“Cuộc đua” làm chủ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều thách thức - Bài 2: Xu hướng 'xe xanh' Việt Nam

“Cuộc đua” làm chủ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều thách thức - Bài 2: Xu hướng 'xe xanh' Việt Nam

Trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hoá thạch ngày càng cạn kiệt, nhiệt điện có nguy gây ô nhiễm, thuỷ điện khai thác đã tới hạn… thì việc nghiên cứu, bổ sung và dần thay thế nguồn nhiệt điện, thuỷ điện bằng năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời... là xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam. Tại Việt Nam, do là lĩnh vực mới, liên quan đến nhiều cơ quan quản lý nên các quy định, chính sách, pháp luật vẫn chưa theo sát được các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo... khiến công cuộc phát điện bị chậm trễ.

_____________________

Là một người đam mê công nghệ và xe cộ, ông Lê Tùng Anh, 41 tuổi, đang sống tại Hà Nội không bỏ lỡ cơ hội trở thành một trong những người sở hữu ô tô điện nội địa đầu tiên tại Việt Nam.

“Cuộc đua” làm chủ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều thách thức - Bài 2: Xu hướng 'xe xanh' Việt Nam ảnh 1

“Tháng 12/2021, tôi nhận chiếc xe điện VFe34 sau một thời gian đặt cọc và chờ đợi. Vì là một loại hình phương tiện mới tại Việt Nam và trên thế giới, tôi muốn được trải nghiệm xem xe điện có thực sự thuận tiện trong cuộc sống thường ngày hay không”, ông Tùng Anh chia sẻ.

Giống như Tùng Anh, hiện đã có hàng nghìn người tại Việt Nam chuyển sang xu hướng “xe xanh” của tương lai, làm quen dần với những chiếc ô tô điện như phương tiện đi lại chính thay vì sử dụng ô tô chạy xăng, dầu. Trong tương lai, xe điện là một lựa chọn sáng suốt cho vấn đề môi trường hơn là những chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong. Một ưu điểm khác khiến nhiều tài xế lựa chọn ô tô điện đó là mức giá hợp lý so với các mẫu xe chạy động cơ đốt trong cùng dòng.

Để có những trải nghiệm trọn vẹn với ô tô điện, ông Tùng Anh đã thực hiện một chuyến đi xuyên Việt vào tháng Ba năm ngoái.

Chuyến đi ban đầu diễn ra khá thuận lợi nhưng cũng giúp tài xế nhận ra sự hạn chế đầu tiên của ô tô điện, đó là sự thiếu đồng đều về hạ tầng trạm sạc nhanh trên cả nước. Theo ông Lê Tùng Anh, một số địa phương chỉ có trạm sạc công suất nhỏ hoặc không có trạm sạc, dẫn đến việc mất thêm nhiều thời gian cho việc sạc pin.

“Khi chạy đến Bình Thuận, chúng tôi phát hiện không có trạm sạc nào nên chỉ còn hai cách, một là ở lại để sạc qua đêm, hai là lái lên Lâm Đồng tìm trạm sạc”, ông Tùng Anh nhớ lại. “Chuyến đi năm ngoái của tôi hết khoảng 48 tiếng đồng hồ, riêng khoản sạc pin đã ngốn khoảng 11 tiếng”.

“Cuộc đua” làm chủ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều thách thức - Bài 2: Xu hướng 'xe xanh' Việt Nam ảnh 2

Bước sang năm 2023, Lê Tùng Anh mạnh dạn đổi sang mẫu ô tô điện mới là VF8 và tiếp tục thực hiện chuyến đi xuyên Việt lần thứ hai. Điều đầu tiên khiến ông bất ngờ đó là sự xuất hiện của nhiều tuyến cao tốc mới trên cả nước, giúp cho hành trình được rút ngắn thời gian.

Một điểm đáng chú ý là sự xuất hiện dày đặc của các trạm sạc pin siêu nhanh được đặt cách nhau không quá 250 km dọc các tuyến đường từ Nam ra Bắc. Chính độ bao phủ của các trạm sạc đã giúp chuyến đi kéo dài khoảng 1.700 km của ông Tùng Anh rút ngắn xuống còn khoảng 29 tiếng đồng hồ, trong đó mất 300 phút (5 tiếng đồng hồ) sạc pin.

“Chỉ cần hệ thống trạm sạc đáp ứng được nhu cầu sử dụng của tài xế, thì xe điện có khả năng thay thế được xe động cơ đốt trong tại thị trường Việt Nam”, ông Tùng Anh nhận định. “Không còn là đồ chơi của giới nhà giàu, xe điện sẽ trở thành phương tiện đi lại của nhiều gia đình Việt Nam”.

