‘Đánh thức’ những bảo tàng tư nhân sắp... ngủ quên

‘Đánh thức’ những bảo tàng tư nhân sắp... ngủ quên

Đóng góp khá nhiều cho nền di sản văn hóa Việt Nam nhưng các bảo tàng tư nhân và nhiều bộ sưu tập cá nhân tại Việt Nam vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Nhiều bảo tàng tư nhân đã bắt đầu vắng bước chân người, lối đi vào đã rêu phủ mòn lối...

_______________

‘Đánh thức’ những bảo tàng tư nhân sắp... ngủ quên ảnh 1

Thành lập năm 2011, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh của cựu binh Nguyễn Mạnh Hiệp là một trong những bảo tàng tư nhân về chiến tranh nổi tiếng ở Hà Nội.

Bảo tàng sở hữu hàng ngàn hiện vật chiến tranh như máy thông tin quân sự, cây nhiệt đới, bộ quần áo chiến đấu của quân đội Mỹ, cùng nhiều hình ảnh và tư liệu quý giá về các vị tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tuy vậy, hiện bảo tàng đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hiện vật bị bọc kín trong bao tải rồi cất sâu trong tủ kính, dưới gầm bàn thờ, gầm cầu thang hay góc nhà, biến căn phòng trưng bày nhỏ hẹp chỉ rộng 30m2 thành một nhà kho lưu trữ. Những mảnh xác máy bay, đầu đạn tên lửa, bom… phải xếp tạm ở ngoài sân vì không còn chỗ để trưng bày. Hàng chục bức ảnh quý giờ đã bạc màu, trắng xóa, không còn nhìn rõ hình. Đáng tiếc nhất là gần 300 tuyển tập, tư liệu quý đã bị mối mọt tấn công, giờ chỉ còn vài chục quyển nguyên vẹn. Gần như không có khách tới thăm bảo tàng suốt vài năm qua. Sau khi ông Hiệp qua đời vài tháng trước, sức sống của bảo tàng lại ngày một cạn kiệt. Đáng buồn là hiện vẫn không có cơ quan, tổ chức nào quan tâm tới thực trạng này.

‘Đánh thức’ những bảo tàng tư nhân sắp... ngủ quên ảnh 2
Bàn làm việc của GS.TS Nguyễn Văn Huyên

“Gia đình chúng tôi luôn mong nhà nước tạo điều kiện cho xây bảo tàng ở một nơi khang trang, rộng rãi hơn và hỗ trợ kinh phí để bảo quản hiện vật. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn đang chờ sự hỗ trợ đầu tiên”, bà Phan Thị Liên, vợ ông Hiệp nói. “Biết bảo tàng đang trong cơn hấp hối, nhưng vì không đủ trình độ chuyên môn và điều kiện kinh tế nên chúng tôi rất bất lực”.

Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng đang đau đầu vì không thu hút được khách du lịch. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - người thành lập bảo tàng và cũng là con trai của GS Nguyễn Văn Huyên, bảo tàng thường chỉ đón những đợt khách lẻ tẻ từ địa phương, các trường học… chứ chưa có một lượng khách thường xuyên. Ông Huy cho biết, đến nay vẫn chưa có lãnh đạo nào của các cơ quan văn hóa và du lịch tới bảo tàng tham quan, nghiên cứu phương án phát triển du lịch.

‘Đánh thức’ những bảo tàng tư nhân sắp... ngủ quên ảnh 3
Chiếc kính hiển vi mà bà Vi Kim Ngọc từng sử dụng để nghiên cứu khoa học

“Các cơ quan du lịch nói rằng thôn Lai Xá vẫn chưa được coi là một ‘sản phẩm du lịch’, vì chưa hội tụ đủ các yếu tố như địa điểm lưu trú, giải trí, chất lượng dịch vụ… Vì vậy, họ không nghĩ việc phát triển du lịch cho bảo tàng chúng tôi là cần thiết trong thời điểm này,” ông Huy cho biết.

