Mới đây, một đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo tiểu học đang dạy cho học sinh đánh vần đã khiến không ít gia đình có con đang học cấp 1 rối như tơ vò. Theo đó, các chữ “k”, “qu” đều đọc là “cờ”, cách đánh vần của các vần “iên”, “uôn” cũng không quen tai như cũ. Nhiều phụ huynh “auto” chửi cách phát âm mới trên Facebook và các diễn đàn ảo… nhưng ít người biết rằng, đây hoàn toàn không phải chương trình cải cách giáo dục mới mẻ nào, cũng không nằm trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cách đánh vần lạ lẫm này nằm trong chương trình sách tiếng Việt Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, đã triển khai từ năm 1978 tại trường Thực nghiệm (Hà Nội), sau đó được mở rộng ra các trường tiểu học ở nhiều tỉnh thành khác. Đã có ít nhất 40 khóa học sinh của trường Thực Nghiệm theo học, đến nay phương pháp này đã được triển khai ở 49 tỉnh, áp dụng trên 800.000 học sinh.
Là học sinh khóa đầu tiên của trường Thực nghiệm, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Trung tâm Tim mạch Đại học Y Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV khẳng định, cách học tiếng Việt của trường Thực nghiệm có sự khác biệt với các trường khác. “Chúng tôi học âm trước rồi đến chữ rồi mới ghép vần, cách tiếp cận này trở nên lạ lùng với những ai học chữ bằng đánh vần đầu tiên. Khi các bạn trường khác học đánh vần từng từ thì chúng tôi học thơ lục bát. Thơ lục bát có 6 âm ở câu trên và 8 âm ở câu dưới với nguyên tắc âm thứ 6 của câu trên đồng với âm thứ 6 của câu dưới…”.
PGS Hiếu chia sẻ rõ hơn: “Mỗi chữ cái đều có tên gọi. Ví dụ chữ C ta đọc là “xê” (trong vitamin C) đó là tên của chữ cái đó, nhưng âm phát ra khi đọc nó là “cờ”. Đó chính là sự khác biệt giữa âm và chữ. Để dễ hiểu tôi xin lấy ví dụ: Chữ Q và K tên của nó là “quy” và “ca” (như khi trong bộ bài tú lơ khơ ta vẫn gọi là quy cơ, ca bích...) nhưng âm của nó phát ra khi ghép vào từ thì vẫn là “cờ”. Đấy là về mặt nguyên lý khoa học, còn về thực tế, học sinh của chúng tôi là bằng chứng rõ ràng nhất. Hiện nay, các em đều trở thành những người có ích cho xã hội, đặc biệt không ai… phát âm sai tiếng Việt như nhiều thông tin trên mạng xã hội đang lo ngại phương pháp đánh vần của thầy Đại sẽ làm “hỏng” tiếng Việt các em học sinh lớp 1”.
Bà Lê Thị Thanh Hương - nguyên giáo viên Ngữ văn của trường tiểu học Thực nghiệm (Hà Nội) lý giải thêm: “Đây là cách đánh vần không lạ đối với các cô giáo tiểu học dạy theo chương trình mới, tuy nhiên cô giáo trong clip cần phải giải thích rõ hơn để tránh gây hiểu nhầm cho học sinh và phụ huynh. Ví dụ chữ cái c, k đều đọc là “cờ” nhưng mỗi chữ khi viết lại chỉ được ghép với các phụ âm nhất định như c thì phải đi với a, e, ê... chứ không thể đi với i, y... Cách đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại rất hay ở điểm sẽ làm cho các em học sinh nắm được quy tắc trong viết chính tả, đánh vần theo trật tự thế nào thì khi viết ra sẽ đúng theo trình tự đó. Chữ viết là ký hiệu cố định để truyền đạt ý nghĩa của ngôn ngữ âm thanh, trong đó chữ viết là vật giả, tiếng nói là vật thật, vì vậy việc đánh vần từ trái qua phải theo chương trình mới giống như viết cũng giúp cho học sinh ít mắc các lỗi về phát âm hay chính tả hơn”.
Điều này cũng được ông Phạm Ngọc Định - nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GDĐT) khẳng định: “Học theo phương pháp này thì cách phát âm của các con cũng rất chuẩn, không bị nặng theo vùng miền. Ví dụ như việc nhầm “L” và “N” của một số vùng ngoại thành Hà Nội hay các tỉnh lân cận được khắc phục đáng kể nếu học sinh dùng phương pháp này để đánh vần”.
Cũng theo ông Định, không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta truyền nhau câu nói: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, học sinh lớp 1 chập chững bước vào trường dễ “hoa mắt” vì bảng chữ cái phức tạp và nhiều quy tắc chính tả khó nhớ. Nhưng với cách đánh vần sáng tạo trong sách tiếng Việt Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, học sinh tiếp thu khá đơn giản.
“Ngày xưa tôi thường nói với các cô giáo tiểu học, phương pháp của thầy Đại học sinh học 1 sẽ biết 10, không cần phải nhớ hết tất cả các loại vần. Đây là cách dạy rất hay của GS Hồ Ngọc Đại” – ông Định kể lại.
Trung tâm Công nghệ giáo dục - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã 2 lần tiến hành khảo sát chất lượng học sinh học bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục để đi tìm hiệu quả thực sự của phương pháp học mới mẻ này.
