Dạy trẻ tự kỷ cần một trái tim

Dạy trẻ tự kỷ cần một trái tim

Với cô giáo Chu Thị Chung Thủy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục kỹ năng và hướng nghiệp Hà Nội (thuộc Hội Tâm lý Trị liệu Việt Nam), người lúc nào cũng nặng lòng với công tác hỗ trợ và hướng nghiệp cho trẻ đặc biệt, thế giới của trẻ tự kỷ rất đa sắc, muốn bước được vào và dạy chúng những kĩ năng thành thục thì giáo viên phải có tâm và có phương pháp.

___________

Dạy trẻ tự kỷ cần một trái tim ảnh 1

Buổi sáng thứ Hai bắt đầu một tuần làm việc hứng khởi, thoáng nhìn cậu bé Vũ nắn nót từng nét vẽ, cô giáo Chu Thị Chung Thủy tự dưng hạnh phúc đến ứa nước mắt. Cô nhớ rõ, 4 năm trước, khi bước vào Trung tâm Giáo dục kỹ năng và hướng nghiệp Hà Nội, Vũ còn lơ ngơ cho bút màu vào miệng cắn nát. Ánh mắt cậu bé vô định, không cảm xúc, hành vi bột phát và khó kiểm soát.

Rồi trải qua bao kiên trì mệt mỏi, thậm chí có lúc cô trò như “đánh vật” với nhau, Vũ đã bắt đầu phát huy sở trường thiên bẩm. Cậu bé có những nét vẽ chỉn chu, bố cục rõ ràng, màu sắc hài hòa mà bất cứ ai từng chiêm ngưỡng cũng khó nhận ra đó là tranh của một em bé tự kỷ.

Dạy trẻ tự kỷ cần một trái tim ảnh 2

Cô giáo Thủy kể: “Đến nay Vũ đã học hết lớp 9, cậu bé lóng ngóng hồi nào giờ đã thi đỗ trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, cậu có nhiều tranh đi triển lãm, có tranh bán được vài triệu đồng một bức. Thậm chí, Vũ có thể học hàng giờ với cô giáo hội họa qua mạng internet hồi dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Con đã dần ổn định với con đường mà mình đã chọn”.

Cô bé Trang ở quận Hà Đông cũng đã cùng cô giáo Thủy vượt qua bao ngày ròng rã từ xa lạ đến kết thân, rồi hiểu nhau, qua năm tháng, cô bé dần trở thành một đứa trẻ “hiểu chuyện”. Trang ở nhà với mẹ rất hay bùng nổ cảm xúc và cực kỳ bướng bỉnh, nhưng sau một thời gian được các cô giáo ở Trung tâm “cảm hóa”, cô bé đã biết tiết chế cảm xúc, lành tính hơn và gặp người lạ không ngại ngần nói “vâng dạ” ngoan ngoãn như một đứa trẻ bình thường.

Theo cô giáo Thủy, mỗi đứa trẻ tự kỷ có thế giới nội tâm riêng, tư duy riêng, cuộc sống qua lăng kính của chúng cũng có màu sắc rất riêng, đó cũng là điểm mạnh của các con. Cô giáo phải là người biết khơi lên được điểm mạnh của trẻ, hạn chế những điểm tiêu cực trong từng cá nhân trẻ tự kỉ để chúng cân bằng cảm xúc và theo đuổi sở thích.

“Cô giáo dạy trẻ đặc biệt có thể không tốt nghiệp từ khoa giáo dục đặc biệt, có người học tâm lý, có người tốt nghiệp ngành công tác xã hội... nhưng tất cả đều có thể làm giáo viên dạy trẻ tự kỷ nếu có tâm, thực sự yêu trẻ và yêu thích công việc. Cô phải dành hết sự quan tâm, chú trọng, tâm tư tình cảm vào công việc, đặc biệt phải có phương pháp dạy con phù hợp với từng cá nhân. Hết sức hiểu đặc điểm trẻ để có phương pháp phù hợp. Có em nhạy cảm với tiếng ồn, có em sợ tiếp xúc với người lạ, không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào...”, cô Thủy nói.

Dạy trẻ tự kỷ cần một trái tim ảnh 3

Cô Thủy kể, có khi 6 tháng trời con không có chút tiến bộ nào, nhiều lúc cô thấy oải quá, mệt quá, nhưng bất ngờ sang tháng thứ bảy, con lại cầm kéo cắt vải lành nghề, hoặc con đếm được 10 chiếc bao lì xì để vào từng tệp nhỏ cho cô… Từng hành động nhỏ làm cô chảy nước mắt. Những niềm vui nhỏ bé ấy của giáo viên đặc biệt, không phải giáo viên nào cũng có cơ hội trải nghiệm.

