Thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã ký ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Quyết định nêu rõ, thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Bảo đảm an toàn COVID-19 trong các khu công nghiệp
Công điện 680/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm an toàn COVID-19 trong các khu công nghiệp nêu rõ, để tập trung phòng chống, dập dịch hiệu quả, có phương án bảo đảm hoạt động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, nhất là của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác, tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, quyết liệt chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo tất cả các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, tự đánh giá mức độ an toàn, cập nhật lên bản đồ an toàn COVID-19. Kiên quyết dừng hoạt động khi không bảo đảm an toàn và không cập nhật mức độ an toàn lên hệ thống.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và những người liên quan (người cung cấp, vận chuyển vật tư, hàng hóa, suất ăn…); xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực.
Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn việc cách ly, xét nghiệm đối với người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng khu vực và diễn biến tình hình dịch bệnh để nếu có tình huống dịch xâm nhập, có thể duy trì hoặc sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thần tốc sàng lọc các trường hợp nghi mắc COVID-19 tại Bắc Giang, Bắc Ninh
Tại thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh về phòng, chống dịch COVID-19 sáng ngày 26/5/2021, Thủ tướng yêu cầu tăng cường năng lực, huy động tối đa các nguồn lực để xét nghiệm, tập trung xét nghiệm nhanh, thần tốc sàng lọc các trường hợp nghi mắc bệnh tại Bắc Giang và Bắc Ninh.
Mục tiêu cao nhất hiện nay trong phòng chống dịch là phải tập trung ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh ở 2 tỉnh. Do đó, cả Bắc Giang và Bắc Ninh với sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ tích cực của các bộ, ngành liên quan và của các địa phương liền kề, tiếp tục tập trung cao độ, chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao hơn và thực hiện có hiệu quả hơn các biện pháp theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg, số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất có thể, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết. Trước hết, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đồng thời phải có biện pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm giữ vững, không để đứt gãy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất lớn.
Chủ động, sáng tạo trong phòng chống dịch tại các khu công nghiệp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu UBND hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang chủ động, sáng tạo trong tổ chức, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, đúc kết thành bài học kinh nghiệm để phổ biến cho các địa phương có khu công nghiệp trên cả nước vận dụng vào thực tiễn khi có dịch xảy ra.
Phân loại các trường hợp F1 để thực hiện cách ly, xét nghiệm phù hợp, có kế hoạch đưa từng phần, từng bộ phận của nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp trở lại hoạt động an toàn, sớm nhất; đặc biệt là các doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn.
Chỉ đạo các nhà máy, xí nghiệp xây dựng phương án tổ chức sản xuất trong tình hình dịch còn kéo dài; xây dựng hệ thống quản lý đến từng cá nhân trong khu công nghiệp; thực hiện phân chia, ưu tiên các nhóm doanh nghiệp trong khu công nghiệp, đồng thời áp dụng giãn cách theo từng thời điểm.
Tháo gỡ khó khăn tiêu thụ nông sản cho Bắc Giang
Trong tuần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn tiêu thụ nông sản cho Bắc Giang, trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Bắc Giang trong việc lưu thông, tiêu thụ nông sản.
Đồng thời, khảo sát thực tế và trực tiếp làm việc với tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ xây dựng kế hoạch thu mua, tiêu thụ quả vải; bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi nhất, ưu tiên tối đa cho hoạt động thu mua, phân phối, tiêu thụ mặt hàng quả vải; đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để xe chở quả vải và nông sản của tỉnh Bắc Giang lưu thông ra vào các tỉnh, thành phố; đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan, các hiệp hội ngành hàng, thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, người nông dân kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Các địa phương có cửa khẩu xuất khẩu lượng lớn hàng nông sản (Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh…) phối hợp với các bộ, ngành chức năng thông tin, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang cũng như các địa phương khác tổ chức vận chuyển, lưu thông hàng hóa đảm bảo an toàn và thuận lợi, nhất là đối với các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đang vào vụ thu hoạch.
Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công
Theo Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; từng bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin-cho” và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng.
Vốn đầu tư công phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học
Theo Chỉ thị 14/CT-TTg về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Giáo dục và Đào tạo đ ẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo từ xa, xây dựng các khóa học trực tuyến mở, đại chúng trong các cơ sở giáo dục đại học; đa dạng hóa nội dung giáo dục, đào tạo, đổi mới phương thức học tập và tăng cường sử dụng các phương tiện và công nghệ hiện đại hỗ trợ học tập, nhất là các phương tiện truyền thông xã hội trong tổ chức các hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên. Nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý giáo dục theo hướng tiếp cận công nghệ, quản lý nhà trường theo hướng mở, kết nối, dùng chung hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu lớn.
Xóa bỏ tư duy xin cho trong xây dựng cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách nhà nước phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường và tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành; dứt khoát xóa bỏ quan liêu bao cấp, tư duy xin cho. Chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng hướng, tăng cường phân cấp.
Quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường
Nghị định số 54/2021/NĐ-CP quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường bao gồm dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại Phụ lục II, Mục I, Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường thuộc một trong các trường hợp:
+ Dự án đầu tư công (trừ các dự án đầu tư công khẩn cấp, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, dự án thành phần thuộc dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch).
+ Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP).
+ Dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
+ Dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo yêu cầu của nhà đầu tư.
Xây dựng cầu qua sông có đê phải bảo đảm thoát lũ
Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê.
Theo đó, việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo cầu qua sông có đê phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về giao thông, xây dựng và các nguyên tắc: Phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều; phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp quy hoạch tỉnh chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt thì phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với công trình ảnh hưởng đến hai tỉnh trở lên hoặc của UBND cấp tỉnh đối với công trình chỉ ảnh hưởng trong phạm vi tỉnh.
Việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo cầu qua sông có đê phải bảo đảm thoát được lũ thiết kế và lũ lịch sử của tuyến sông, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều và giao thông đường thủy theo quy định của pháp luật.
Lựa chọn kết cấu và bố trí các trụ cầu phù hợp, xuôi thuận với hướng dòng chảy để hạn chế co hẹp lòng dẫn, thay đổi chế độ dòng chảy của sông.