Cụ thể, 2 đợt khảo sát được tiến hành vào tháng 5/2015 tại các tỉnh Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng và vào tháng 9 – tháng 10/2015 tại các tỉnh Hoà Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Hai đợt tiến hành khảo sát tương đương với thời gian cuối học kì II năm học 2014 – 2015 và đầu học kì I năm học 2015 – 2016. Chỉ xem kết quả của đợt khảo sát đầu tiên, thực hiện với 417 học sinh ở 4 trường tại các tỉnh thuộc các vùng kinh tế xã hội khác nhau tại Lào Cai, Hà Nội và Hải Phòng có thể thấy ngay hiệu quả của phương pháp này.
Tỉ lệ học sinh đạt chuẩn đọc đầu ra là rất cao (99,02%). Số tiếng trung bình học sinh đọc được cao hơn nhiều so với chuẩn đọc đầu ra của Bộ GDĐT, đạt hơn 94 tiếng/phút so với chuẩn 30 tiếng/phút.
Chất lượng đọc của học sinh lớp 1 Công nghệ giáo dục tốt và khá đồng đều, không bị phân tán và chênh lệch quá nhiều giữa các em học sinh.
Chị Hoàng Minh Thư – một phụ huynh Hà Nội có con đang học bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục cho biết: Cách đánh vần trong sách giúp đơn giản hoá bài học, các con dễ học, dễ nhớ thôi, còn cách đọc vẫn giống nhau, không khác gì chương trình truyền thống. Quan điểm của tôi là cách đánh vần thế này hay thế kia không làm cho con thành công hay thất bại, không làm cho con thông minh hơn hay yếu kém đi, nó chỉ giúp việc học tiếng Việt của con một là đơn giản hơn, hai là phức tạp hơn. Trẻ con nên được tiếp cận bài giảng một cách đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, vậy là đủ. Con trai tôi đang học lớp 2 và việc học đánh vần rất dễ dàng”.
Một phụ huynh khác cũng lên tiếng: “Mình có con học Thực nghiệm nên may mắn được học cùng con phương pháp đánh vần mới. Nhưng mình không thấy hoang mang mà thấy giáo trình thực nghiệm khoa học và khá logic. Ngay từ khi học giáo trình, trẻ được dạy cách tư duy logic, khoa học, cách phân biệt âm – chữ rõ ràng. Nhiều bà mẹ hoang mang sợ con học cách đánh vần mới khiến bố me không dạy thêm được ở nhà, tôi thấy rất buồn cười. Lý luận như thế thì các vị phu huynh dốt tiếng Anh sẽ không thể dạy con phát âm tiếng Anh, con sẽ mù tiếng Anh ư? Thực tế là các con vẫn tự học, thậm chí rất giỏi tiếng Anh”.
Theo TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, học vần theo cách mới hay cách cũ đều cho kết quả như nhau là trẻ biết đọc và biết viết.
Dù trẻ học theo phương pháp đánh vần nào thì sau khi học, các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt vẫn giữ nguyên giá trị, chữ “k” vẫn là chữ “k”, chữ “qu” vẫn là chữ “qu”, không có biến tướng gì. Đây đơn giản chỉ là phương pháp học vần khác trước, giúp học sinh tiếp thu bài giảng dễ hơn.
GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên của chương trình Giáo dục Phổ thông mới chia sẻ, trong tương lai gần, khi bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng ta sẽ thực hiện quy định “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” theo Nghị quyết 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội”.
Theo đó, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, đối với các lớp đầu cấp tiểu học, tinh thần chung là ưu tiên phát triển các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, không dạy lý thuyết ngôn ngữ học. “Khi thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, cách dạy đơn giản, hiệu quả là một yếu tố quan trọng để người dạy, người học lựa chọn sách” – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới khẳng định.
Chủ trương “một chương trình nhiều bộ SGK” đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện từ lâu để phát huy trí tuệ của đông đảo các nhà khoa học, các nhà giáo và quan trọng là người học có quyền được lựa chọn.
Thực tế, ý tưởng này khá hay, nhưng tại Việt Nam, dù chủ trương này đã được Quốc hội thông qua vẫn còn khá nhiều tranh cãi. Ngay như bộ sách lớp 1 Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại và sách tiếng Việt hiện hành đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Khi được hỏi về chủ trương này, nhiều giáo viên ở Hà Nội cho rằng, sách do tổ chức, cá nhân nào biên soạn không quan trọng. Quan trọng nhất vẫn là phương pháp truyền đạt thế nào để các học sinh nắm được bài giảng nhanh nhất, phải đặt quyền lợi của người học lên trên hết. Điều gì có lợi cho học sinh thì lựa chọn.
Nói như GS Hồ Ngọc Đại từng chia sẻ với báo chí: “Khi tiến hành đổi mới một chương trình, chúng ta phải tôn trọng đời sống thực của học sinh, chứ không phải là đời sống học đường mơ hồ hay sự mơ tưởng của những người viết nên một đề án, dự thảo. Khi thiết kế một chương trình và đưa ra đổi mới thì chúng ta phải vì lợi ích của học sinh chứ không phải vì lợi ích của người thầy. Cần lắng nghe dù chỉ còn một ý kiến khác…”.
Thiết kế: Thúy Hà