Đáy biển nổi sóng vì rác nhựa - Bài 2: Phong trào cứu biển kiểu… lướt sóng

Đáy biển nổi sóng vì rác nhựa - Bài 2: Phong trào cứu biển kiểu… lướt sóng

Những năm gần đây, tại Việt Nam, rất nhiều bạn trẻ từ Nam tới Bắc đã có những hành động nhỏ như chạy bộ nhặt rác, tắm biển dọn vệ sinh bãi biển, thành lập CLB sống xanh... để cứu môi trường. Rất nhiều những hoạt động ý nghĩa về chung tay dọn sạch rác thải, bảo vệ môi trường địa phương… được khuấy động trong giới trẻ và cộng đồng dân cư.

____________________

Đáy biển nổi sóng vì rác nhựa - Bài 2: Phong trào cứu biển kiểu… lướt sóng ảnh 1

Nhóm Cộng đồng xanh Việt Nam thành lập được vài năm trở lại đây, với khoảng 3.000 thành viên khắp mọi miền Tổ quốc. Năm ngoái, khi dịch COVID-19 chưa bị thổi bùng lên, nhóm trẻ này đã đồng loạt hoạt động nhặt rác cứu môi trường ở khắp 40 tỉnh thành trong ngày Môi trường thế giới. Sau một ngày, các bạn trẻ đã thu gom tổng cộng 1.050 bao rác, phần lớn là các loại rác thải nhựa, rác thải sinh hoạt do người dân vứt bừa bãi, không đúng nơi quy định ở các địa điểm du lịch, công cộng. Nhóm tình nguyện khu vực ngã tư quận Thủ Đức, TP HCM thu gom được 60 bao rác thải; 12 tình nguyện viên tại Bình Dương dọn rác ở Làng đại học TP HCM thu gom 30 bao rác; 14 tình nguyện viên ở Hà Tĩnh tổ chức nhặt rác ở kênh Cày và Công viên văn hóa thể thao Lý Tự Trọng (huyện Thạch Hà), thu gom 13 bao rác. Tại Thừa Thiên - Huế, 10 tình nguyện viên tham gia dọn rác dọc bãi biển Thuận An thu gom 10 bao rác...

Đáy biển nổi sóng vì rác nhựa - Bài 2: Phong trào cứu biển kiểu… lướt sóng ảnh 2

Trước đó, một nhóm các bạn trẻ nhóm Eco Lagi đã khuấy động phong trào làm sạch bãi biển Lagi, Bình Thuận với chiến dịch “Biển Lagi không rác”. Tuy chỉ là chiến dịch tự phát do những người trẻ thế hệ 7X, 8X, 9X khởi xướng nhưng nó nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cư dân và doanh nghiệp. Theo chân các bạn trẻ tình nguyện viên đi nhặt rác quanh biển Lagi hôm ấy có cả trẻ em vùng biển, người dân địa phương, khách du lịch… Dự án đã kết thúc với thành quả hơn 300 túi rác được thu gom, một khoảng lớn rừng dương được dọn sạch, một bãi cát dài không vương vãi chai nhựa, túi nilon...

Đáy biển nổi sóng vì rác nhựa - Bài 2: Phong trào cứu biển kiểu… lướt sóng ảnh 3

Ở Hà Nội, khi chưa giãn cách vì COVID-19, thỉnh thoảng vào dịp cuối tuần, các bạn trẻ nhóm Keep Hanoi Clean lại rủ nhau đến khu vực bãi đá sông Hồng (Hà Nội) dọn rác. Không ai bảo ai, họ thu nhặt túi nilon, chai nhựa hay những rác thải lâu ngày bám chắc vào bãi đá như keo… để làm sạch khu vực vốn thu hút được rất nhiều người đến chụp ảnh. Địa điểm du lịch hấp dẫn ấy càng đông khách thì càng lắm rác. Một thành viên trong nhóm kể lại, cứ sau mỗi tuần ghé chân lại thấy cảnh cũ tái diễn: Rác thải tràn lan, dọn mãi không xuể.

