Đến bất cứ nơi đâu, nhất là những bãi biển, chỗ nào người ta cũng thấy la liệt rác. Trên những con sóng đánh dữ dội vào bờ hay dưới những tán cây xanh rì dưới nắng, rất nhiều chai nhựa, ống hút, túi nilon… bập bềnh, chìm nổi quấn lấy chân người.
______________
Trước dịch COVID-19, mỗi năm tỉnh Khánh Hoà đón khoảng hơn 5 triệu lượt du khách. Đa phần người dân vẫn chọn túi nilon để đựng hàng hóa. Và cứ thế, trên bờ, dưới biển đâu cũng thấy rác thải là túi nilon. Dẫu nhiều người vẫn biết rằng, sử dụng túi nilon là gây tác hại đến môi trường, nhưng thực tế là họ vẫn sử dụng túi nilon, vì tiện.
Từ những năm 2012, Việt Nam đã áp dụng tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số loại túi nilon. Thế nhưng, túi nilon vẫn hiện diện khắp mọi nơi. Chỉ tính riêng tại thành phố Nha Trang, Công ty Môi trường đô thị thu gom khoảng hơn 500 tấn rác/ngày, trong đó, rác thải nilon chiếm một lượng không hề nhỏ. Trong khi, quy trình xử lý rác thải hiện nay chỉ mới dừng ở việc chôn lấp, sử dụng các chế phẩm chất lượng cao nhằm hỗ trợ quá trình phân hủy chứ chưa có công nghệ nào tái chế, xử lý, triệt để rác thải nilon. Điều này có nghĩa, khối lượng rác thải nilon được chôn lấp mỗi ngày sẽ tồn tại đến nhiều năm sau, tạo hệ luỵ lâu dài cho môi trường sống.
Theo các nhà khoa học trong nước, một chiếc túi nilon, nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất và cần 1 giây để vứt bỏ, song để phân hủy thì cần từ 500-1.000 năm. Gần 1/3 số túi nilon mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý, và hậu quả là rác thải nhựa và nilon phát sinh không ngừng, có mặt ở khắp nơi, gây ra thảm họa mà các nhà khoa học gọi là “ô nhiễm trắng”.
Là một người đã từng vượt gần 7.000 km chụp lại hơn 3.000 bức ảnh về rác thải tại các địa điểm du lịch trong nước, nhiếp ảnh gia nổi tiếng Lekima Hùng (tên thật là Nguyễn Việt Hùng, 44 tuổi) chia sẻ, ô nhiễm rác thải tại các địa điểm du lịch ở nước ta đang trong tình trạng báo động. "Trên đường đi, tôi rất ngỡ ngàng khi thấy hàng kilomet rác thải tại các địa điểm du lịch nổi tiếng như đảo Bình Ba, Nam Du, Phú Quốc, Côn Đảo… trong đó chủ yếu là rác thải nhựa, túi nilon".
Anh kể, đảo Nam Du - nơi được ví là thiên đường du lịch của vùng biển Tây Nam nhưng ngập trong rác. Đảo ngọc Phú Quốc - nơi sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, trong lành nay chỉ còn trong ký ức bởi những “núi rác” tầng tầng lớp lớp đang dần lấn biển, lấn đảo. Hòn Phụ Tử - nơi được xem là biểu tượng cho cảnh đẹp Kiên Giang và được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia vào năm 1989 cũng không khác những địa danh trên là mấy. Qua cửa soát vé của khu di tích chùa Hang - Hòn Phụ Tử, cảnh tượng rác thải bủa vây khiến nhiếp ảnh gia Lekima Hùng thật sự rất sốc.
Cùng với việc phát triển du lịch, rác thải đang là thách thức với nhiều địa phương nổi tiếng ở Việt Nam. Chính sự thiếu ý thức của con người đã biến những điểm du lịch tuyệt đẹp trở thành “điểm đen” về môi trường. Việt Nam đang phải đối mặt nhãn tiền với nguy cơ “ô nhiễm trắng” trong tương lai gần nếu không có những hành động thiết thực và khẩn trương để bảo vệ môi trường.
Dịch COVID-19 đang khiến ngành công nghiệp du lịch ở Việt Nam lẫn toàn cầu chững lại. Nhưng chính trong khoảng lặng này, những người làm du lịch và khách du lịch có thêm thời gian để nhìn nhận, suy ngẫm về những tác động môi trường nghiêm trọng do du lịch gây ra, nhất là vấn đề rác thải.
Không chỉ ở Việt Nam, số liệu thống kê của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc cho thấy, có khoảng 8 triệu tấn nhựa thải đi vào lòng đại dương mỗi năm, tương đương mỗi phút thải ra một xe chở rác nhựa với khối lượng lớn từ Châu Á, trong đó có Việt Nam. Với tốc độ này, dự báo đến năm 2050, các vùng biển sẽ chứa nhiều rác thải nhựa hơn cá.
Đơn cử, hai mươi năm trước, quần đảo nhỏ bé Phi Phi của Thái Lan ở biển Andaman thực sự là “thiên đường”, khi nơi đây vẫn là một địa điểm hoang sơ, ngập tràn sinh vật biển, mỗi ngày chỉ vài khách du lịch ghé thăm. Tuy nhiên sau khi được chọn là địa điểm quay của một bộ phim Holywood nổi tiếng, khu du lịch này đã đón tới 5.000 người đến mỗi ngày. Khách du lịch quá đông kéo theo rác thải, hủy hoại môi trường biển buộc chính quyền địa phương phải đóng cửa hoàn toàn Vịnh Maya trong một thời gian để cho rạn san hô xung quanh có cơ hội được phục hồi.
Cách đây ít lâu, một con cá voi mang thai chết và trôi dạt đến khu vực bờ biển tại thị trấn nghỉ dưỡng Porto Cervo, trên đảo Sardinia của Italia. Khi các nhà khoa học và bác sĩ thú y cắt bỏ tử cung và dạ dày của cá voi, họ đã thấy một cảnh tượng kinh hoàng: Nhựa chiếm hơn 2/3 dạ dày của cá voi. Đó không phải là hình ảnh cá biệt tại các địa điểm du lịch biển nổi tiếng từ châu Á đến Địa Trung Hải. Trước đó, một con cá voi đã trôi dạt vào bờ ở phía Đông Indonesia với 6kg rác thải nhựa trong dạ dày bao gồm 115 cốc uống nước, chai nhựa…
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, hiện mỗi năm có khoảng 1,4 tỷ lượt khách du lịch quốc tế, trong khi con số này vào năm 1950 chỉ là 25 triệu khách. Du lịch mang lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương như tạo thu nhập, việc làm, đồng thời giúp bảo tồn và tôn tạo các di tích... Tuy nhiên ngành “công nghiệp không khói” này cũng tạo ra “bài toán” xử lý rác thải làm đau đầu các chính quyền địa phương. Cả Việt Nam và các nước nằm sát biển đang phải đối mặt với những nguy cơ trầm trọng và hậu quả khó lường vì ô nhiễm rác thải nhựa.
Số liệu thống kê của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc cho thấy, có khoảng 8 triệu tấn nhựa thải đi vào lòng đại dương mỗi năm, tương đương mỗi phút thải ra một xe chở rác nhựa với khối lượng lớn từ Châu Á, trong đó có Việt Nam. Với tốc độ này, dự báo đến năm 2050, các vùng biển sẽ chứa nhiều rác thải nhựa hơn cá.
(Còn nữa)