn”, Nguyễn Văn Chung yêu âm nhạc và đam mê làm nhạc. Với anh, “âm nhạc” là một thánh địa thiêng liêng, còn “nghệ sĩ” là danh xưng mang theo cả những trọng trách lâu dài.

“Tôi muốn trở thành một người nghệ sĩ có thể gìn giữ được sự trong sáng trong âm nhạc. Ngoài cảm xúc, còn cần có trách nhiệm với xã hội. Một người nghệ sĩ thực sự sẽ dùng khả năng của mình để tôn vinh và lưu giữ những giá trị tốt đẹp, từ đó lan tỏa sự tích cực cho mọi người”.

Bất kể đối tượng lắng nghe là ai, anh đều muốn họ sẽ tìm thấy ở thứ nhạc của anh một người bạn đồng hành, hay – "kim chỉ nam" trong những lúc yếu lòng, chông chênh nhất. Âm nhạc của anh có thể mang đến những chiếc chạm khẽ khàng mà thổn thức của tình yêu, hay sự bao la ấm áp của tình cảm gia đình, cũng có thể nói về những hạnh phúc bé nhỏ mà đơn giản.

Nếu như Trịnh từng nói người ta sống cần có tấm lòng, “để gió cuốn đi”, thì Nguyễn Văn Chung nói, anh muốn âm nhạc của anh giữ người ta lại, kết nối những trái tim yêu thương và những tâm hồn đồng điệu.

Cháy lên như ngọn lửa ảnh 2
Cháy lên như ngọn lửa ảnh 3

Mọi sự thành công đến với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đều đã phải trải qua những “phép thử”, cũng như nhiều lần đối mặt với tâm lý “đánh cuộc cùng số phận”.

Anh trải lòng, “Nhật ký của Mẹ” vốn là món quà mà anh viết cho đấng sinh thành. Với thời lượng dài gấp 3 lần những ca khúc thông thường, nhạc sĩ Chung vốn không hy vọng gì các sân khấu ca nhạc sẽ đón nhận, bởi yếu tố thương mại cũng như sự khó khăn cho ca sĩ trong việc thuộc lời. Nguyễn Văn Chung đã nghĩ, có lẽ ca khúc này sinh ra sẽ phải chịu thiệt thòi.

Thế nhưng, “Nhật ký của Mẹ” lại đem đến cho anh sự thành công vượt qua mong đợi, khi không chỉ được đón nhận ở Việt Nam, mà còn vươn xa ra tầm quốc tế, được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Dù không bán cho ca sĩ, nhưng nhạc khúc đã mang cho Nguyễn Văn Chung nhiều giải thưởng, lợi nhuận và ý nghĩa nhiều hơn so với tất cả những bài hát thương mại khác.

Ở đỉnh cao của sự nổi tiếng và có chỗ đứng nhất định trong làng nhạc, vậy mà Nguyễn Văn Chung lại bỏ hết tất cả để làm nhạc thiếu nhi, một mảnh đất dường như đã bỏ trống trong thời gian quá dài, và cũng ít nhận được sự quan tâm chính sách.

Quả vậy, cho đến giờ, hầu hết những ca khúc nằm lòng của đám trẻ đều đã ra đời từ hơn 30 năm trước như “Con cò bé bé”, “Tạm biệt búp bê thân yêu” hay “Chú heo đất”…

Cháy lên như ngọn lửa ảnh 4

“Nhạc thiếu nhi không mang lại tiền tài và danh vọng. Có thể nói, tôi là nhạc sĩ trẻ viết về nhạc thiếu nhi nhiều nhất trong làng nhạc Việt Nam. Thế mà, trong suốt tám năm thai nghén cho tuyển tập 300 bài hát thiếu nhi, đã chẳng có một ánh hào quang, một giải thưởng âm nhạc nào cho mảng này”.

