Văn phòng Chính phủ vừa cho biết ý kiến về quy định xử phạt hành vi người đi xe máy không chuyển quyền sở hữu phương tiện, có hiệu lực từ 1/1/2017
Theo nội dung trả lời của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc xử phạt hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” trong Nghị định 46 (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2017), là phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Bộ luật dân sự năm 2015.
Trước mắt, việc quy định xử phạt đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên phương tiện chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên và trong công tác đăng ký xe.
Việc thực hiện quy định nêu trên hiện vẫn còn một số khó khăn, tuy nhiên, điều này góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sở hữu phương tiện.
Trao đổi với Zing.vn, thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục pháp chế (Bộ Công an), cho biết khi xe đang tham gia giao thông, lực lượng CSGT không dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”.
“Khi phương tiện gặp tai nạn, lúc đó cảnh sát mới xác minh nguồn gốc xe để làm căn cứ xử phạt”, thiếu tướng Quân nói và cho biết quá trình xử lý các phương tiện vi phạm giao thông, cảnh sát có đủ kỹ năng để xác minh ai là chủ sở hữu xe.
Theo Nghị định 46, CSGT sẽ phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe môtô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được Điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô.