Giáo sư Robert Hoffman, một nhà kinh tế học làm việc tại Đại học Tasmania, cho rằng việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng có thể khó hơn so với kỳ vọng của chính phủ. Có một số yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng, trong đó giá cả đặc biệt quan trọng khi người dân của “xứ Chuột túi” đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm rẻ nhất hiện có, bất kể quốc gia xuất xứ của sản phẩm.
Bên cạnh đó, còn có yếu tố được gọi là “khuôn mẫu về chất lượng”. Giáo sư Hoffman lấy ví dụ, khi nói về đàn guitar, người tiêu dùng sẽ ấn định rằng đàn guitar phải là của Mỹ mới tốt. Tương tự, ô tô phải là của Đức, rượu vang phải là của Pháp, thời trang phải là của Italy… Điều này đặt ra thách thức cho các thương hiệu và sản phẩm của Australia vốn đang cố gắng cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài từng xây dựng được thương hiệu.
Giáo sư Hoffman cũng nêu bật một khái niệm kinh tế được gọi là chủ nghĩa dân tộc của người tiêu dùng, nghĩa là xu hướng người tiêu dùng thích các sản phẩm của nước họ sản xuất hơn, và họ muốn mua hàng của nước mình để ủng hộ đất nước dù có phải trả nhiều tiền hơn. Điều này đặc biệt phổ biến ở Australia, một quốc gia đa văn hóa, đa chủng tộc.
Theo Giáo sư Hoffman, chiến dịch "Mua hàng của Australia" có thể khiến người tiêu dùng suy nghĩ thoáng qua về việc ưu tiên hàng hóa Australia, nhưng sẽ không làm thay đổi đáng kể thói quen mua sắm của họ, đặc biệt nếu họ là những người không quan tâm nhiều đến chủ nghĩa dân tộc và giá cả. Ông cho rằng nếu chiến dịch này diễn ra cách đây khoảng từ 20-40 năm, chắc hẳn nó sẽ thành công hơn.