“Cuộc đua” làm chủ năng lượng tái tạo còn nhiều thách thức - Bài 3: Lãng phí năng lượng sản xuất

“Cuộc đua” làm chủ năng lượng tái tạo còn nhiều thách thức - Bài 3: Lãng phí năng lượng sản xuất

Trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hoá thạch ngày càng cạn kiệt, nhiệt điện có nguy gây ô nhiễm, thuỷ điện khai thác đã tới hạn… thì việc nghiên cứu, bổ sung và dần thay thế nguồn nhiệt điện, thuỷ điện bằng năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời... là xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam. Tại Việt Nam, do là lĩnh vực mới, liên quan đến nhiều cơ quan quản lý nên các quy định, chính sách, pháp luật vẫn chưa theo sát được các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo... khiến công cuộc phát điện bị chậm trễ.

__________________

Không chỉ có các doanh nghiệp lớn, hệ lụy cộng dồn từ sử dụng năng lượng lãng phí từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể để lại rất nhiều bất lợi cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến tăng trưởng xanh và cam kết của Chính phủ trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Cuộc đua” làm chủ năng lượng tái tạo còn nhiều thách thức - Bài 3: Lãng phí năng lượng sản xuất ảnh 1

Gần chục năm gắn bó với việc tư vấn cho các dự án tiết kiệm năng lượng, Ths. Trần Thị Hương, một chuyên gia độc lập làm việc cho các dự án, chia sẻ công việc của chị chủ yếu xoay quanh việc đo đếm tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các khu vực tiêu thụ năng lượng.

Để bắt tay vào một dự án, thông thường các kiểm toán viên năng lượng như chị sẽ liên hệ với doanh nghiệp để lên kế hoạch khảo sát, đánh giá thực tế. Xuống địa bàn, họ tiếp tục làm việc cụ thể với ban lãnh đạo cùng người lao động tại các phân xưởng. Khi tiếp cận trực tiếp với hệ thống thiết bị công nghệ tiêu thụ điện và nhiệt là thực hiện quá trình đo đếm, thu thập dữ liệu sau đó tiến hành phân tích dựa trên kết quả thu được kết hợp với hiện trạng vận hành của thiết bị công nghệ cũng như cách thức vận hành của nhân viên.

“Tôi đang sử dụng thiết bị phân tích điện năng sản xuất từ Nhật Bản và các thiết bị phân tích khói, đo nồng độ oxy trong khói thải cũng như những cảm nhiệt sản xuất từ Mỹ cùng với các thiết bị chuyên dụng khác để thực hiện quá trình kiểm toán năng lượng và đánh giá hiệu suất lò hơi. Những thiết bị này đều là công nghệ mới, hiệu quả và có độ chính xác cao. Kết quả đo lường và phân tích sẽ chỉ ra những hệ thống thiết bị tiêu thụ năng lượng đó có ổn định hay không hoặc những khu vực gây ra tổn thất năng lượng nhiều hay ít”, chị Hương cho biết.

Hiện trên cả nước có khoảng 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm với mức tiêu thụ hàng năm trên 34,3 triệu TOE, chiếm hơn 51% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của cả nước. Theo quy định, với lượng tiêu thụ có giới hạn trên 1000 TOE, các cơ sở này đều phải xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng… Tuy nhiên, thống kê năm 2021 chỉ ra rằng chỉ có từ 30-40% doanh nghiệp duy trì hệ thống quản lý năng lượng; 91 cơ sở thực hiện kiểm toán năng lượng.