Nói không tủi thân hay không tổn thương thì sẽ là nói dối, người nhạc sĩ biết và cũng rất thành thật với chính mình. Làm nhạc thiếu nhi thật sự là một con đường khó khăn mà không được ai công nhận. Đó là con đường người nhạc sĩ muốn đi, nhưng đường vinh quang lại không hề “trải bước trên hoa hồng”.

Số tiền mà Nguyễn Văn Chung bỏ ra lớn hơn nhiều so với số tiền anh thu lại được khi viết nhạc trẻ. Câu hỏi “Điều này có xứng đáng không?” vẫn luôn quay quắt trong đầu suốt tám năm, rồi mười năm, chỉ chực chờ khiến anh sụp đổ.

Nhưng may mắn thay, Nguyễn Văn Chung đã không bỏ cuộc.

Cháy lên như ngọn lửa ảnh 5

Cuối năm 2020, chùm nhạc thiếu nhi của Nguyễn Văn Chung đã được trao tặng Giải Khát vọng Dế mèn – Giải thưởng Thiếu nhi Dế mèn lần 1 của Báo Thể thao & Văn hóa cùng Thông tấn xã Việt Nam. Và tuyển tập 300 ca khúc nhạc thiếu nhi của anh cũng đã sẵn sàng ra mắt công chúng vào mùa thu.

Cháy lên như ngọn lửa ảnh 6

Tám năm viết nhạc và hai năm hậu kỳ - một thập kỷ âm thầm bền bỉ, Nguyễn Văn Chung muốn dùng chính câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp của anh để cộng đồng dành nhiều sự quan tâm hơn đến âm nhạc thiếu nhi, cũng như sự phát triển tâm hồn cho những đứa trẻ.

Tuổi thơ mỗi thời mỗi khác, nhất là của những đứa trẻ lớn lên ở thành phố - những nhân chứng rõ ràng của sự phát triển đô thị. Nếu tuổi thơ cách đây 40 năm là đá bóng, trốn tìm, trèo me trèo sấu, nhảy tàu điện, thì những đứa trẻ ngày nay sẽ quen thuộc với những chiếc máy tính thông minh, với mạng xã hội và câu chuyện trở thành một công dân kỹ thuật số toàn cầu.

Có lẽ, những bài hát thiếu nhi có tuổi đời đáng kể đối với các em nhiều khi lại khá xa vời thực tế. Chung quy, việc chênh, thiếu hụt đó rốt cuộc lại khiến trẻ em chuyển sang nghe và hát nghêu ngao những khúc ca dành cho người lớn. “Tôi nghĩ điều này không tốt cho sự phát triển tâm lý và nhân cách của các em".

Chưa kể, nhiều nghệ sĩ có cách làm nhạc và đặt vấn đề quá xù xì, gai góc, thậm chí xấu xí. Anh cũng lo ngại rằng những năng lượng đó có thể chạm tới những đứa trẻ, trong đó có con mình: “Với người làm nhạc, tôi mong họ nhất định đừng gieo những giá trị tiêu cực và phản cảm cho cộng đồng. Nếu đã khoác lên mình chiếc áo ‘nghệ sĩ’, luôn cần ý thức rằng mình là người có ảnh hưởng đến công chúng, nhất là khán giả nhỏ. Không thể khống chế khán giả phải suy nghĩ như mình. Cần đặt câu hỏi ‘Nếu người nghe có thể có nhận thức như thế, thì sao?’. Đó là ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ”.

Cháy lên như ngọn lửa ảnh 7

Mang theo nỗi trăn trở ấy, Nguyễn Văn Chung càng muốn thay đổi sâu rộng nền âm nhạc thiếu nhi. Anh tâm huyết: “Tôi muốn mình trở thành một que diêm, làm một mồi lửa thắp sáng nên phong trào nhạc thiếu nhi. Tôi sẽ trở thành nguồn động viên, cổ vũ khuyến khích những nhạc sĩ trẻ khác – hãy mạnh dạn viết nhạc cho con trẻ. Tôi cũng mong cộng đồng sẽ chú ý, và sẽ có thêm nhiều sân chơi, chính sách hơn cho lĩnh vực này”.

