Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn 46 tuổi, hiện là phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Bạch Mai luôn là nơi "đầu sóng ngọn gió", là "chuyến xe định mệnh cuối cùng" của người bệnh từ khắp mọi nơi đổ về.
Năm 2009 là năm đầu tiên anh trực giao thừa tại viện. Vợ là người nước ngoài, nên ngày Tết cổ truyền với anh nhẹ nhàng hơn. Anh thường xung phong nhận trực để hỗ trợ đồng nghiệp được về quê ăn Tết.
Trong đêm giao thừa, hầu hết bệnh nhân nhập viện đều là những ca nặng được chuyển lên từ tuyến dưới. Do đó, dù ngày Tết, quân số bác sĩ, điều dưỡng trực tại viện vẫn như ngày thường. Kíp trực gồm 2 bác sĩ và 10 điều dưỡng nhận ca từ 16h30 ngày 30 Tết và đổi ca vào lúc 9h sáng ngày hôm sau.
"Mọi người đón giao thừa cùng gia đình, tôi chọn đón giao thừa cùng bệnh nhân", bác sĩ Sơn chia sẻ.
Ngoài chuyên môn, anh chuẩn bị sẵn sàng về tinh thần để đón nhận những điều đặc biệt trong ngày đầu tiên của năm mới tại khoa Cấp cứu. "Liệu có đông bệnh nhân", "ca cấp cứu đầu tiên như thế nào", "phải chúc tết mọi người ra sao", là những câu hỏi anh tự đặt kể khi nhận ca trực giao thừa đầu tiên trong đời.
Bác sĩ Sơn chia sẻ: "Bác sĩ ở đâu cũng vất vả nhưng không bao giờ bằng nỗi đau của người bệnh". |
Anh nói một tiếng trước và sau giao thừa là thời gian quan trọng, nhạy cảm. Mặc dù đã quen thuộc với sự chia ly sinh - tử nhưng chẳng ai cầm được lòng với những mất mát trước giờ khắc sang năm mới. Do đó, anh liên tục nhắc nhở kíp trực phải tập trung và tỉnh tảo. Ca đầu tiên suôn sẻ sẽ mang lại may mắn cả năm cho bệnh nhân và khoa Cấp cứu.
Khi những màn pháo hoa đang đua nhau thắp sáng bầu trời chào năm mới thì trong phòng bệnh, các bác sĩ vẫn âm thầm với công việc. Họ lấy sự bình phục của bệnh nhân làm niềm vui đón Tết.
"Chỉ khi ở bệnh viện, tôi mới thấm thía nỗi buồn không đáng có của ngày Tết", bác sĩ trải lòng.
Đêm giao thừa, bệnh nhân cấp cứu ít nhưng nguy kịch hơn ngày thường. "Cuộc chiến với tử thần" chính thức bắt đầu từ mồng Một Tết khi số lượng bệnh nhân tăng đột biến, nhất là bệnh nhân suy thận, suy tim.
Nguyên nhân hàng đầu do bệnh nhân nội khoa mạn tính chuyển thành cấp tính vì người bệnh về nghỉ Tết không khống chế được chế độ ăn uống, nghỉ ngơi nên bị biến chứng. Ngoài ra, tết với nhiều phong tục khiến bệnh nhân chủ quan, cố ở nhà ăn tết nên không cấp cứu kịp thời, khiến bệnh trở nặng.
Anh nhớ nhất là ca cấp cứu hai năm trước, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân 100 tuổi trong tình trạng nguy kịch. Đây là ca bệnh đầu tiên trong năm mới khiến các y bác sĩ áp lực. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, anh cảm nhận được sự căng thẳng trên từng nét mặt của đồng nghiệp.
Tuy nhiên, anh tâm niệm, đã là bác sĩ thì vất vả, căng thẳng là không tránh khỏi. Song, bác sĩ khổ một, bệnh nhân khổ 10. Ở mọi hoàn cảnh, anh không quên nhắc nhở mọi người phải giữ " trái tim nóng, cái đầu lạnh" để cứu người. Bởi, cấp cứu thành công, bệnh nhân sẽ như được sinh ra lần nữa.
Bác sĩ Sơn cùng đồng nghiệp trong ca trực. |
Đêm giao thừa, các bác sĩ dành thời gian tổ chức bữa tiệc nhỏ đón giao thừa cho người nhà bệnh nhân đang điều trị. Mọi người tập trung nghe lời chúc tết của lãnh đạo khoa và được chúc tết lẫn nhau để vơi bớt nỗi buồn. Nhiều bệnh nhân đang nằm điều trị vẫn gắng gượng nở nụ cười, đáp lại lời chúc mừng năm mới.
"Đón giao thừa ở viện, không có ly cốc, chỉ có những chén trà và câu chúc vội"’, anh Sơn nói. Tranh thủ lúc vắng bệnh nhân, anh sẽ tận tình trao đổi kinh nghiệm và gửi lời chúc Tết đến các bác sĩ, điều dưỡng, giúp mọi người xích lại gần nhau và tận hưởng không khí ấm áp như một gia đình.
10 năm trực Tết, anh nói đây như ngày trực cố định, là định mệnh nghề nghiệp anh phải làm.
"Dường như đêm giao thừa làm cho cuộc chiến ngành y thêm phần khó", bác sĩ tâm sự. "Nhiều lúc ngẩng đầu lên, khoảnh khắc giao thừa đã qua từ bao giờ".