‘Đánh thức’ những bảo tàng tư nhân sắp... ngủ quên ảnh 4

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đầu tư phát triển các bảo tàng tư nhân là điều cần thiết trong tương lai, bởi đóng góp của bảo tàng tư nhân vào nền di sản văn hóa nước nhà là rất lớn. Ông Quốc cho biết, mọi bảo tàng nổi tiếng trên thế giới đều bắt nguồn từ các bộ sưu tập cá nhân của vua chúa, quý tộc, thương gia… Khi đó, họ sẽ hiến tặng toàn bộ hiện vật của mình cho những bảo tàng công lập, hoặc tự mình lập nên những bảo tàng tư nhân để trưng bày. Qua thời gian, các bộ sưu tập cá nhân sẽ được xã hội hóa và trở thành di sản quốc gia.

‘Đánh thức’ những bảo tàng tư nhân sắp... ngủ quên ảnh 5
Các mảnh xác máy bay treo tạm bợ trên hàng rào vì không còn chỗ trưng bày.

“Chúng ta vẫn chưa khám phá hết phần chìm của ‘tảng băng’ di sản văn hóa Việt Nam, bởi phần lớn những bộ sưu tập đẹp và quý hiếm đều thuộc quyền sở hữu của người dân chứ không phải nhà nước, nhưng do không được hỗ trợ về nghiệp vụ chuyên môn, cơ sở hạ tầng và cơ sở pháp lý nên nhiều nhà sưu tập chưa thể thành lập bảo tàng tư nhân”, ông Dương Trung Quốc nói.

Bên cạnh đó, một số nhà sưu tập chưa đủ niềm tin để hiến tặng các hiện vật của mình cho nhà nước. Bởi theo ông Quốc, trong quá khứ, đã có những lần nhà nước từ chối tiếp nhận các bộ sưu tập có giá trị, hoặc đồng ý tiếp nhận nhưng không bảo tồn đúng theo ý nguyện của chủ sở hữu. Đó là trường hợp của nhà sưu tập Đức Minh, người từng muốn hiến tặng hàng ngàn bức tranh quý của mình cho nhà nước nhưng bị từ chối. Hoặc trường hợp của ông Vương Hồng Sển, người được nhà nước tiếp nhận tất cả bộ sưu tập sau khi hiến tặng, nhưng lại bảo tồn không đúng theo nguyện vọng của ông. Kết cục là cả hai bộ sưu tập vô cùng giá trị đều phải chịu cảnh “tan đàn xẻ nghé”.

‘Đánh thức’ những bảo tàng tư nhân sắp... ngủ quên ảnh 6
Mảnh bom được cất ở góc phòng trưng bày.

“Nếu hiện vật vẫn đang nằm trong tủ hay dưới gầm giường, gầm bàn thì chúng vẫn chỉ là tài sản cá nhân. Theo tôi, để phát huy và bảo tồn di sản văn hóa, cần phải biến tài sản cá nhân trở thành di sản cộng đồng. Vì vậy, nhà nước nên đầu tư nhiều hơn vào các bảo tàng tư nhân và tạo điều kiện cho các nhà sưu tập bộc lộ di sản của họ ra. Có thể tham khảo mô hình tại hai nơi đang hỗ trợ hiệu quả cho các nhà sưu tập là Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) và Ánh Dương Art Space, hoặc mô hình của Viện Smithsonian (Mỹ) - một tổ chức chuyên xã hội hóa các bảo tàng”, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định.

‘Đánh thức’ những bảo tàng tư nhân sắp... ngủ quên ảnh 7

Với kinh nghiệm 11 năm làm Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng công tác trưng bày chưa hấp dẫn là một trong những nguyên nhân chính khiến bảo tàng tư nhân chưa thu hút được khách du lịch. Phần lớn chỉ dừng ở việc đặt hiện vật lên cho du khách xem, rồi nói qua về nguồn gốc, giá trị, mức độ quý hiếm, chứ không quan tâm rằng hiện vật có mang trong mình câu chuyện gì không. Theo ông Huy, mỗi bảo tàng nên hàm chứa một cốt truyện hay, được kể lại thông qua những câu chuyện nhỏ ẩn chứa trong mỗi hiện vật. Bởi khách đi tham quan bảo tàng không chỉ muốn nhìn, ngắm, chạm vào hiện vật, họ còn muốn biết câu chuyện đằng sau hiện vật là gì. Tự mình thay đổi để hấp dẫn du khách là điều các bảo tàng tư nhân nên làm, thay vì cứ mãi làm theo lối mòn cũ hoặc chỉ trông đợi vào sự hỗ trợ của nhà nước.

