Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu bổ sung vào danh mục nghề nặng nhọc đối với giáo viên bậc học mầm non và giáo viên dạy môn giáo dục thể chất.
Về đề nghị này, Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, rà soát, xây dựng Thông tư hướng dẫn xác định danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thay thế Công văn 2753/LĐTBXH-BHLĐ ngày 01/8/1995; trong đó hướng dẫn cụ thể trường hợp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất.
Theo quy định chung, độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên cũng như người công tác trong ngành giáo dục tăng.
Cụ thể, theo điều 169 Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.
Trong khi đó, theo khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, lao động nam và lao động nữ có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với người lao động làm việc ở điều kiện bình thường theo Bộ luật Lao động 2019 và Luật BHXH 2014.
Như vậy, nếu đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được thông qua, giáo viên bậc mầm non, giáo viên bộ môn giáo dục thể chất có thể nghỉ hưu sớm đến 5 năm.