Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đặt ra mục tiêu đến 2025 “Sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy”.
_____________________
Mặc dù vấn đề ô nhiễm nhựa không mới, nhưng trên thực tế vẫn tồn tại khoảng cách quá lớn giữa kiến thức và hành động. Với những quốc gia còn quá nhiều người vẫn còn hờ hững với những lời kêu gọi bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa như Việt Nam thì câu chuyện giảm túi nilon, giảm vứt rác bừa bãi không phải một sớm một chiều. Chưa kể, Việt Nam không có quy trình xử lý rác hiện đại như Mỹ hay Singapore nên những bãi rác khổng lồ không thể xử lý triệt để, núi này vừa dọn, núi khác lại hình thành.
Ông Phùng Quang Thắng, đại diện Hiệp hội Lữ hành Việt Nam chỉ ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn đang đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà quên đi trách nhiệm với môi trường và các sản phẩm du lịch.
Từ cuối năm 2019 đến đầu 2020, một số chủ nhà cổ ở làng Đương Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) đã bắt đầu hạn chế dùng đồ nhựa, khuyên khách du lịch hạn chế sử dụng túi nilon và các đồ nhựa dùng một lần. Bất cứ đoàn khách du lịch nào, công ty lữ hành nào đặt chân đến xã sẽ được tuyên truyền để chung tay cùng xã thực hiện tốt kế hoạch đề ra. Chương trình “Chiến dịch xanh” tại xã Đường Lâm là một phần trong kế hoạch hưởng ứng hướng dẫn của Sở Du lịch Hà Nội về việc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần tại các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Nhiều khách quốc tế khi đến Việt Nam chia sẻ người Việt có thói quen sử dụng túi nilon. Một số điểm du lịch tại Việt Nam rất nhiều rác, ví dụ như ở Hạ Long, Cát Bà. “Tổng cục Du lịch đã tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản hướng dẫn việc bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần” - ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.
Đứng dưới góc độ của người làm lữ hành, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam bày tỏ quan điểm, hiện nay nhiều doanh nghiệp dịch vụ, du lịch vẫn đang đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà quên đi trách nhiệm với môi trường và các sản phẩm du lịch.“Hơn 3.000 km đường biển của Việt Nam và hàng loạt khu du lịch đang ở trong tình trạng ô nhiễm nặng nề khiến sức hấp dẫn của những điểm đến này giảm dần trong mắt du khách. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch bởi tất cả các đơn vị lữ hành sống dựa vào những điểm đến.
Tín hiệu đáng mừng là nhiều công ty du lịch đã biết nâng cao nhận thức, muốn được kết nối cộng đồng để hướng đến một tương lai không rác thải nhựa.
Các Sở Du lịch các tỉnh thành như Hà Nội, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế … đã quyết tâm vào cuộc trước vấn nạn rác thải nhựa đang “đè nặng” các điểm du lịch. Nhiều Sở có hướng dẫn các các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn nghiêm túc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch… ngoài việc sử dụng chọn lọc và ưu tiên đặt mua sản phẩm có dán nhãn thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng bao bì hữu cơ, bao bì phân hủy, bao bì sử dụng nhiều lần phải chú trọng ứng dụng công nghệ quản lý du lịch theo hướng bền vững; phải quan tâm việc áp dụng các tiêu chí chứng nhận nhãn du lịch bền vững, tiêu chí khách sạn xanh, nhãn tiết kiệm năng lượng... tại cơ sở của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, nhựa đang chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao gói, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên theo thời gian. Trong khi đó chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa được thu gom chủ yếu bởi những người nhặt rác (ve chai, đồng nát), và tái chế bởi các doanh nghiệp nhỏ. Rác thải nhựa làm tăng phát thải khí nhà kính, thúc đẩy gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, đe dọa sự tồn tại của các sinh vật biển, tăng tốc độ suy thoái của các quần thể san hô và ảnh hưởng đến hệ thống vi sinh vật đại dương. Đặc biệt, hạt vi nhựa phân rã ra tự nhiên có mặt trong nước, hải sản, không khí và có thể hấp thụ vào cơ thể con người qua đường ăn uống, hô hấp, để lại những tác hại tiềm ẩn khó lường đối với sức khỏe.
Biển Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế và sức khoẻ con người, trong đó ô nhiễm rác thải nhựa chiếm tỷ lệ lớn.
Mục tiêu của Việt Nam là sẽ ban hành cơ chế chính sách buộc các doanh nghiệp sản xuất các rác thải nhựa phải có trách nhiệm thu gom, tái chế những sản phẩm này.
Để cứu biển, ngoài chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn, Việt Nam cũng đang thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân hủy kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt; các chính sách thuế đối với việc sử dụng túi nilon. Mục tiêu của Việt Nam là sẽ ban hành cơ chế chính sách buộc các doanh nghiệp sản xuất các rác thải nhựa phải có trách nhiệm thu gom, tái chế những sản phẩm này.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Nước ta đã thể hiện quan điểm tiên phong trong khu vực đối với giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, chủ động, tích cực tham gia, đề xuất hình thành các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Theo đó, Quyết định số 1407/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 về việc phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương có quan điểm xuyên suốt, thực hiện chủ trương, đường lối và định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; tiên phong trong khu vực trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; góp phần xây dựng, thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả.
Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho biết, với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương, cho thấy quan điểm chung của Việt Nam trong quá trình thảo luận là các thách thức của rác thải nhựa đại dương là vấn đề toàn cầu nên đòi hỏi cách tiếp cận và giải pháp ở quy mô toàn cầu, nhưng phải phù hợp với các ưu tiên của khu vực ASEAN và Việt Nam.