Đó không phải là điều bất ngờ. Ngay cả bờ biển Lagi, Bình Thuận, sau ngày “ra quân” hùng hậu của các bạn trẻ, rác lại dập dềnh theo sóng vào bờ. Thành quả của chiến dịch “Biển Lagi không rác” giữ được bao nhiêu lâu phụ thuộc vào công gìn giữ của chính người dân Lagi và cộng đồng khách du lịch nghỉ chân tại vùng biển này.

Những hành động rời rạc ấy khó mà giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường ở các điểm du lịch, điểm công cộng khắp từ Nam chí Bắc.

Đáy biển nổi sóng vì rác nhựa - Bài 2: Phong trào cứu biển kiểu… lướt sóng ảnh 4
Đáy biển nổi sóng vì rác nhựa - Bài 2: Phong trào cứu biển kiểu… lướt sóng ảnh 5

Không thể phủ nhận, dọn rác làm sạch môi trường đã và đang trở thành phong trào được nhen nhóm, ra quân triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước. Trên nhiều diễn đàn, trang cá nhân Facebook, những lời kêu gọi, khích lệ cộng đồng chung tay dọn rác, trả lại màu xanh cho biển cả, hồi sinh các khu du lịch bị rác “phá nát”… xuất hiện ngày càng nhiều.

Nhiều chuyên gia môi trường đề nghị,thay vì vận động mọi người đi nhặt rác, hãy vận động họ không xả rác ra môi trường ngay từ chính lối sống hàng ngày. Ai xả rác bừa bãi sẽ bị phạt nặng để răn đe. Ở Việt Nam, luật đã có, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã có, mức phạt dao động từ 1-7 triệu đồng cho các hành vi xả rác, nhưng tác dụng thì chưa thực sự hiệu quả. Việc thực thi cũng không đến nơi đến chốn.

Đáy biển nổi sóng vì rác nhựa - Bài 2: Phong trào cứu biển kiểu… lướt sóng ảnh 6

Cũng trên mạng, nhiều nhóm bạn trẻ truyền tai nhau ý tưởng tái chế đồ cũ, hạn chế xả rác… để môi trường cải thiện tích cực hơn, hiệu quả hơn. Nhưng rõ ràng, để xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, coi hành động nhặt rác, giữ gìn môi trường trở thành thói quen thường xuyên, đều đặn như cơm bữa với tất cả người dân Việt Nam lại là câu chuyện dài, không thể một sớm một chiều.

GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, khi luật còn chưa đủ sức răn đe, nhà nước nên có những biện pháp quản lý tổng hợp, hướng dẫn và khuyến khích thay thế, giảm thiểu và sử dụng hợp lý vật liệu nhựa, (đặc biệt là các loại túi nilon), áp dụng các biện pháp công nghệ, kĩ thuật đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa.

Đồng thời, ban hành chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, áp dụng các chính sách kinh tế, tăng thuế, không khuyến khích sản suất các sản phẩm nhựa, đặc biệt đối với các bao bì nhựa. Tăng cường tái sử dụng sản phẩm nhựa thông qua các giải pháp về thiết kế sản phẩm và chính sách thu hồi sản phẩm. Từng bước hạn chế hay cấm sử dựng bao bì nhựa, thay thế bằng các loại bao bì thân thiện môi trường, có thể phân hủy nhanh trong điều kiện tự nhiên như vật liệu gỗ, mây, tre…

Đáy biển nổi sóng vì rác nhựa - Bài 2: Phong trào cứu biển kiểu… lướt sóng ảnh 7

Ở Việt Nam, luật đã có, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã có, mức phạt dao động từ 1-7 triệu đồng cho các hành vi xả rác, nhưng tác dụng thì chưa thực sự hiệu quả. Việc thực thi cũng không đến nơi đến chốn.

(Còn nữa)

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).