Sau một thời gian sử dụng, nhiều tài xế tại Việt Nam cho rằng ô tô điện đem đến một giải pháp tiết kiệm cho bài toán kinh tế, khi chi phí vận hành hằng tháng của xe điện rẻ hơn rất nhiều so với xe động cơ đốt trong. Cụ thể, tài xế sẽ mất trung bình 700 -800 nghìn đồng mỗi lần sạc cho quãng đường 1.000 km, tùy vào nhu cầu đi lại. Ngoài ra, nhà sản xuất cũng cung cấp chương trình cho thuê pin với chi phí rơi vào tầm 2 triệu đồng mỗi tháng.

Nếu so sánh với các loại xe chạy xăng cỡ nhỏ hạng A thì chi phí “nuôi” xe mỗi tháng là tương đương. Nhưng nếu đi nhiều và thuê pin, thì chi phí sẽ được chia nhỏ đi rất nhiều nếu tính theo mỗi kilomet.

Theo ông Tùng Anh, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa xe điện không tiêu tốn bằng xe xăng. Do đó, các tài xế chạy xe dịch vụ sẽ rất có lợi nếu sử dụng xe điện bởi đi càng nhiều thì càng rẻ. “Trong chuyến xuyên Việt mới nhất, tôi chỉ mất khoảng hơn 1 triệu đồng tiền điện để sạc pin. Đổi lại, tài xế sử dụng xe hơi thông thường có thể mất 4-5 triệu đồng tiền xăng, dầu cho một hành trình kéo dài 1.700 km”, ông Tùng Anh chia sẻ.

“Cuộc đua” làm chủ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều thách thức - Bài 2: Xu hướng 'xe xanh' Việt Nam ảnh 3

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện được xem là một xu hướng tất yếu và đang được nhiều nước trên thế giới hưởng ứng. Trên thế giới, hoạt động sản xuất và mua bán ô tô điện đang tăng mạnh chưa từng thấy, trong bối cảnh lĩnh vực này được coi là chìa khóa trong nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu bằng cách cắt giảm lượng khí thải từ nhiên liệu xăng và dầu diesel, giảm nhập khẩu dầu và trợ cấp nhiên liệu, đồng thời hỗ trợ đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo.

Trả lời tờ Japan Times của Nhật Bản, ông Rahul Gupta - chuyên gia thuộc công ty tư vấn McKinsey & Company có trụ sở tại Singapore, chỉ ra rằng nhiều người lái xe có ý thức về khí hậu trên khắp thế giới đang hướng tới sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, với ô tô điện và ô tô lai điện và xăng (hybrid) chiếm 18% doanh số bán xe ô tô toàn cầu vào năm 2022.

Nhưng làn sóng chuyển đổi sang ô tô điện chủ yếu diễn ra ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, đặc biệt hai thị trường EU và Trung Quốc chiếm khoảng 20% và 25% doanh số xe điện.

Các nước Đông Nam Á đang dùng nhiều cách để bắt kịp xu thế toàn cầu của ô tô điện, bằng cách cung cấp các ưu đãi ngày càng tăng cho các nhà sản xuất ô tô và pin, giảm thuế cho người mua và đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng trở thành trung tâm sản xuất xe điện toàn cầu.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc thiếu trạm sạc bên ngoài các trung tâm đô thị, thiếu các ưu đãi và trợ cấp về thuế cho cả nhà sản xuất ô tô và người mua, cũng như tiến độ chậm chạp trong việc phát triển ô tô điện giá cả phải chăng của các nhà sản xuất tại Đông Nam Á đã kìm hãm đà tăng trưởng của khu vực này.

“Cuộc đua” làm chủ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều thách thức - Bài 2: Xu hướng 'xe xanh' Việt Nam ảnh 4

Theo ông Benedict Eijbergen, Giám đốc vận tải khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tại Ngân hàng Thế giới, xe hai và ba bánh, bao gồm xe máy và xe tuk-tuk, chiếm khoảng 80% phương tiện giao thông ở Đông Nam Á. Điều này có nghĩa quá trình chuyển đổi sang xe điện trong khu vực này sẽ khác rất nhiều so với ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, nơi xu hướng tăng trưởng của xe điện được thúc đẩy bởi quá trình điện khí hóa ô tô.

