Kết luận thanh tra BIDV bị tẩy xoá: Giám đốc NHNN Sóc Trăng doạ báo công an khi phóng viên liên hệ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng Phạm Kim Hùng doạ báo công an khi phóng viên liên hệ trao đổi thông tin về việc Kết luận Thanh tra tại ngân hàng BIDV chi nhánh tỉnh này bị tẩy xoá khi công khai.

Như Ngày Nay phản ánh, Kết luận Thanh tra số 132 được ông Trương Công Kích - Quyền Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng ký ban hành ngày 9/8/2024, chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm tại BIDV Sóc Trăng.

Hơn một tháng sau, Kết luận Thanh tra được công khai. Tuy nhiên lúc này, nhiều nội dung tại nhiều trang bị tẩy xoá, xoay quanh hai vấn đề: thông tin khách hàng vay vốn và trách nhiệm của Lãnh đạo, cán bộ, nhân viên BIDV Sóc Trăng.

Kết luận thanh tra BIDV bị tẩy xoá: Giám đốc NHNN Sóc Trăng doạ báo công an khi phóng viên liên hệ ảnh 1

Kết luận Thanh tra tại BIDV Sóc Trăng bị tẩy xoá nhiều nội dung phần trách nhiệm liên quan vi phạm.

Theo ông Phạm Kim Hùng, các nội dung thanh tra có liên quan đến khách hàng phải được giữ bí mật trước khi đăng trên cổng thông tin điện tử. Vì vậy, việc Đoàn thanh tra che tên của khách hàng là phù hợp với quy định của pháp luật.

Những căn cứ pháp luật mà Đoàn thanh tra căn cứ trước khi thực hiện: Khoản 2, Điều 79 Luật Thanh tra 2022; Nghị định 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018; Khoản 3 Điều 22 Nghị định 26 của Chính phủ ngày 07/4/2014.

Về việc tập thể, cá nhân tại BIDV Sóc Trăng để xảy ra tồn tại, hạn chế, vi phạm mà Kết luận Thanh tra đề nghị “…Họp, kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục… Tuỳ theo tính chất, mức độ mà BIDV Sóc Trăng quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định hình thức kỷ luật với tập thể cá nhân liên quan” cũng bị tẩy xoá, ông Phạm Kim Hùng nói bận họp hội đồng thi đua không có thời gian trao đổi.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Sóc Trăng Phạm Kim Hùng doạ: “Những gì anh cung cấp cho em là đầy đủ em tự nghiên cứu. Nội dung bài viết của em anh cũng đã có báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồng thời cũng đã có báo cáo Thường trực tỉnh uỷ, thường trực UBND tỉnh, cơ quan an ninh kinh tế rồi”.

Chúng tôi đã liên hệ, chuyển thông tin vụ việc tẩy xoá kết luận thanh tra đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cơ quan trung ương đã tiếp nhận thông tin và sẽ kiểm tra, phản hồi.

Kết luận thanh tra BIDV bị tẩy xoá: Giám đốc NHNN Sóc Trăng doạ báo công an khi phóng viên liên hệ ảnh 2

Kết luận Thanh tra tại BIDV Sóc Trăng bị tẩy xoá nhiều nội dung ở phần nhóm khách hàng liên quan nhân viên BIDV chuyển tiền lòng vòng.

Trước đó, trong thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2021 – 31/12/2023 tại BIDV Sóc Trăng, cơ quan thanh tra tiến hành chọn mẫu 387 hồ sơ với tổng dư nợ hơn 3.280 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 47,1% so với tổng dư nợ cho vay của BIDV Sóc Trăng tại thời điểm cuối năm 2023. Bên cạnh những hồ sơ cơ bản tuân thủ, chấp hành đúng quy định thì hoạt động cho vay của ngân hàng còn một số tồn tại, hạn chế, vi phạm.