Ở Trung tâm này, trẻ tự kỷ được học kĩ năng nhặt rau, nấu cơm, tự đi chợ trả tiền, được khuyến khích vận động thể thao để giải tỏa năng lượng trong cơ thể. Chúng biết khâu nơ, khâu chun, đóng giấy vụn thành quyển sổ vuông vức có bìa bọc vải thơm phức, chúng có thể tự tin đi bán đồ handmade, đi “ship hàng” bằng xe đạp... Có những lúc, cô giáo Thủy đứng thật lâu nhìn theo dáng các con đi chợ, đó là những giây phút cô hạnh phúc ngắm nghía thành quả của mình sau bao nỗ lực không mệt mỏi. Với cô Thủy, việc đơn giản của trẻ bình thường là thành công vĩ đại của một đứa trẻ tự kỷ.

Dạy trẻ tự kỷ cần một trái tim ảnh 4

Giờ đã chạm ngưỡng 40 tuổi, nhưng từ cái thời thanh xuân nhiệt huyết 20 tuổi, cô giáo Thủy đã bắt đầu “mon men” bước chân vào nghề dạy trẻ đặc biệt.

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Trung ương, cô giáo Thủy lại rẽ lối vào thế giới của những đứa trẻ đặc biệt. Ngày ra trường, nhân lúc chờ cơ hội học thêm một năm để nhận bằng đại học, chị đăng kí học Tin học ở Trường Trung cấp nghề đồng hồ - điện tử - tin học ở phố Hàng Bông. Những ngày theo học, chị vô tình đọc được tin tuyển dụng của Trung tâm dạy trẻ Sao Mai – một địa chỉ chuyên dạy trẻ tự kỷ. Tròn 20 tuổi, chị mạnh dạn đầu quân vào Trung tâm để học hỏi kinh nghiệm.

Học sinh đầu tiên trong đời cô giáo Thủy là một cậu bé bị đao, lưỡi lúc nào cũng thè ra, sùi nước bọt, con còn bị bại não, chân tay cử động khó, cộng thêm tăng động giảm tập trung, cô giáo phải để mắt liên tục để giữ con không lao vào tường, không tự làm đau mình... “Sau một ngày đầu tiên dạy trẻ, tôi về không thể ăn nổi cơm, thậm chí đêm ngủ cũng mơ đến cậu bé...”, cô giáo Thủy nhớ lại.

Dạy trẻ tự kỷ cần một trái tim ảnh 5

Có giáo viên sau khi làm một ngày đã... bỏ chạy, nhưng cô Thủy thì không. Ngày thứ hai bước đi làm, cô chỉ nghĩ đơn giản, nuôi một đứa trẻ bình thường đã vất vả, nuôi trẻ đặc biệt còn vất vả đến chừng nào? Giáo viên không giúp gia đình họ thì ai sẽ giúp?

Trung tâm dạy trẻ Sao Mai lúc đó mở ra chỉ nhằm mục đích từ thiện, là địa chỉ của các bác sĩ về hưu, giáo viên về hưu... để hỗ trợ trẻ tự kỉ thay đổi hành vi, sinh hoạt bình thường. Lương giáo viên của cô giáo Thủy những năm 1998-1999 chỉ vỏn vẹn 300 ngàn đồng/tháng, so với mức lương dạy ở các trường tư thục bấy giờ khoảng 500-700 ngàn đồng/tháng, không phải chị ở lại vì lương cao. Chị đi làm chỉ bởi thấy rất thương lũ trẻ mà nhiều người lại sợ chúng.

Rồi cứ thế, cô Thủy có duyên đi học khóa học của các chuyên gia ở Trung tâm Giáo dục đặc biệt, ngành giáo dục đặc biệt, chuyên ngành chậm phát triển trí tuệ, may mắn được các thầy cô chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm và phương pháp dạy trẻ đặc biệt. “Càng học càng say, tôi được khám phá một thế giới mới về trẻ em, tôi hiểu ra là phải có phương pháp, không thể chỉ dạy trẻ bằng tình thương. Có kỹ năng sư phạm mới có thể giúp các con tiến bộ”, cô giáo Thủy chia sẻ.