Ông Eijbergen cho biết thêm, mức độ hấp thụ của xe điện hai bánh trong khu vực cao hơn ô tô điện, chiếm khoảng 8% tổng doanh số bán xe tại Việt Nam, vốn là thị trường dẫn đầu khu vực, vào năm 2020. Tuy nhiên, chi phí mua xe điện cao hơn so với xe chạy xăng, dầu tại một số quốc gia đã ngăn cản nhiều tài xế chuyển đổi xe, theo chuyên gia Gupta.

Để giải quyết vấn đề này, các nước phải cung cấp những khoản trợ cấp để giúp người mua có kinh phí chuyển đổi và cung cấp các gói ưu đãi hoặc giảm thuế cho các nhà sản xuất ô tô để giảm chi phí sản xuất.

Năm ngoái, Thái Lan đã phê duyệt một gói ưu đãi bao gồm cắt giảm thuế và trợ cấp để thúc đẩy xe điện, trong khi đầu tháng 2 năm nay, chính phủ Indonesia cho biết họ đang xem xét cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với doanh số bán ô tô điện từ 11% xuống 1%.

Ông Gupta cho biết thêm, việc mở rộng cơ sở hạ tầng trạm sạc và nhiều lựa chọn mặt hàng xe điện hơn cũng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi sang phương tiện mới tại Đông Nam Á, cũng như việc các chính phủ đặt ra các mốc thời gian để cấm xe chạy bằng xăng và dầu diesel.

“Cuộc đua” làm chủ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều thách thức - Bài 2: Xu hướng 'xe xanh' Việt Nam ảnh 5

Tại Việt Nam, thị trường ô tô điện trong thời gian tới được dự báo sẽ bùng nổ mạnh mẽ. Nhiều chuyên gia nhận định, xu hướng phát triển thị trường ô tô điện tại Việt Nam trong năm 2022 sẽ là tiềm năng bậc nhất khu vực Đông Nam Á đặc biệt trong vài năm tới.

Cùng quan điểm, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng đưa ra dự báo, Việt Nam sẽ đạt mức 1 triệu xe ô tô điện hoá (EV) vào khoảng năm 2028 và tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2030-2040. Đến năm 2040, Việt Nam sẽ có khoảng 3,5 triệu xe ô tô điện.

Một khảo sát của UNDP tại Việt Nam đã cho thấy tiềm năng phát triển lĩnh vực này rất lớn khi có đến 78% người Việt có mong muốn chuyển đổi qua các phương tiện giao thông sạch hơn. Đối với ô tô điện, tính đến tháng 8 năm 2022, đã có trên 3.000 xe được đăng ký, tăng 20 lần so với năm 2019.

Hiện tại, bộ linh kiện của ô tô điện nhập khẩu đều không bị áp thuế. Xe xăng lai điện (hybrid) hoặc năng lượng sinh học hiện đang áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70% mức thuế áp dụng cho xe chạy xăng, dầu. Ô tô điện cũng đang hưởng ưu đãi rất cao về lệ phí trước bạ, miễn phí đối với 3 năm đầu và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Vĩnh Nam lại cho rằng ô tô điện bắt đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam trong năm 2022 nhưng chưa thể thay thế xe chạy xăng, dầu trong tại các tỉnh thành mà chỉ tập trung tại các thành phố lớn, có bãi đậu xe, trung tâm thương mại, phù hợp với nhu cầu của một vài nhóm khách hàng.

Đối với ông Lê Tùng Anh, việc sinh sống tại Hà Nội cho phép các tài xế tiếp cận được nhiều trạm sạc ngoài trời lẫn dưới hầm các tòa nhà, chung cư, khiến việc sử dụng xe điện ngày càng trở nên thuận tiện và giúp cải thiện chất lượng không khí của thành phố. Ông Tùng Anh cũng tin rằng các ưu đãi lớn hơn từ Chính phủ sẽ giúp thúc đẩy ngành sản xuất xe điện trong nước.

“So với các nước trong khu vực, ngành công nghiệp xe điện của Việt Nam còn phải nhiều điều để nỗ lực, nhất là hạ tầng trạm sạc, nhưng chúng ta sở hữu ưu thế khi có một nhà sản xuất ô tô điện nội địa”, ông Tùng Anh chỉ ra. “Chính phủ cần ban hành thêm nhiều chính sách thượng tầng nhằm khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng ô tô điện để tạo sự chuyển biến”.

“Cuộc đua” làm chủ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều thách thức - Bài 2: Xu hướng 'xe xanh' Việt Nam ảnh 6
TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.