Theo chương trình phổ thông tổng thể mới được công bố, khi tự chọn môn học, khó tránh hiện tượng học sinh đổ xô chọn một số môn. Theo đó, sẽ có những giáo viên quá tải và không ít giáo viên thất nghiệp vì không có học sinh đăng ký học.
Ở cấp THPT, các môn học bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và An ninh.
Các môn học được lựa chọn theo nhóm Khoa học xã hội (gồm Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật), tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Ảnh hưởng nhiều đến giáo viên
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cho rằng, khi chương trình mới triển khai, đồng nghĩa với việc trong tương lai có thể xảy ra hiện tượng học sinh đổ xô chọn một số môn và từ chối một số môn. Theo đó, sẽ có những giáo viên quá tải và không ít giáo viên thất nghiệp vì không có học sinh đăng ký học môn mình.
TS Vinh cho rằng, những gì ban soạn thảo khẳng định qua thử nghiệm thì có thể yên tâm về chương trình này...
TS Hoàng Ngọc Vinh |
Tuy nhiên, cũng theo TS Vinh, điều rất quan trọng là việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên phải hướng đến mục tiêu giáo dục học sinh...tức là những năng lực nào trong tương lai mà các thầy cô kỳ vọng học sinh mình phải có. Điều này tương tự như sản xuất ra một sản phẩm mới đòi hỏi người thợ phải có năng lực gì để có được sản phẩm hoàn thiện.
“Vì thế, công tác đổi mới chương trình đào tạo giáo viên phải làm khẩn trương phù hợp với đổi mới chương trình ở giáo dục phổ thông.”- TS Vinh nhấn mạnh
Cũng theo TS Vinh, môn học tự chọn cũng là thách thức trong việc sắp xếp giáo viên vừa đảm bảo chất lượng và số lượng. Ngành giáo dục đã tính toán vấn đề này rồi.
Giáo viên: Bồi dưỡng nhiều kỹ năng thiếu hụt...chứ không phải chỉ kiến thức.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, khi triển khai chương trình phổ thông mới thì một bộ sách hay nhiều bộ sách thì đều phải tập trung vào việc xác định rõ năng lực đầu ra của học sinh sau khi học xong môn học hay chương trình. Nếu trước đây cách truyền đạt kiến thức nặng về nhồi nhét cho hết chương trình và cách đánh giá kiểm tra kiến thức là chính...thì sách giáo khoa là tài liệu chủ yếu.
Cũng theo TS Vinh, với chương trình mới thì sách giáo khoa là một trong những nguồn tham khảo cho giáo viên và học sinh...giáo viên cần đọc, học nhiều ở những nguồn học liệu khác.
“Riêng điều này đòi hỏi giáo viên phải có khả năng đọc hiểu, vận dụng vào bài giảng cho sinh động. Kỹ năng đọc hiểu quan trọng với cả học sinh và giáo viên”- TS Vinh nhấn mạnh.
Cũng theo TS Vinh, khi thực hiện chương trình mới thì giáo viên cần được bồi dưỡng nhiều kỹ năng thiếu hụt chứ không phải chỉ kiến thức.
Theo TS Vinh, sĩ số học sinh trên lớp học sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tải trọng học tập và dạy học của giáo viên theo phương pháp mới.
“Vì thế, khi thiết kế chương trình phải mang đi thử nghiệm trên các tập hợp học sinh khác nhau và buộc phải đánh giá kết quả qua các bài test hoặc các hình thức khác để phân tích xem chương trình được thiết kế và tổ chức thực hiện đạt được kết quả kỳ vọng ở học sinh tham gia thử nghiệm thế nào”- TS Vinh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo TS Vinh, dường như các nhà thiết kế chương trình đã bỏ qua bước này mà mới chỉ hỏi giáo viên theo kiểu định tính "thấy giáo viên trả lời tốt", thì mới tạm yên tâm một nửa thôi. Sự phù hợp hay không phù hợp phải thử nghiệm hướng tới học sinh mà có kết luận cả định tính và định lượng.