Khủng hoảng một phần tư cuộc đời (quarter-life crisis) là "cuộc khủng hoảng liên quan đến mối lo về phương hướng và chất lượng cuộc sống" thường xảy ra trong khoảng thời gian từ đầu hai mươi đến ba mươi tuổi của một người.
Theo định nghĩa của nhà tâm lý học lâm sàng Alex Fowke, quarter-life crisis là "một giai đoạn của sự bất an, nghi ngờ và thất vọng xung quanh sự nghiệp, các mối quan hệ và tình hình tài chính của bạn".
Nhiều người trẻ gặp phải khủng hoảng một phần tư cuộc đời khi họ bước vào "thế giới thực" phải lo cơm áo gạo tiền. Họ cảm thấy lạc lõng, mắc kẹt trong các mối quan hệ cá nhân hoặc chịu nhiều sự căng thẳng từ công việc, học tập. Họ cũng có thể gặp áp lực đồng trang lứa và cảm thấy tự ti, không hài lòng với chất lượng cuộc sống của mình.
Nếu chìm trong khủng hoảng một phần cuộc đời quá lâu, bản thân có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần và thể chất. Quarter-life crisis có thể gây ra chứng lo âu, trầm cảm và căng thẳng cực độ ở người trẻ. Người chịu khủng hoảng sẽ gặp phải những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực dài hạn nếu không được giúp đỡ kịp thời.
Tuy người trẻ có nhận thức về sự hỗ trợ từ bên ngoài sẽ mang đến hiệu quả trị liệu tâm lý, nhưng một số cá nhân vẫn cảm thấy thiếu tự tin để thực sự tiếp nhận sự giúp đỡ đó. Khi những người con đang ở giai đoạn đầu của quá trình trưởng thành và thế hệ phụ huynh chưa quá cởi mở với những khó khăn liên quan đến sức khỏe tâm thần, nhiều người có thể không biết cách tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý mà họ cần.
Với mục đích lắng nghe sức khỏe tinh thần của người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 35, một sinh viên ngành Truyền thông đại chúng (HVBC&TT) đã thực hiện tác phẩm photobook “thấy” để ghi lại những câu chuyện và hình ảnh chân thực của 22 nhân vật chia sẻ về quarter-life crisis. Họ khác nhau từ độ tuổi, ngành học, công việc, môi trường sống đến giới tính và bản dạng giới, nhưng các nhân vật đều có điểm chung là đã hoặc đang đối mặt với rối loạn cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực khi gặp phải khủng hoảng một phần tư cuộc đời.