Tiết học Tết - Tại sao không?

Tiết học Tết - Tại sao không?

Tiết học Tết - Tại sao không? ảnh 1

Ngày Tết trong ký ức của nhiều người lớn là dịp để đoàn viên. Không khí của những ngày giáp Tết thường rất rộn ràng, náo nức. Trong gia đình, từ người già cho đến người trẻ, ai nấy đều hào hứng lau dọn trang hoàng nhà cửa, đi chợ sắm Tết cùng nhau. Cảm giác thích nhất của Tết là được ngồi canh nồi bánh chưng, vừa nướng ngô khoai, vừa nghe ông bà, bố mẹ kể chuyện.

TS Xã hội học Phạm Thị Thúy cho biết, Tết của những ngày xưa cũ là khi cả gia đình quây quần bên nhau cắn hạt dưa và trò chuyện rôm rả, là khi ngồi xem bà, mẹ xào mứt dừa, mứt táo... Hiện nay, không khí Tết truyền thống đang dần trở nên phai nhạt hơn bởi cuộc sống hiện đại đã làm cho con người ngày càng vội vã, bận rộn. Tuy nhiên, chúng ta không nên đặt nặng vấn đề đó, Tết nhạt hay không là còn phụ thuộc vào suy nghĩ của mỗi người.

“Còn trong hoài niệm của tôi và có lẽ của không ít người thì Tết vẫn rất đẹp. Và quan trọng hơn cả là dù xưa hay nay thì ý nghĩa của Tết vẫn vậy”, TS Thúy chia sẻ.

Theo TS Thúy, ngày xưa, cả năm chỉ mong đến Tết để được ăn no, còn trẻ con mong đến Tết để được mặc quần áo mới. Bây giờ ngày nào cũng ăn ngon như Tết, mặc đẹp như Tết nên nhiều người không còn thấy hào hứng và mong chờ Tết nữa. Ngày xưa, chỉ cần nhìn thấy những cành mai, cành đào khoe sắc là mơ đến khoảnh khắc ấm áp của sum vầy, của gia đình và tình thân. Tiếc là Tết bây giờ bị chi phối bởi Smartphone, Facebook, mọi người dành thời gian vào mạng nhiều hơn là quây quần, nói chuyện với nhau. Chưa kể, áp lực học tập và hoạt động trong năm quá nhiều nên những ngày lễ Tết ai cũng muốn được nghỉ ngơi, vui chơi và không phải làm gì. Nhưng cũng không phải vì thế mà người lớn ăn Tết qua loa và quên đi việc giáo dục con cái về ý nghĩa của ngày Tết, không cho trẻ có cơ hội được trải nghiệm Tết.

“Truyền thống chính là trong tư tưởng và cách hành xử phải còn giữ nét văn hóa Việt. Mình muốn cho con cháu biết Tết truyền thống thì phải làm cho các con xem. Quan trọng hơn là tạo không gian cho nhiều người cùng tham gia hoạt động nghiêm túc. Trong không gian đó, mọi người sẽ cùng nghĩ một hướng, nhìn một chiều, có tính kết nối gia đình, gia tộc cao. Đây là những hoạt động có hiệu ứng giáo dục ngược trở lại với con trẻ”, TS Thúy nói.

Trong những ngày Tết, có nhiều phong tục rất đẹp mà ông bà, cha mẹ cần phải giáo dục cho con cháu. Chẳng hạn, bữa cơm tất niên (vào ngày 30), bữa cơm tân niên (vào ngày mùng 1) của người Việt. Có thể nói, đây là một trong những nghi lễ văn hóa độc đáo vào mỗi dịp Tết đến xuân về của cả dân tộc. Những bữa cơm ấy không chỉ là bữa cơm sum họp gia đình mà còn là bữa cơm thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với những người đã khuất. Hay nói cách khác, bữa cơm ấy chính là sự kết nối giữa các thế hệ trong gia đình.

Tiết học Tết - Tại sao không? ảnh 2

“Bên cạnh ý nghĩa tín ngưỡng, bữa cơm tất niên, tân niên có giá trị văn hóa gần với gia đình, thể hiện ý nghĩa sum họp. Đây sẽ là mâm cơm có đủ đầy các thành viên trong gia đình sau một năm đi làm ăn xa. Với những ý nghĩa đặc biệt như thế, chúng ta cần phải tôn trọng, giáo dục, gìn giữ cho thế hệ sau. Tết không chỉ là sum vầy mà còn là cách giáo dục chữ hiếu cho con cái”, TS Thúy phân tích.