Nhạc sĩ nhấn mạnh, bản thân anh muốn thiếu nhi sẽ hát nhạc thiếu nhi một cách trong sáng và hồn nhiên nhất, chứ không phải ở những sân chơi khi các em quá chú tâm vào phô diễn kỹ thuật và trình diễn với những bài hát có mức độ khó cao.

Không chỉ sáng tác những ca khúc trong tuyển tập, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung còn tự học hỏi để trở thành nhà sản xuất, tự bỏ tiền hòa âm phối khí, thu âm, quay hình. Tiền hòa âm phối khí và thu âm cho 300 bài hát hết 900 triệu, chi phí làm 20 video ca nhạc cũng lên đến 300 triệu, chưa kể chi phí in các ấn phẩm sách. Anh cũng trực tiếp tham gia vào các khâu tuyển chọn và đào tạo những giọng ca nhí. Và rồi sau đó, lại tiếp tục đầu tư học báo chí, truyền thông.

“Gặp phải đúng hai năm dịch bệnh, việc tìm kiếm một nguồn đầu tư có cùng đường hướng nhân văn như mình cũng vì thế mà trở nên khó khăn. Nói thật, tôi vẫn muốn tìm kiếm một người đồng hành cùng chí hướng và hiểu những việc tôi làm”.

Để thắp lên ngọn lửa cho phong trào nhạc thiếu nhi, Nguyễn Văn Chung thật sự đã đốt cháy cả bản thân, đốt cháy tất cả những gì mình có, anh thật sự đã hóa thân thành một que diêm, hay – một ngọn đuốc sáng rực.

Cháy lên như ngọn lửa ảnh 8
Cháy lên như ngọn lửa ảnh 9

Tuyển tập 300 bài hát thiếu nhi của Nguyễn Văn Chung dự kiến sẽ cho ra mắt vào tháng Tám tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp Trung Thu. Sau đó, ấn phẩm dự kiến sẽ được đưa vào thư viện của các trường học cả nước, trở thành tài liệu tham khảo cho mọi giáo viên âm nhạc, sẵn sàng đón các em nhập học vào tháng Chín.

Nội dung của tuyển tập 300 bài hát thiếu nhi dựa trên ấu thơ của một đứa trẻ từ 3 đến 13 tuổi, được chia thành 5 phần: Gia đình, Trường lớp, Lễ Tết, Thế giới Tuổi thơ (Những trò chơi dân gian, truyện cổ tích, những món đồ chơi) và Những bài học nhỏ (Cách bảo vệ bản thân, chăm đọc sách, biết qua đường, tính tiết kiệm). Mỗi phần gồm 60 bài hát, tất cả tạo thành một cuốn cẩm nang dành cho các em dưới hình thức âm nhạc, được minh họa bởi NXB Kim Đồng.

Nhạc sĩ cho hay, đã có 6 bài hát trong tuyển tập 300 ca khúc thiếu nhi của anh được đưa vào sách giáo khoa: “Đó là một sự ghi nhận rất lớn của Bộ Giáo dục & Đào tạo dành cho một người nhạc sĩ. Điều đó thể hiện những bài hát này của tôi đã thỏa mãn các yêu cầu về độ mỹ thuật và giá trị nhân văn”.

Bản thân anh cũng trăn trở việc làm sao để âm nhạc thiếu nhi của mình tiếp cận với trẻ: “Không thể bó buộc suy nghĩ trong những lề thói, phương thức cũ kỹ. Trẻ em bây giờ có rất nhiều nền tảng mạng xã hội như Youtube, TikTok, Facebook, tôi cần tìm cách tận dụng những nền tảng đó, để phục vụ cho mục tiêu cuối cùng – là phổ biến âm nhạc thiếu nhi và những thông điệp nhân văn đến mọi ngõ ngách xa xôi nhất của đất nước mình”.

Cháy lên như ngọn lửa ảnh 10

Ảnh: Nguyễn Thanh Tùng

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?