Chưa tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô lắp ráp trong nước

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Đối với đề nghị tiếp tục gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023, Bộ Tài chính đề xuất thời gian áp dụng không nên kéo dài.
Chưa tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô lắp ráp trong nước

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái liên quan đến vấn đề ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Bộ Tài chính đề nghị trong bối cảnh hiện nay chưa đặt vấn đề tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Lý giải việc này, Bộ Tài chính nêu rõ theo Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 7/3/2023 của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục có xu hướng phục hồi, ổn định và phát triển.

Đồng thời hiện nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp.

Mặt khác, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023, trước mắt Bộ Tài chính tập trung nghiên cứu triển khai một số giải pháp như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất năm 2023; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2023... Theo đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ôtô cũng đều được hưởng chính sách này.

Trước đó, để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước phục hồi sản xuất kinh doanh trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trên cơ sở đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 để giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020).

Đến tháng 5/2021, dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều ngành sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn, nguy cơ dứt gãy chuỗi cung ứng cản trở mạnh quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của nước ta, trong đó ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước chịu thiệt hại nghiêm trọng, số lượng xe tiêu thụ giảm mạnh.

Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022).

Từ ngày 1/6/2022, mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022. Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô cùng loại.

Bộ Tài chính cho biết việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành; có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ôtô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung; góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc trực tiếp giảm chi phi khi đăng ký sở hữu xe ôtô; kích thích nhu cầu, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh; hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang khu vực ASEAN...

Chính sách giảm thuế này góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, có tác dụng lan tỏa sang các ngành kinh tế khác và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch COVID-19.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Đã có ý kiến cho rằng chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia WTO và ký kết nhiều FTA song phương và đa phương; trong đó, đã cam kết thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại và đầu tư.

Hiện nay chính sách thuế, phí, lệ phí tại các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng thống nhất giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.

Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước thì các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận việc giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước như một khoản trợ cấp của Chính phủ và Việt Nam có thể nhận được các yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước tại Việt Nam.

Vì vậy, trường hợp cần thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô thì phải áp dụng chung cho cả ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và ôtô nhập khẩu.

Điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước từ lệ phí trước bạ, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là trong điều kiện đây là khoản thu mà ngân sách địa phương được hưởng 100% số thu theo Luật Ngân sách nhà nước.

Khi xây dựng Nghị định số 70/2020/NĐ-CP và Nghị định số 103/2021/NĐ-CP, tại các báo cáo thẩm định, Bộ Tư pháp đã chỉ ra, việc quy định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ là tạm thời, nhưng có thể coi là phân biệt đối xử về thuế giữa ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và ôtô nhập khẩu. Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính rà soát các cam kết quốc tế, từ đó bảo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Trên cơ sở đó, khi trình Chính phủ ban hành chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ nếu áp dụng chính sách này thì chỉ coi đây là giải pháp hỗ trợ ngắn hạn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Cũng tại văn bản này, đối với đề nghị tiếp tục gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023, Bộ Tài chính đề xuất thời gian áp dụng không nên kéo dài.

Trường hợp áp dụng, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng như tại Nghị định số 32/2022/NĐ-CP.

Cụ thể, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6-9/2022 đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước chậm nhất là ngày 20/11/2023.

Với phương án này, tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn từ 10.400-11.200 tỷ đồng.

Nếu được Chính phủ cho phép, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

TIN LIÊN QUAN
Khắc họa Hà Nội mộng mơ qua bộ tem bưu chính rực rỡ sắc hoa
Khắc họa Hà Nội mộng mơ qua bộ tem bưu chính rực rỡ sắc hoa
(Ngày Nay) -  Hà Nội có 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông rõ rệt. Cùng với sự thay đổi của thời tiết, mỗi mùa, Hà Nội lại có vẻ đẹp rất riêng khi khoác lên mình chiếc áo mới, được tô điểm bởi sắc màu của một loài hoa chủ đạo. Yêu tha thiết Hà Nội, mê mẩn với những loài hoa, họa sỹ Nguyễn Quang Vinh đã dành nhiều tâm sức để đưa 12 loài hoa đặc trưng cho 12 tháng trong năm vào bộ tem bưu chính “Hà Nội 12 mùa hoa”.
Hồ ấp trứng rùa tại Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh-Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Huỳnh Sơn-TTXVN
Côn Đảo vào mùa sinh sản của rùa biển
(Ngày Nay) -  Bình quân mỗi năm gần đây, Vườn Quốc gia Côn Đảo cứu hộ trên 1.500 tổ trứng rùa biển, tiến hành ấp nở nhân tạo và thả trên 150.000 cá thể rùa con về biển.
Ảnh minh họa
Nhiều trẻ nhỏ, người già được “giải cứu” khỏi nắng nóng trên cao tốc Pháp Vân
(Ngày Nay) -  Sáng 28/4, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện thông tin về một chiếc xe 16 chỗ bị đột ngột hỏng trên cao tốc Pháp Vân (cách Hà Nội khoảng 90 km về phía tỉnh Nghệ An). Chủ Facebook Nghĩa Đào viết: “Nghỉ lễ thuê xe về quê. Số nhọ hỏng xe cách Hà Nội 90km. Cả nhà đứng đường suốt 3 tiếng từ 6h30 đến 9h30. Gọi điện cho công ty thuê xe báo điều xe khác từ Hà Nội lên. Càng chờ càng mất hút...".
Ảnh minh họa
Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế
(Ngày Nay) -  Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 189/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Tuyến phố đi bộ Bãi Cháy thu hút đông đảo người dân và du khách trong ngày đầu khai trương. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN
Quảng Ninh đưa thêm một tuyến phố đi bộ vào hoạt động
(Ngày Nay) -  Tối 27/4, tại khu phố cổ công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực Bãi Cháy chính thức được khai trương. Tuyến phố này hoạt động từ 19 giờ đến 24 giờ hàng ngày.