Hay với phong tục “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” thì Tết là dịp quý giá giúp cho trẻ biết được họ hàng nội ngoại, giúp chúng có điều kiện thể hiện lòng hiếu thảo, sự biết ơn, tri ân đối với ông bà, cha mẹ. Đây là dịp chúng hiểu gốc tích, biết ơn về huyết thống, cội nguồn.

Một điều rất quan trọng nữa mà phụ huynh cần phải dạy con về Tết cổ truyền đó là biết chúc Tết. Phong tục chúc Tết cũng là một nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Cha mẹ hãy tranh thủ dạy con một số câu chúc Tết để chúng có thể bày tỏ với họ.

Ngoài ra, còn rất nhiều phong tục khác mà ông bà, cha mẹ có thể dạy hoặc kể cho con cháu nghe như ngày tảo mộ, sự tích ông Công ông Táo lên chầu trời, những nghi lễ, những thói quen sinh hoạt ngày Tết truyền thống của gia đình hay cách ứng xử với người xung quanh trong ngày Tết…

Và để giúp trẻ hiểu hơn về ý nghĩa của từng phong tục thì cha mẹ nên cùng con lập ra một lịch biểu về từng hoạt động có gắn với phong tục ấy. Ví như lịch đi chúc Tết chẳng hạn, thì cha mẹ nên đưa ra lịch trình cụ thể là ngày mùng 1, cả gia đình sẽ đi chúc Tết nhà ai, vì sao lại phải đến chúc Tết ở nhà đó mà không phải ở nhà khác. Rồi dạy con cách chúc Tết sao cho phải phép, đúng lễ nghĩa…

“Quan trọng nhất là làm đến đâu, ông bà, cha mẹ phải phân tích được ý nghĩa của những việc làm đó để cho con hiểu. Và điều này phải làm đều đặn, lặp đi lặp lại vài năm thì con mới thấm, mới hiểu được nhiều về văn hóa ngày Tết truyền thống. Những việc làm này tưởng như nhỏ bé, đơn giản nhưng lại giúp trẻ hiểu sâu hơn về Tết”, TS Thúy nhấn mạnh.

Tiết học Tết - Tại sao không? ảnh 3
Tiết học Tết - Tại sao không? ảnh 4

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, hiện nay, trong xã hội hiện đại, việc giáo dục giá trị và hành vi ứng xử của giới trẻ đang bị phê phán là quá cứng nhắc và hạn hẹp bởi chúng bị giới hạn trong hai thứ đó là 4 bức tường và 8 tiếng.

“Điều đó có nghĩa là, trẻ đang bị giới hạn trong 4 bức tường của lớp học và 8 tiếng hoạt động ở trường. Chưa kể đến nội dung giáo dục giá trị và hành vi ứng xử còn bị giới hạn trong chương trình sách giáo khoa. Dường như chưa có nhiều sự kết nối giữa kiến thức nhà trường và cuộc sống. Sự tiếp nối và phối hợp các bài học ngoài không gian lớp học chưa được gia đình và phụ huynh chú ý nhiều”, TS Nam nhấn mạnh.

Trong bối cảnh như vậy, cha mẹ cần tận dụng những khoảng thời gian ý nghĩa như dịp nghỉ Tết cổ truyền để giáo dục giá trị và hành vi ứng xử cho trẻ. Cần thay đổi quan niệm xưa cũ là cứ học để biết đã rồi mới cho làm. Với Tết, cha mẹ cần tạo điều kiện để con trẻ được làm, được trải nghiệm trước qua đó chú tâm và tự ngấm những giá trị của Tết truyền thống.

Theo TS Nam, cha mẹ cần chú ý tổ chức cho con có thể tham gia cùng vào các hoạt động gói bánh chưng, sắp xếp mâm ngũ quả, viết lời chúc tốt đẹp để gửi đến người khác hay trao cho con trẻ những cơ hội để được tự tay giúp bố mẹ một số công việc vừa sức.

Chẳng hạn, vào những ngày cuối năm, gia đình thường dọn dẹp nhà cửa một cách gọn gàng, sạch sẽ và trang trí để đón Tết. Cha mẹ hãy hướng dẫn con cùng phụ giúp mình, bắt đầu từ những việc nhỏ như dọn dẹp đồ chơi, gấp quần áo, quét nhà… Cùng chung tay quét nhà, lau cửa với cha mẹ là cách tự nhiên và gần gũi nhất giúp trẻ có ý thức hơn về trách nhiệm bản thân với gia đình.

