Theo số liệu thống kê trong một nghiên cứu mới đây của chính phủ Nhật Bản, từ tháng 4/2022 đến này, nước này ghi nhận tới 300.000 học sinh ở cấp tiểu học và trung học cơ sở từ chối đến trường vì nhiều lý do khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là nỗi lo bị bắt nạt.
Tình trạng trẻ em bỏ học, trốn học tại Nhật Bản đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi nhiều gia đình, phụ huynh và người giám hộ của các em không nắm được tình hình học tập của con em mình. Sự trao đổi, kết nối giữa gia đình và nhà trường cũng gặp phải nhiều rào cản đứt quãng khiến việc tiếp cận hỗ trợ các em trở nên khó khăn hơn.
Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) hiện có kế hoạch tăng cường hỗ trợ trong 2025 để giúp các thành phố cải thiện môi trường học tập cho học sinh. Động thái này được đưa ra nhằm sớm cải thiện tình trạng bỏ học, trốn học ở học sinh tại các cấp tiểu học và trung học cơ sở.
Các khoản ngân sách chủ yếu sẽ được phân bổ cho hoạt động sắp xếp trợ giảng học tập tại các trung tâm hỗ trợ giáo dục trường học. Sáng kiến này nhằm mục đích tạo không gian cho trẻ em gặp khó khăn khi ghi danh vào trường hoặc tham gia lớp học, cũng như ngăn ngừa tình trạng bỏ học, trốn học và giúp các em quay trở lại trường và tiếp tục học tập.
Theo MEXT, tính đến tháng 7/2024, 46,1% trường tiểu học và trung học cơ sở công lập tại Nhật Bản đã thành lập các trung tâm hỗ trợ giáo dục trường học. Tại các trung tâm này, trợ giảng học tập sẽ hỗ trợ những học sinh giải quyết các vấn đề của riêng mình, đồng thời đưa ra tư vấn phù hợp với cố vấn của nhà trường về tình hình của các em.
Bắt đầu từ tháng 4/2025, kế hoạch này sẽ chính thức được triển khai tại khoảng 3.000 trường học trên khắp Nhật Bản. Theo đó, chính quyền trung ương và địa phương sẽ cùng trích một phần ngân sách nhằm chi trả mức phí liên quan đến vị trí trợ giảng học tập mới, giúp các thành phố đẩy nhanh việc triển khai các trung tâm hỗ trợ nói trên.
Ngoài ra, Cơ quan Trẻ em và Gia đình Nhật Bản (CFA) cũng sẽ tiến hành một chương trình thử nghiệm tại khoảng 20 thành phố trong năm sau, và tiến tới mục tiêu triển khai mô hình hỗ trợ hiệu quả trên phạm vi toàn quốc. Trong chương trình của CFA, mỗi thành phố tham gia sẽ nhận được khoản hỗ trợ lên tới 66.600 USD. Dự án này nhằm thiết lập các hệ thống hỗ trợ dựa vào cộng đồng cho nhóm học sinh này.
Theo cơ quan này cho biết, các điều phối viên sẽ tư vấn giúp trẻ em hình thành các mối quan hệ xã hội, đồng thời kết nối với các tổ chức giáo dục liên quan. Bên cạnh đó, điều phối viên có nhiều kinh nghiệm sẽ hỗ trợ giới thiệu các học sinh từng bỏ học, trốn học đến các cơ sở y tế, trường học miễn phí tư nhân, tùy thuộc vào nhu cầu của từng trẻ.
Các biện pháp chi tiết sẽ được triển khai tuỳ thuộc theo điều kiện của từng địa phương, trong đó bao gồm việc giúp trẻ em hình thành thói quen sinh hoạt, lối sống và hỗ trợ việc đưa đón các em đến và đi từ các cơ sở hỗ trợ. Đối với học sinh trung học, một số mô hình có thể cung cấp cơ hội tương tác với người dân địa phương và trải nghiệm công việc, nhằm giúp các em phát triển các kỹ năng giao tiếp hữu ích cho việc định hướng nghề nghiệp.