‘Đánh thức’ những bảo tàng tư nhân sắp... ngủ quên ảnh 8
Một bức thư do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi GS.TS Nguyễn Văn Huyên.

Ví dụ, khi xem một số bức ảnh tư liệu tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, du khách sẽ hiểu rằng cuộc hôn nhân giữa GS Nguyễn Văn Huyên và vợ là bà Vi Kim Ngọc đã đánh dấu một bước chuyển quan trọng về nhận thức của xã hội Việt Nam, từ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” sang “tự do yêu đương”. Chiếc bàn làm việc của ông Nguyễn Văn Huyên có thể kể câu chuyện về thói quen làm việc của trí thức thời xưa, hay một bức thư từ Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể phản ánh lại quá trình đấu tranh chống thực dân Pháp của học sinh và thanh niên thời chiến.

‘Đánh thức’ những bảo tàng tư nhân sắp... ngủ quên ảnh 9

Một góc trưng bày tại bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.

“Theo tôi, không phải cứ sở hữu hàng ngàn, hàng vạn hiện vật giá trị là sẽ duy trì và phát triển được một bảo tàng tư nhân. Vì sưu tập chỉ là một đam mê, còn làm bảo tàng lại là một ngành khoa học chuyên sâu. Ở các nước châu Âu và châu Mỹ, rất nhiều đại gia sở hữu các bộ sưu tập đồ sộ, nhưng đa số đều không mở bảo tàng tư nhân vì không đủ chuyên môn. Họ bảo tồn bộ sưu tập của mình bằng cách hiến tặng lại toàn bộ cho nhà nước lúc cuối đời. Vì vậy, để làm bảo tàng tư nhân thành công, các nhà sưu tập phải nắm rất vững kiến thức về bảo tàng học, chứ dựa vào tiền bạc thôi là chưa đủ”, PGS Huy nói.

‘Đánh thức’ những bảo tàng tư nhân sắp... ngủ quên ảnh 10
Nhiều bức ảnh bị bạc màu, không còn nhìn rõ hình.

Giải pháp tiếp theo để thu hút du khách là tổ chức thêm tour du lịch ở những nơi có bảo tàng tư nhân, ông Huy cho biết. Đặc biệt, với những địa phương chưa được coi là sản phẩm du lịch như thôn Lai Xá, ông Huy cho rằng nên lấy nền tảng văn hóa của địa phương làm “mũi nhọn” để thu hút du khách. Cụ thể, bên cạnh việc tham quan bảo tàng, ta có thể đưa du khách tới thăm những gia đình hoặc nhân vật là chứng nhân cho sự tiếp biến văn hóa giữa xưa và nay. Khi nghe họ kể chuyện, du khách sẽ cảm nhận được văn hóa của địa phương đã biến chuyển như thế nào qua mỗi thời kỳ, cái gì đã mất, cái gì vẫn còn ở lại và cái gì mới xuất hiện. Một lần nữa, câu chuyện lại là thứ giữ chân du khách ở lại.

‘Đánh thức’ những bảo tàng tư nhân sắp... ngủ quên ảnh 11
Tủ gỗ cất giữ hiện vật bị mối mọt ăn mòn tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

“Giống như các hiện vật, ẩn chứa sau mỗi con người lại là những câu chuyện thú vị để tạo nên cốt truyện hay cho một ngôi làng. Khi đó, ngôi làng ấy sẽ trở thành một ‘bảo tàng sống’ khổng lồ”, PGS Huy nói.

Bài: Việt Thắng

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.