Tiết học Tết - Tại sao không? ảnh 5

Hay đơn giản việc cha mẹ chỉ cho chúng biết cách bày mâm ngũ quả, cách thờ tự nhang khói bàn thờ gia tiên, đi lễ chùa... Từ đó, trẻ có ý thức về cội nguồn, giữ gìn nét đẹp văn hóa tâm linh, tín ngưỡng.

“Dẫu chưa thật sâu sắc, song trẻ cũng đã biết so sánh với bạn bè, biết quan tâm về gia cảnh của mình sau một năm làm ăn được, mất. Điều này sẽ giúp trẻ có sự đồng cảm và yêu thương cha mẹ mình hơn”, TS Nam phân tích.

Việc để trẻ biết thêm về phong tục, tập quán, văn hóa lễ hội của dân tộc, như các món ăn ngày tết, tục xông đất, tục lì xì mừng tuổi, đặc trưng chợ tết, vẻ đẹp của chợ hoa, ý nghĩa của các trò chơi, nét đẹp của các lễ hội dân gian cũng sẽ là cơ hội giúp trẻ hiểu biết về văn hóa dân tộc.

Đồng thời, Tết là dịp trẻ ý thức về thời gian, ý thức về tuổi tác của ông bà, cha mẹ. Và trẻ cũng sẽ tự ý thức về sự trưởng thành bản thân, cảm thấy có trách nhiệm với bản thân mình và gia đình hơn.

Những tổng kết của năm cũ, những hoạch định cho năm mới trong công việc làm ăn của cha mẹ hoặc cha mẹ đặt ra cho trẻ, sẽ giúp trẻ có phương hướng và quyết tâm phấn đấu tốt hơn cho một năm sắp tới.

Tiết học Tết - Tại sao không? ảnh 6
Tiết học Tết - Tại sao không? ảnh 7

Bàn về tục lì xì đầu năm mới ở trẻ, TS Nam cho rằng, mừng tuổi hay lì xì đầu năm là tập tục đẹp, được lưu truyền từ nhiều đời nay mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tuy nhiên, hiện nay phong tục này ít nhiều đã bị biến tướng, méo mó vì mục đích cá nhân, mà lỗi là do người lớn.

Không ít trẻ em hiện nay chỉ biết được lì xì là sẽ có tiền, mà không hiểu hết ý nghĩa sâu xa của phong tục đẹp đẽ này. Chính vì thế, nhiều trẻ bắt đầu có nhận thức sai lệch về lì xì, trở nên thực dụng khi chê bai những người lì xì ít tiền. Do vậy, vai trò giáo dục của cha mẹ là rất quan trọng.

Tiết học Tết - Tại sao không? ảnh 8

Phụ huynh nên dạy con về ý nghĩa của tục lì xì đầu năm. Lì xì đầu năm là để cầu mong cho trẻ nhỏ được khỏe mạnh, học hành thông minh, có chí hướng vươn lên và mang đến sự may mắn. “Vì thế, dạy trẻ biết mỉm cười và nói lời cảm ơn khi được người lớn lì xì. Nếu con quên, cha mẹ hãy gợi ý cho trẻ nhớ. Nên tránh việc chê bai ít nhiều, xé bỏ bao lì xì trước mặt khách, hay giành giật bao lì xì… Chỉ những điều đơn giản như vậy, nhưng cũng giúp cho con trưởng thành hơn”, TS Nam nói.

Cha mẹ cũng có thể suy nghĩ đến những dạng lì xì thật độc đáo, ý nghĩa mà không quá gắn với tiền để nhân cơ hội giáo dục cho trẻ về ý nghĩa chúc nhau may mắn, chúc ông bà sống khỏe trong phong tục lì xì. Thay vì lì xì tiền, bố mẹ có thể lì xì sách, lì xì những phần thưởng vật chất mà con thích hay những phần thưởng tinh thần.

“Hãy để Tết đến với trẻ một cách tự nhiên và gần gũi nhất, chứ không chỉ đơn giản là thời điểm được nghỉ học, được mặc quần áo đẹp hay nhận phong bao lì xì. Ý nghĩa lớn nhất của Tết đối với trẻ là đem đến cho chúng niềm vui, sự lạc quan, điều mà dân gian thường hay nói “vui như Tết” là có ý dành cho chúng”, TS Nam nhấn mạnh.

Tiết học Tết - Tại sao không? ảnh 9

Bài: Kim Dung

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?