Dạy trẻ tự kỷ cần một trái tim ảnh 6

Chục năm trong nghề, đã có lúc cô giáo Thủy sang ngang làm dự án cho một tổ chức phi chính phủ, rồi làm giáo viên mầm non bình thường, nhưng tất cả vẫn đưa chị về với trẻ tự kỷ. Trong các dự án phi Chính phủ, chị phụ trách mảng hỗ trợ, giúp đỡ các trẻ em bị xâm hại, mà đối tượng bị xâm hại nhiều nhất là trẻ đặc biệt, trẻ tự kỷ.

Trong tâm trí cô Thủy, “tôi bị thôi thúc phải giúp trẻ đặc biệt thật nhiều, dù kết quả dạy dỗ một đứa trẻ tự kỷ không không bao giờ nhìn thấy ngay trong một sớm một chiều Có khi là vài tháng, vài năm. Nhưng phải giúp chúng hòa nhập cộng đồng, tự lao động kiếm tiền, tự nuôi sống bản thân, có thể là bán tranh, nấu ăn, làm chun buộc tóc, làm sổ sách hay gõ đánh máy thuê...”.

Điều mong ước lớn nhất của cô giáo Thủy là trẻ tự kỷ được công nhận là người lao động đích thực, được đóng bảo hiểm, có một khoản lương hưu khi về già để giảm gánh nặng cho gia đình. Là Giám đốc Trung tâm Giáo dục kỹ năng và hướng nghiệp Hà Nội, cô Thủy đang ấp ủ thực hiện ước mơ ấy. Trên thực tế, Luật Người khuyết tật ra đời năm 2010 là bước tiến quan trọng hướng tới hoàn thiện luật pháp, không còn rào cản đối với người tự kỷ. Tuy nhiên, Trong Luật Người khuyết tật, tự kỷ chưa được xếp cụ thể là dạng khuyết tật nào, cũng chưa có văn bản pháp lý nào cho thấy người tự kỷ là người khuyết tật để được hưởng bảo hiểm y tế, trợ cấp, đào tạo nghề… Nhưng cô Thủy luôn kiên trì theo đuổi ước mơ và hi vọng sẽ biến ước mơ thành hiện thực.

Bài: Việt Đan

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An có vẻ đẹp cảnh quan là các cánh đồng lúa; vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình xem xét không thực hiện việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang đất khu đô thị để tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên tạo nên giá trị của di sản.
Yêu cầu tỉnh Ninh Bình không làm ảnh hưởng xấu tới Di sản Tràng An
(Ngày Nay) - Liên quan đến đề xuất “xén” một phần cảnh quan thuộc vùng đệm Di sản Quần thể Danh thắng Tràng An để thực hiện dự án Khu Đô thị Ninh Thắng I của UBND tỉnh Ninh Bình; mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những ý kiến cụ thể, trong đó yêu cầu: không thực hiện chuyển đổi đất nhằm tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên tạo nên giá trị của di sản.
Lịch sử của linh vật Olympic
Lịch sử của linh vật Olympic
(Ngày Nay) - Trong vòng hơn 50 năm, các vận động viên thi đấu tại Thế vận hội Olympic thường được cổ vũ bởi những linh vật độc đáo và ngộ nghĩnh.
Mối nguy hại tiềm tàng của mực xăm chứa vi khuẩn
Mối nguy hại tiềm tàng của mực xăm chứa vi khuẩn
(Ngày Nay) - Theo nghiên cứu mới của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), mực xăm hình và mực phun xăm thẩm mỹ được được đóng bao bì kín, trong đó có cả những loại được đánh dấu vô trùng, chứa hàng triệu vi khuẩn có nguy cơ gây bệnh.
UNESCO đồng ý đề xuất bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
UNESCO đồng ý đề xuất bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
(Ngày Nay) - Ngày 24/7, tại Trung tâm Hội nghị Bharat Mandapam ở Thủ đô New Delhi (Ấn Độ), trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 46, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Vishal V. Sharma đã thông qua Quyết định số 46 COM 7B.43, chính thức đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Chiều 27/8/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chuyến thăm, làm việc tại Hà Giang nhằm kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cán bộ, nhân viên lực lượng liên ngành Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Ảnh tư liệu: Trí Dũng
Thực hiện lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nơi cực Bắc thân yêu của Tổ quốc
(Ngày Nay) - Lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” đã trở thành kim chỉ nam để mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực công tác, ra sức giữ gìn, bảo vệ uy tín, sức mạnh của Đảng, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân...