Chuyện tình yêu của người phi công anh hùng: Ngước nhìn trời, em lại gặp anh

Chuyện tình yêu của người phi công anh hùng: Ngước nhìn trời, em lại gặp anh

Bên cạnh những chiến công hào hùng của Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Đức Soát, ít người biết câu chuyện tình yêu giản dị mà sâu đậm giữa ông và người vợ quá cố - câu chuyện mà ông ít khi chia sẻ...

_______________

Nhắc đến Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND), phi công Nguyễn Đức Soát, nhiều người nhớ tới chiến tích bắn rơi 6 máy bay Mỹ, nhớ những cương vị quan trọng trong quân đội mà ông từng đảm nhiệm như Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Chuyện tình yêu của người phi công anh hùng: Ngước nhìn trời, em lại gặp anh ảnh 1

Tôi gặp tướng Soát tại nhà riêng của ông ở phố Trần Nguyên Đán, Hà Nội. Ông xuất hiện với đôi mắt sáng và nụ cười hiền hậu. Tác phong của ông giản dị, gần gũi, nhưng từ dáng ngồi, giọng nói vẫn toát lên khí chất oai phong của một phi công hạng Át (ace) đã từng bắn rơi 6 máy bay địch trong chiến tranh chống Mỹ, từ 1969 – 1972 bằng 9 quả tên lửa. Ông cũng là một trong số ít phi công chiến đấu của Không quân Việt Nam chưa phải nhảy dù lần nào trong suốt cuộc đời chiến đấu.

Bằng chất giọng chậm rãi pha chút ưu tư, ông bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện tình yêu với người vợ quá cố.

“Trước khi quen ông, bà Hoa là người yêu của phi công, AHLLVTND Vũ Xuân Thiều - người đồng đội rất thân thiết của ông. Hồi còn chiến đấu cùng nhau, ông Thiều thỉnh thoảng có cho ông xem thư của bà Hoa nên ông cũng biết bà từ trước”. Đêm 22/12/1972, Vũ Xuân Thiều đã anh dũng hy sinh trong trận không chiến mà ông đã cùng chiếc MIG-21 cảm tử lao thẳng vào pháo đài bay B-52 của không quân Mỹ. Sự hy sinh của Vũ Xuân Thiều là mất mát quá lớn với phi công Nguyễn Đức Soát và cô gái trẻ Lê Hoàng Hoa - khi ấy đang là sinh viên trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Ki-si-nhốp, Liên Xô. Nghiệt ngã và đau thương, nhưng đó lại là khúc rẽ bất ngờ của số phận giữa hai người.

Chuyện tình yêu của người phi công anh hùng: Ngước nhìn trời, em lại gặp anh ảnh 2

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những lần đầu gặp gỡ giữa tướng Soát và bà Hoa, có lẽ là chuyến tàu từ Nga về Việt Nam năm 1973. Khi ấy, ông là đại biểu đi dự Đại hội Thanh niên và Sinh viên thế giới tại Cộng hòa Dân chủ Đức, quá cảnh qua Mát-xcơ-va, còn bà là sinh viên nghỉ hè về thăm Tổ quốc. Cảm thấy quý mến người bạn mới quen dù mới chỉ nói chuyện vài lần trước đó, chàng phi công 27 tuổi Nguyễn Đức Soát đã tặng cho cô sinh viên xinh đẹp món quà đặc biệt. Đó là cuốn Báo ảnh Việt Nam số 176, do Thông tấn xã Việt Nam xuất bản năm 1973. Ở trang bìa quyển hoạ báo in bức ảnh chân dung ông đội mũ bay, cặp mắt cương nghị và đầy quyết tâm đang ngước nhìn lên bầu trời xanh. Nếu ai đã đọc cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích” của tướng Soát mới ra mắt cách đây không lâu, sẽ nhận ra ngay tấm ảnh đó, cũng ở ngay trang bìa cuốn sách. Cầm quyển họa báo, bà Hoa bảo ông hãy viết vào đây một chữ tặng bà. Khó thật, vì chỉ được viết một chữ, ông thầm nghĩ. Cuối cùng, ông liền nắn nót viết chữ “Anh”.

Tướng Soát nhớ lại: “Lúc đó hai người chưa chính thức có gì với nhau cả, nhưng trong ông nảy sinh tình thương rất lớn dành cho bà như một người anh, một người bạn. Vì người yêu của bà cũng là bạn chiến đấu thân thiết của ông đã hy sinh, nên ông càng thương bà hơn…”

Ngày tiễn bà Hoa quay lại Ki-si-nhốp tiếp tục học nốt 2 năm đại học cũng là một kỷ niệm không quên với tướng Soát. Trước khi lên tàu, bà khẽ nói với ông: “Em mong là 2 năm sau học xong, em vẫn được gặp lại anh ở đây, cùng chiếc áo bộ đội sắc chàm pha màu gió này.” Lời từ biệt đó, giản dị mà chân thành như một lời hẹn ước…

Chuyện tình yêu của người phi công anh hùng: Ngước nhìn trời, em lại gặp anh ảnh 3

Trong suốt hai năm học cuối, mối liên hệ duy nhất giữa hai người là những cánh thư. “Tuần nào ông bà cũng viết thư cho nhau, viết đủ thứ chuyện trên đời. Một phần vì không có phương tiện liên lạc hiện đại như bây giờ, phần khác vì thế hệ của ông bà thời đó rất chăm đọc sách. Đọc nhiều khiến con người mình lý tưởng hoá, thi vị hoá, nên là thích viết thư lắm. Cái cảm giác hồi hộp, ngóng trông, không biết bao giờ thư về, không biết người ta viết gì cho mình tuyệt vời lắm, không gì có thể so sánh được.”