“Cuộc đua” làm chủ năng lượng tái tạo còn nhiều thách thức - Bài 3: Lãng phí năng lượng sản xuất ảnh 2

Lý giải nút thắt nói trên, Ths. Trần Thị Hương cho rằng cần phải lượng hóa được lượng tiêu thụ năng lượng, từ đó có thể nhân với đơn giá sẽ quy đổi được chi phí tiết kiệm hàng năm của doanh nghiệp. Ví dụ, với doanh nghiệp tiêu thụ nhiệt để tính toán chi phí tiết kiệm được khi thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, các chuyên gia sẽ tính toán và quy đổi tương đối từ lượng nhiệt có thể tiết kiệm được ra lượng than hoặc dầu dự kiến tiêu thụ; sau đó nhân với giá thành thị trường. Đến đây phát sinh ra vấn đề các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có chi phí tiết kiệm tương đối khiêm tốn, khiến lãnh đạo trong các tổ chức này đôi khi chưa thực sự quan tâm và dành cho vấn đề này vị trí tương xứng dù đã được nhận thức và quy định trong luật pháp.

“Nhìn từ cấp độ doanh nghiệp, đôi khi thấy hiệu quả tiết kiệm không đáng kể. Tuy nhiên, từ góc độ của một dự án lớn như Dự án Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng tại Việt Nam được Bộ Công Thương phối hợp cùng Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai thực hiện thì việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong vận hành và quản lý nồi hơi hiệu quả sẽ tiết kiệm tổng năng lượng tiêu thụ khoảng 1.955.304 GJ/năm tương đương với giảm thiểu tổng mức phát thải khí nhà kính khoảng 183.736 tấn CO2/năm”, Ths. Trần Thị Hương phân tích.

Theo đó, Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều chương trình, giải pháp, liên quan đến vấn đề kiểm kê khí nhà kính, xả thải CO2, chiến lược carbon thấp cũng được áp dụng. Nếu doanh nghiệp quan tâm hơn tới các giải pháp tiết kiệm năng lượng thì hiệu quả thu được sẽ rất cao.

“Cuộc đua” làm chủ năng lượng tái tạo còn nhiều thách thức - Bài 3: Lãng phí năng lượng sản xuất ảnh 3

Theo Hội khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả Việt Nam (VECEA), năng lượng ở trong nước đang lãng phí ở cả khâu sản xuất lẫn tiêu thụ. Cụ thể, trong khâu sản xuất, hiệu suất sử dụng năng lượng tại các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 28 - 32% (thấp hơn mức thế giới 10%), hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% (thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%). Khâu tiêu thụ cũng kém hiệu quả. Để sản xuất ra cùng một sản phẩm, ngành công nghiệp Việt Nam cần sử dụng năng lượng nhiều hơn từ 1,5 - 1,7 lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

So sánh với chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng với các quốc gia khác, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển kinh tế bền vững cho biết hiện Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 400 kg dầu quy đổi để tạo ra 1.000 USD GDP. Con số này cao hơn Thái Lan khoảng 30%, Malaysia khoảng 60%, đặc biệt so với các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ thì cao hơn gấp 4-5 lần. Điều này cho thấy, sử dụng năng lượng tại Việt Nam chưa hiệu quả và rất đáng suy nghĩ.

“Cuộc đua” làm chủ năng lượng tái tạo còn nhiều thách thức - Bài 3: Lãng phí năng lượng sản xuất ảnh 4

Nhiều nguyên nhân có thể giải thích cho việc sử dụng năng lượng lãng phí. Nổi bật trong đó là tâm lý hờ hững của các doanh nghiệp, lãnh đạo các doanh nghiệp khi chưa nhận thức đầy đủ về việc sử dụng năng lượng hiệu quả, hoặc có làm cũng chỉ mang tính chất đối phó, cục bộ. Từ nhận thức dẫn đến tình trạng lạc hậu về công nghệ, chậm đổi mới các thiết bị sản xuất cũ, thay đổi quy trình làm việc, khiến tỷ lệ hao hụt lớn khi vận hành.

Như trong quan sát của Ths. Trần Thị Hương, phần lớn các doanh nghiệp có mức hao hụt năng lượng lớn do chưa quan tâm sát sao vấn đề quá trình, chỉ chú ý đến đầu ra cuối cùng là doanh thu và lợi nhuận. Vì thế, nhiều phần trong khâu sản xuất bị bỏ qua, đặc biệt là tiêu thụ năng lượng trong các khâu phụ trợ, sản xuất nhiệt. Hai khâu này tuy không trực tiếp làm ra sản phẩm, nhưng đang gây ra lãng phí năng lượng rất nhiều.

Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành, vì chạy theo lợi nhuận nên đôi khi doanh nghiệp chưa đào tạo được nhân viên vận hành đạt đúng tiêu chuẩn quy định. Ở rất nhiều doanh nghiệp, nhân viên thường vận hành theo kinh nghiệm. Trong khi hiện tại thị trường đã cho ra đời đa dạng thiết bị, tài liệu giáo trình giúp người lao động có thể tự chủ trong việc đo đếm năng lượng thất thoát để kiểm soát vấn đề tiết kiệm và sửa đổi quy trình. Tuy nhiên vấn đề này thường xuyên bị doanh nghiệp và người lao động xem nhẹ.

“Cuộc đua” làm chủ năng lượng tái tạo còn nhiều thách thức - Bài 3: Lãng phí năng lượng sản xuất ảnh 5

Có thể nói, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan đến việc sử dụng năng lượng. Theo đó, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành năm 2010; Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả triển khai trong giai đoạn 2006-2015, đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi (TOE); sau đó là Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030; Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025…

Nhiều chuyên gia nhận định, cơ chế chính sách về tiết kiệm năng lượng của Việt Nam đã cho thấy tính hiệu quả và sát sao. Nếu đạt được các mục tiêu đề ra thì Việt Nam sẽ có lợi thế và tiềm năng rất lớn trong tăng trưởng, hoàn thành một số mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững, phát triển nền kinh tế carbon thấp. Tuy nhiên kết quả của các chính sách lại nằm ở khâu thực hiện, nhiều kế hoạch chưa được cụ thể hóa, đi sâu vào nhận thức của các bên liên quan.

“Cuộc đua” làm chủ năng lượng tái tạo còn nhiều thách thức - Bài 3: Lãng phí năng lượng sản xuất ảnh 6

Bên cạnh đó, ông Mã Khai Hiền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng (ENERTEAM), cho biết đối tượng áp dụng Luật phải tuân thủ bắt buộc chủ yếu là các đơn vị trọng điểm về sử dụng năng lượng (1000 tấn dầu quy đổi, khoảng 1000 TOE) đối với doanh nghiệp sản xuất và (500 tấn dầu quy đổi) đối với dịch vụ, tòa nhà. Các đối tượng còn lại, nếu cộng dồn cũng tạo ra lượng thất thoát đáng kể, nhưng đang chỉ triển khai mang tính áp dụng khuyến khích, không mang tính bắt buộc nên áp dụng còn chủ quan, nhận thức chưa cao, lơ là, dẫn đến chưa đạt được mục tiêu của luật.

Trong khi đó, công tác phát triển nguồn nhân lực như quản lý viên năng lượng và kiểm toán viên năng lượng phục vụ các cơ sở sử dụng năng lượng chưa theo kịp các yêu cầu phát triển của thị trường.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động, các cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế đã huy động, mở nhiều dự án trong các năm vừa qua với mục đích cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Mục tiêu của các dự án phần đa đều rõ ràng, thu được hiệu quả đáng kể, nhưng đôi khi chỉ được quan tâm trong giai đoạn tiến hành, còn khi kết thúc, vấn đề bị bỏ ngỏ, thiếu hành động kết nối dự án trước với dự án sau. Sự đứt đoạn này phần nào cản trở biến chuyển trong công tác tiết kiệm năng lượng.

Trong năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2022/NĐ-CP trong đó nhấn mạnh việc xây dựng ý thức cũng như đề ra khuôn khổ xử phạt vi phạm hành chính cụ thể. Việc xây dựng ý thức tiết kiệm năng lượng đối với các doanh nghiệp không chỉ có ý nghĩa đối với kinh tế, mà còn đóng góp rất lớn vào phát triển bền vững; giúp Việt Nam tiến gần hơn đến việc thực hiện mục tiêu trong cam kết tại Hội nghị COP 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu khi quyết tâm giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?