Trong đó, công tác thẩm định cho vay sơ sài, thiếu chặt chẽ, thiếu thông tin, tài liệu chưa sát với thực tế (như: doanh thu, giá cả hàng hoá, dịch vụ cao bất thường… chứng từ, sổ sách, hoá đơn, tờ khai thuế…); hoạt động kinh doanh của khách hàng có dấu hiệu bất thường nhưng chưa phân tích làm rõ… với 59 hồ sơ, dư nợ gần 500 tỷ đồng.

BIDV Sóc Trăng thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn không chặt chẽ, chưa có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả dẫn đến người vay sử dụng không đúng mục đích mà ngân hàng không phát hiện với tổng số hồ sơ liên quan là 43, dư nợ trên 317 tỷ đồng.

Trong đó, thanh tra xác định có tình trạng khách hàng hoặc nhóm khách hàng có mối quan hệ gia đình, thân thuộc, đồng nghiệp sử dụng nhiều tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại chuyển tiền lòng vòng. Mục đích cuối cùng là trả nợ vay của chính khách hàng hoặc cá nhân khác trong nhóm tại BIDV Sóc Trăng (hoặc ngân hàng thương mại khác)…

BIDV Sóc Trăng chưa kiểm tra, đánh giá lại tài sản bảo đảm định kỳ với dư nợ gần 18 tỷ đồng. Việc phân kỳ trả nợ không phù hợp với chu kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh… tiềm ẩn rủi ro khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, ảnh hưởng khả năng thu hồi nợ, với dư nợ hơn 3,7 tỷ đồng…

Ngoài ra, BIDV Sóc Trăng còn để một số trường hợp cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán có hạn mức cho vay lớn nhưng ngân hàng không kiểm soát; hồ sơ bảo lãnh không đầy đủ và thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh quá thời hạn quy định… và nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm khác.

Hạn chót để BIDV và BIDV Sóc Trăng thực hiện kết luận thanh tra là ngày 31/12/2024.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra


Luật Thanh tra 2022 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra bao gồm:


- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; lạm quyền trong quá trình tiến hành thanh tra.


- Thanh tra không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt.


- Cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật phải tiến hành thanh tra; bao che cho đối tượng thanh tra; cố ý kết luận sai sự thật; kết luận, quyết định, xử lý trái pháp luật; không kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.


- Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ trong hoạt động thanh tra.


- Tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa được công khai.


- Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra; tác động làm sai lệch kết quả thanh tra, kết luận, kiến nghị thanh tra.


- Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra.


- Chống đối, cản trở, mua chuộc, đe dọa, trả thù, trù dập người tiến hành thanh tra, người thực hiện giám sát, người thực hiện thẩm định, người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra.


- Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.

TIN LIÊN QUAN
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.
Bão Beryl là cơn bão cấp 5 đầu tiên hình thành vào tháng 6 khi bắt đầu mùa bão Đại Tây Dương. Ảnh: Nasa
Nguyên nhân đẩy nhanh tốc độ gió bão Đại Tây Dương năm 2024
(Ngày Nay) - Viện nghiên cứu Climate Central công bố một công trình cho thấy nhiệt độ đại dương ấm lên do con người gây ra đã làm tăng tốc độ gió tối đa của mọi cơn bão Đại Tây Dương trong năm 2024. Điều này phản ánh cách thức mà biến đổi khí hậu đang khuếch đại sức mạnh hủy diệt của các cơn bão.
Núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở Đông Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia, phun trào ngày 8/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Indonesia cảnh báo nguy cơ lũ dung nham lạnh gần núi lửa Lewotobi
(Ngày Nay) - Ngày 20/11, giới chức Indonesia cho biết núi lửa Lewotobi Laki-laki tiếp tục hoạt động mạnh khiến 3 ngôi làng trong khu vực Đông Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara có nguy cơ cao phải hứng chịu lũ dung nham lạnh từ các con sông bắt nguồn từ đỉnh núi trên. Các ngôi làng này nằm trong bán kính 7 km tính từ miệng núi lửa.