Trong hai năm đó, đã có lúc người lính trẻ cảm thấy phân vân về mối quan hệ của họ. Nhiều lúc ông muốn tiến xa hơn, nhưng rồi tự nén lòng mình lại. Sự ngập ngừng ấy có nguyên nhân. Bởi cuộc đời người phi công tiêm kích tuy rất hào hùng nhưng cũng vô cùng nguy hiểm, mà bà Hoa thì đã từng yêu và mất người yêu là một phi công như ông…. “Nhiều lúc ông tự hỏi, tự dằn vặt bản thân rằng liệu mình có quá ích kỷ, khi bắt một cô gái trẻ phải chịu đựng cảm giác sống trong lo sợ thêm lần nữa hay không? Làm vậy có tàn nhẫn quá không? Cũng chỉ vì ông thương bà thôi, cháu ạ…”.

Thế nhưng theo thời gian, những cánh thư ngày một nhiều hơn, cùng với đó, tình thương yêu, niềm tin của ông bà dành cho nhau cũng ngày một bền chặt. Thậm chí, chỉ cần nhìn vào nét chữ, người này có thể đoán được tâm trạng của người kia ngày hôm đó như thế nào. Những phân vân, lo lắng dần tan biến, nhường chỗ cho tình yêu đơm hoa, kết trái. Càng những bức thư cuối, tuy chưa chính thức “ngỏ lời” nhưng cả hai đều ngầm hiểu rằng họ sẽ thuộc về nhau.

Chuyện tình yêu của người phi công anh hùng: Ngước nhìn trời, em lại gặp anh ảnh 4

Ngày đầu tướng Soát gặp lại bà Hoa sau hai năm cách biệt, không giấu được tình cảm dồn nén từ lâu, ông bèn ngỏ lời cầu hôn. Một đám cưới đơn giản, không cầu kỳ được tổ chức vào tháng 3 năm 1976 tại tầng 2 trường THPT Chu Văn An, một ngôi trường nổi tiếng tại Hà Nội.

Tướng Soát xúc động: “Bà là người có học, cư xử rất dịu dàng, lễ phép. Không những vậy, bà còn là người suy nghĩ sâu sắc, tâm lý, lúc nào cũng hiểu và thương ông. Ông rất biết ơn bà vì đã một lần nữa chấp nhận yêu và lấy một phi công chiến đấu. Được làm bạn đời với bà là may mắn của ông đấy, cháu ạ.”

Chuyện tình yêu của người phi công anh hùng: Ngước nhìn trời, em lại gặp anh ảnh 5

Cuộc sống sau hôn nhân của ông bà khá vất vả. Mang trách nhiệm một sĩ quan cấp cao trong quân đội, ông thường phải đi công tác xa, rồi ra nước ngoài nhiều năm để tiếp tục học chỉ huy quân sự. Trong khoảng thời gian đó, bà Hoa thay ông một tay quán xuyến tất cả công việc nhà. Từ nấu nướng, giặt giũ, nuôi dạy hai con trai, đến công việc ở cơ quan, đối nội, đối ngoại… một mình bà lo chu toàn để chồng yên tâm công tác.

Sau 3 năm tu nghiệp tại Học viện Không quân Gagarin (1977 – 1980), ông trở về Hà Nội. Đang đứng làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Nội Bài, bỗng có một đứa trẻ nhanh nhẹn lách qua khu vực an ninh chạy ào tới, nắm lấy gấu áo ông kéo nhẹ và gọi: “Bố ơi!” Ông giật mình quay lại; sau vài giây bỡ ngỡ, ông mới nhận ra đó chính là đứa con trai đầu lòng của ông bà. “Lúc đó ông thật sự xúc động, vì là lần đầu tiên trong đời có một đứa trẻ gọi mình bằng hai tiếng ‘Bố ơi’. Ông chưa bao giờ gặp ‘hắn’ cả, vì khi ông lên đường đi ‘hắn’ vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Ông sẽ không bao giờ quên giây phút ấy, vì đó là khoảnh khắc thiêng liêng nhất của một người cha.”

