Công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ giáo dục: 'Một sơ suất nhỏ cũng để lại hệ luỵ vô cùng lớn'

Công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ giáo dục: 'Một sơ suất nhỏ cũng để lại hệ luỵ vô cùng lớn'

Theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ và phải chịu trách nhiệm về việc quản lý và cấp phát văn bằng của mình. Và dù Bộ GD-ĐT đã thường xuyên kiểm tra, giám sát nhưng thực tế, công tác quản lý văn bằng chứng chỉ vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, chưa đúng quy định, thậm chí từng xảy ra tình trạng cấp bằng “chui”, đào tạo “chui”...

_______________

Bàn về vấn đề này, TS Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có cuộc trò chuyện với Tạp chí Ngày Nay.

Công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ giáo dục: 'Một sơ suất nhỏ cũng để lại hệ luỵ vô cùng lớn' ảnh 1

Sau quá trình triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục đại học 2012, Thông tư số 21/2019/TT- BGDĐT về quản lý văn bằng, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân, xin ông cho biết tình hình thực hiện công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ hiện nay?

TS Lê Mỹ Phong: Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) luôn chú trọng chỉ đạo công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ (VBCC) góp phần thực hiện mục tiêu học thật, thi thật, chất lượng thật. Cục Quản lý chất lượng (QLCL) đã chủ trì, tham mưu với lãnh đạo Bộ chỉ đạo việc đổi mới công tác quản lý VBCC theo hướng: Hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm công khai của các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Trong những năm gần đây, Cục QLCL đã cùng các đơn vị thuộc Bộ theo chức năng nhiệm vụ được giao, tham mưu với Bộ trưởng trình Quốc hội, Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật về VBCC của hệ thống giáo dục quốc dân (2 Luật, 1 Nghị định, 10 thông tư của Bộ trưởng và nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về quản lý, cấp phát VBCC).

Bên cạnh việc ban hành, hướng dẫn thực hiện các quy định mới, thời gian qua, Bộ GDĐT cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý VBCC tại các cơ quan quản lý giáo dục địa phương và các cơ sở giáo dục đào tạo. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy công tác quản lý VBCC tại các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm, các Sở GDĐT đã thực hiện khá tốt, có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, vai trò quản lý của các cơ quan quản lý được nâng cao.

Công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ giáo dục: 'Một sơ suất nhỏ cũng để lại hệ luỵ vô cùng lớn' ảnh 2

TS Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ngoài ra, vấn nạn văn bằng, chứng chỉ giả đã được tập trung giải quyết và có những chuyển biến tích cực. Việc quản lý các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài liên kết tổ chức thi tại Việt Nam đã được chú trọng hơn, đưa hoạt động này từng bước đi vào khuôn khổ.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác quản lý VBCC còn có những tồn tại, hạn chế như việc thực hiện các quy định về VBCC tại một số cơ sở giáo dục đại học, Sở GD-ĐT chưa bảo đảm chặt chẽ và chưa thống nhất. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý VBCC vẫn còn thiếu về số lượng và chưa đồng đều về chất lượng; một bộ phận chưa được bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ, thực hiện nhiệm vụ chủ yếu còn theo kinh nghiệm, chưa cập nhật kịp thời các quy định mới. Bộ GD-ĐT cũng chưa quản lý tốt được hệ thống VBCC trong phạm vi toàn quốc do chưa có đầy đủ dữ liệu VBCC trong cơ sở dữ liệu toàn ngành để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Ông có thể nói rõ hơn về vấn nạn bằng giả đã được xử lý tận gốc như thế nào?

TS Lê Mỹ Phong: Trước hết, cần nói rằng vấn đề văn bằng, chứng chỉ giả không chỉ liên quan đến việc cấp, phát văn bằng thuộc phạm vi quản lý của Bộ GDĐT. Thời gian gần đây, Bộ GDĐT đã có nhiều giải pháp đồng bộ bao gồm: Hoàn thiện các quy định của pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ, kiểm tra giám sát nhằm giảm thiểu việc sản xuất, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

Cục QLCL cũng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, xử lý các trường hợp nghi vấn sử dụng văn bằng, chứng chỉ bất hợp pháp. Nhận thức của người dân và toàn xã hội về hậu quả của việc sử dụng VBCC giả cũng ngày càng được nâng lên. Do vậy, trên thực tế, việc mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ (của hệ thống giáo dục quốc dân) giả đã giảm đáng kể trong thời gian qua.

Công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ giáo dục: 'Một sơ suất nhỏ cũng để lại hệ luỵ vô cùng lớn' ảnh 3

Cục QLCL hiện cũng đã triển khai cổng dịch vụ công về công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam. Sau một thời gian hoạt động có gì vướng mắc bất cập không thưa ông?

TS Lê Mỹ Phong: Hiện nay, việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã góp phần giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí xã hội và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người có nhu cầu công nhận văn bằng, được các cơ quan và người dân đánh giá cao.

Việc triển khai cổng dịch vụ công về cơ bản không có gì vướng mắc, bất cập. Hiện nay Cục QLCL đang chủ trì nghiên cứu, tham mưu trình Lãnh đạo Bộ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15/4/2021 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam theo hướng đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ và phục vụ tốt hơn việc công nhận văn bằng.

Công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ giáo dục: 'Một sơ suất nhỏ cũng để lại hệ luỵ vô cùng lớn' ảnh 4

Bộ GDĐT đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số ngành giáo dục trong năm 2023. Xin ông cho biết công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý VBCC đang được thực hiện như thế nào?

TS Lê Mỹ Phong: Để triển khai chuyển đổi số trong công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ, Bộ GDĐT đã quy định cụ thể trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ để quản lý và thực hiện công khai thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ (Quy định tại Điều 26 Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT).

Bên cạnh đó, Cục QLCL cũng đã xây dựng phần mềm tra cứu văn bằng, chứng chỉ (hiện đã cập nhật được hơn 4 triệu VBCC) để phục vụ việc tra cứu của người dân khi có nhu cầu. Cục cũng đang tham mưu xây dựng cơ sở dữ liệu (quy mô quốc gia) về văn bằng, chứng chỉ phục vụ công tác quản lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến văn bằng, chứng chỉ cho người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi việc sản xuất, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

Công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ giáo dục: 'Một sơ suất nhỏ cũng để lại hệ luỵ vô cùng lớn' ảnh 5

Thưa Phó Cục trưởng, theo ông đâu là những khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục trong công tác quản lý VBCC thời gian tới?

TS Lê Mỹ Phong: Có nhiều khó khăn, thách thức và cả áp lực trong công tác quản lý VBCC. Thứ nhất, có thể kể đến là công tác quản lý VBCC còn bao gồm cả việc xử lý các vấn đề về VBCC trong những giai đoạn trước, có nhiều trường hợp đã diễn ra cách đây vài chục năm. Từ trước đến nay, chúng ta chủ yếu lưu trữ hồ sơ là văn bản giấy và lại lưu trữ ở nhiều nơi, điều này khiến cho công việc tìm kiếm, tra cứu, xử lý còn gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác quản lý VBCC chưa đáp ứng về số lượng, hầu hết là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, điều chuyển nên ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý VBCC tại các cơ sở giáo dục và các địa phương.

Công tác tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam cũng chưa được quản lý thật sự chặt chẽ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Việc quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ tại một số cơ sở giáo dục còn chưa bảo đảm đúng theo các quy định hiện hành. Ngoài ra, hoạt động làm giả văn bằng, chứng chỉ và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả chưa được giải quyết dứt điểm.

Trước những thách thức trên, Cục QLCL đã lên những phương án nào để hoạt động thanh kiểm tra, giám sát việc cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục ngày càng chặt chẽ?

TS Lê Mỹ Phong: Trong thời gian tới, Cục QLCL sẽ tham mưu với Bộ trưởng tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan đến công tác quản lý VBCC.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra về VBCC cũng cần phải được tiếp tục tăng cường, qua đó phổ biến, lan tỏa những kinh nghiệm tốt từ các địa phương, đơn vị và xử lý nghiêm các vi phạm về VBCC theo quy định của pháp luật. Đồng thời cần quan tâm tới công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý VBCC; trong đó chú trọng việc hướng dẫn các đơn vị làm tốt việc tự kiểm tra, thanh tra công tác quản lý cấp phát VBCC.

Chúng tôi cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý VBCC cũng cần tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Cục QLCL đã báo cáo lãnh đạo Bộ để có phương án đầu tư cho hoạt động này.

Cục QLCL cũng xác định rõ cần làm tốt hơn công tác truyền thông về lĩnh vực quản lý VBCC, trong đó có việc đưa các thông tin về quản lý VBCC khách quan, công khai, kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và trang thông tin điện tử của Cục.

Ngoài ra, Cục QLCL sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan công an và các cơ quan có liên quan để điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc liên quan đến tình trạng làm giả văn bằng, chứng chỉ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

TIN LIÊN QUAN
Phát minh "Siêu Chi" giúp phi hành gia đứng vững trên Mặt Trăng
Phát minh "Siêu Chi" giúp phi hành gia đứng vững trên Mặt Trăng
(Ngày Nay) -  Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ đã phát minh ra một công nghệ gọi là “SuperLimbs” (Siêu tay siêu chân) có thể giúp các phi hành gia đứng dậy khi bị ngã trong một môi trường không trọng lực như ngoài không gian.
Canada siết chặt tiếp nhận sinh viên nước ngoài: Cơ hội mới từ những thách thức
Canada siết chặt tiếp nhận sinh viên nước ngoài: Cơ hội mới từ những thách thức
(Ngày Nay) -  Theo Chính phủ Canada, nước này sẽ cắt giảm thêm 10% số lượng giấy phép du học cấp cho sinh viên quốc tế trong 2 năm tới (2025 và 2026) để giảm bớt khoảng 300.000 giấy phép du học tính từ thời điểm này. Trong năm nay, số lượng giấy phép du học dự kiến là 485.000, nhưng mới chỉ cấp hơn 200.000.
Ngăn chặn nguy cơ xâm nhập bệnh do virus Marburg
Ngăn chặn nguy cơ xâm nhập bệnh do virus Marburg
(Ngày Nay) -  Trong bối cảnh bệnh do virus Marburg đang có xu hướng lây lan tại châu Phi, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, nguy cơ bệnh này xâm nhập vào Thành phố không cao, nhưng vẫn có thể xảy ra. Thành phố đã triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhập.
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh cho thanh thiếu niên
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh cho thanh thiếu niên
(Ngày Nay) - Ngày 14/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phê duyệt sử dụng Jynneos - vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ (mpox) của Bavarian Nordic cho thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi. Đây là nhóm đối tượng được coi là đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự bùng phát của căn bệnh đang gây ra mối lo ngại toàn cầu.