Chuyện tình yêu của người phi công anh hùng: Ngước nhìn trời, em lại gặp anh ảnh 6

Năm 1984, khi đã mang quân hàm Đại tá và vừa tốt nghiệp “trường tướng” Voroshilov, ông Soát được điều vào Đà Nẵng công tác một thời gian dài. Ở Hà Nội, bà Hoa lại tiếp tục một nách hai con, “độc lập tác chiến”. Một ngày đẹp trời, Thượng tướng Đào Đình Luyện, khi đó đang là Tư lệnh Không quân ghé thăm nhà ông bà. Thấy cảnh ba mẹ con vất vả quá, ông khuyên bà nên đưa gia đình vào Đà Nẵng để được gần chồng và đỡ đần cho nhau. Không đắn đo gì, bà quyết định nghe theo lời vị Tư lệnh.

“Chuyển vào Đà Nẵng là quyết định chính xác, dù trước khi đi cũng có người khuyên can, ở Hà Nội đời sống văn hoá tinh thần cao hơn vào trong kia làm chi cho khổ? Lại nữa, việc chuyển hộ khẩu ngày xưa rất khó, nếu không có hộ khẩu sao cho trẻ con đi học? Nhưng để gia đình đoàn tụ, bà đã bất chấp tất cả để đưa các con về bên ông”.

Chuyện tình yêu của người phi công anh hùng: Ngước nhìn trời, em lại gặp anh ảnh 7

Trong công việc, bà Hoa là người độc lập, luôn tự phấn đấu bằng chính năng lực của mình. Năm 1993, bà bắt đầu công tác tại Vietnam Airlines với cương vị Phó Trưởng đoàn Tiếp viên Hàng không, và đảm nhiệm vị trí này suốt 13 năm cho đến khi nghỉ hưu. Bà cũng là nữ đảng uỷ viên duy nhất trong số 25 đảng uỷ viên của Vietnam Airlines.

“Bà chưa bao giờ dựa vào cương vị của chồng để thăng tiến, cũng như không can thiệp vào công việc của ông. Hai người luôn có ý thức giữ gìn uy tín, danh dự cho nhau. Một số phụ nữ hay lợi dụng vị trí của chồng để làm chuyện này chuyện kia, nhưng bà không phải người như thế!”.

Những năm cuối đời, sức khỏe của bà không được tốt. Thấu hiểu và trân trọng sự hy sinh mà vợ đã dành cho mình và gia đình, tướng Soát luôn dành thời gian ở bên cạnh bà bất cứ khi nào có thể. Trong những bữa tiệc liên hoan, ông thường không ở lại lâu hoặc xin phép không tham gia để về nhà với bà. “Ông cứ đi vắng một lúc là bà lại gọi điện thoại, vì sốt ruột. Thương bà, lo cho bà lắm, nên lúc nào cũng muốn về thật sớm để bà yên tâm. Ông cũng luôn nằm cùng giường với bà, vì không dám để bà ngủ một mình…”.

Khi bà qua đời, ông và gia đình đã xây một khu mộ bằng đá rộng rãi, khang trang ở quê nhà làm nơi bà yên nghỉ. Ông nhờ tạc tượng bà, đặt cạnh bốn bức tượng “tứ thân phụ mẫu” trên bàn thờ gia tiên. “Bà đã hy sinh cả cuộc đời cho ông rồi, nên ông cũng cố gắng lo toan mọi việc chỉn chu nhất có thể, để bà yên lòng nơi chín suối.”

Trước lúc ra về, tôi được ông đọc cho nghe bài thơ mang tựa đề “Lại nghĩ về em”. Đây chính bài thơ ông đã sáng tác tặng bà năm 1973, khi tiễn bà quay lại Ki-si-nhốp tiếp tục việc học. “Phải thu hết can đảm ông mới dám đặt vào tay bà bài thơ này trước khi tàu chuyển bánh!”

Chuyện tình yêu của người phi công anh hùng: Ngước nhìn trời, em lại gặp anh ảnh 8

Bài: Việt Khôi

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Hồ ấp trứng rùa tại Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh-Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Huỳnh Sơn-TTXVN
Côn Đảo vào mùa sinh sản của rùa biển
(Ngày Nay) -  Bình quân mỗi năm gần đây, Vườn Quốc gia Côn Đảo cứu hộ trên 1.500 tổ trứng rùa biển, tiến hành ấp nở nhân tạo và thả trên 150.000 cá thể rùa con về biển.
Ảnh minh họa
Nhiều trẻ nhỏ, người già được “giải cứu” khỏi nắng nóng trên cao tốc Pháp Vân
(Ngày Nay) -  Sáng 28/4, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện thông tin về một chiếc xe 16 chỗ bị đột ngột hỏng trên cao tốc Pháp Vân (cách Hà Nội khoảng 90 km về phía tỉnh Nghệ An). Chủ Facebook Nghĩa Đào viết: “Nghỉ lễ thuê xe về quê. Số nhọ hỏng xe cách Hà Nội 90km. Cả nhà đứng đường suốt 3 tiếng từ 6h30 đến 9h30. Gọi điện cho công ty thuê xe báo điều xe khác từ Hà Nội lên. Càng chờ càng mất hút...".
Ảnh minh họa
Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế
(Ngày Nay) -  Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 189/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.