Sống bên miệng “hà bá”
Sáng tinh mơ, bà Sỹ (Sai Nga, Cẩm Khê, Phú Thọ) thức dậy từ sớm. Cho đứa cháu nội ăn xong bữa sáng, bà tất tả về nhà cọ rửa đồ đạc. Trận mưa từ tuần trước đã khiến căn nhà lợp mái ngói của vợ chồng bà chìm nghỉm trong nước, đồ đạc bết bùn, cây dại cỏ rêu mọc tùm lum. Căn nhà nền đất sau trận mưa to vẫn chưa khô ráo trở lại, trơn trượt và sộc lên mùi tanh khó chịu. Đơi cả tuần cho nền đất bớt trơn, bà mới bước vào nhà thu dọn. Mấy mẹ con bà gánh bao nhiêu gánh bùn ra khỏi nhà mà chưa thấm tháp gì. Một vách tường gỗ trong gian buồng ngủ của bà bị xô lệch đang đợi sửa. Bao năm nay cái tưởng gỗ dã mục, giờ nước sông đập vào là… nghiêng ngả.
Ngay phía sau nhà bà Sỹ là sông Hồng chảy qua. Từ ngày chồng mất, các con lấy vợ gả chồng, bà ở một mình hương khói tổ tiên. Cậu con trai cả ở gần bà nhất, ngay trên đê trước mặt nhà bà. Bao lần con trai thuyết phục bà Sỹ lên ở cùng nhưng bà bảo, chỉ cách vài bước chân, bà cứ ở một mình cho thoải mái. Một mình bà với mảnh vườn con con, căn nhà lọt thỏm bên rìa sông Hồng.
Căn nhà tềnh toàng chừng 30 m2 vẫn giữ nguyên nền đất từ ngày xưa, cửa gỗ xỉn màu. Đến mùa nước dâng cao, khoảng sân nhà bà thỉnh thoảng vẫn ngập trong nước. Nước phù sa khiến góc sân quanh năm được tô màu đỏ sẫm. Nhưng tuần trước thì khác. Nước không mấp mé ngoài sân mà ùa vào nhà, nhanh như đợt lũ lịch sử hồi những năm 70.
Ngay phía sau nhà bà Sỹ là sông Hồng chảy qua. Từ ngày chồng mất, các con lấy vợ gả chồng, bà ở một mình hương khói tổ tiên. Cậu con trai cả ở gần bà nhất, ngay trên đê trước mặt nhà bà. Bao lần con trai thuyết phục bà Sỹ lên ở cùng nhưng bà bảo, chỉ cách vài bước chân, bà cứ ở một mình cho thoải mái. Một mình bà với mảnh vườn con con, căn nhà lọt thỏm bên rìa sông Hồng.
“Hồi lũ năm 71, tôi phải cõng mấy đứa con chạy lên đê, vừa chạy vừa đảo mắt xem còn thiếu đứa nào. 5 đứa con sợ hãi vừa khóc vừa chạy. Nước lên nhanh khiến đoạn đê đầu xã còn bị vỡ. Từ đó đến nay, chẳng có đợt lũ nào dữ dằn như thế” – bà Sỹ kể.
Vậy mà hôm 20/7, trận mưa to khiến nước sông tràn vào nhà chỉ trong tích tắc. “Loáng cái nước đã ngập đến ngực. Nước lên nhanh lắm, lên mép giường, rồi chìm bộ bàn ghế. Tôi hốt hoảng ra ngoài, chạy lên nhà con trai. Cảm giác sợ hãi ngày xưa lại dội về”- bà Sỹ kể. Những gia đình hàng xóm ở khu vực thấp như bà Sỹ đêm hôm ấy đều hối hả vùng chạy, bỏ của chạy lấy người. Giờ lại cặm cụi xới lại mảnh đất phù sa ven sông. Nước bắt đầu rút khỏi ruộng. Họ ra cuốc đất ngăn cho nước đừng cuốn hết rau đi…
Không may mắn chạy kịp lên đê như bà Sỹ, ông bà Khoái (xã Thục Luyện, Thanh Sơn, Phú Thọ) bất lực leo lên mái nhà, “cố thủ” trên mái đợi thuyền thúng của dân xóm khác qua cứu giúp. Trước nhà ông Khoái là sông Bứa, nước lên nhanh chẳng biết chạy đi đâu, ông bà trèo vội lên mái, gió lạnh từ sông thổi vào khiến cả hai co ro đến sáng. Chưa bao giờ cảnh tượng xóm Bình Dân trước mắt ông khủng khiếp đến thế. Gà lợn trôi theo nước, ô tô của một hai nhà hàng xóm chỉm nghỉm trong nước, tiếng trẻ con sợ hãi khóc ré lên. Mấy ngọn cây lâu năm cũng chấp chới như những bàn tay vô vọng giữa dòng nước dữ. Cả hai ông bà chỉ kịp chạy lấy người, dép không kịp xỏ vì nước đã mấp mé ngập qua đầu người.
Đêm ấy, chỉ khoảng 30 phút nước đã cao gần 2 m, rồi dềnh lên 3 m. Cầu Khánh trên Quốc lộ 2 dẫn vào thị trấn Thanh Sơn có đoạn ngập sâu hơn 2 m. Mưa to gây ngập úng, chia cắt thị trấn Thanh Sơn và nhiều xã khác.
Nước lên nhanh và rút cũng nhanh. Nhưng sau 1 tuần lũ quét qua, bùn vẫn cao đến đầu gối ông. Quãng đường dẫn vào nhà ngập bùn lầy dài đến 200 m. Ông bà Khoái vẫn “lánh nạn” ở nhà con gái, tài sản đã mất trắng, 3 thế hệ gần chục người sum vầy bên nhau. Chưa biết bao giờ ông được trở về nhà, dù ngoài sân, nắng đã hấp hé, lũ đã lùi xa cả chục ngày.
Tan hoang sau lũ
Khoảng không rộng lớn ở bãi rau sau nhà bà Sỹ còn xâm xấp nước, hiện rõ sự tàn phá ghê gớm của nước sông khi “nổi giận”. Cả vùng nước trắng gợi lên sự thất bát, mất mùa ám ảnh với người nông dân. Mùa lũ đi qua trả lại cuộc sống thường ngày cho người dân với bao lo toan, mệt mỏi. Bà Sỹ bảo, nhà chẳng có gì giá trị, nhưng mỗi khi lũ qua, cuôc sống đảo lộn hết thảy. “Sống cạnh sông, chẳng ai là không biết bơi. Trẻ con lên bảy đã biết bơi sông. Ðàn bà và trẻ em ai cũng biết bơi cả, nhưng rồi vẫn bao người bỏ mạng theo dòng nước” – bà bảo.
Đến hôm nay, những tuyến đường huyết mạch về thị trấn Thanh Sơn, Phú Thọ vẫn còn nhớp nháp bùn đất, xóm làng xác xơ, cuộc sống người dân rơi vào khó khăn. Ai cũng bảo, trong nhiều năm qua, đây là lần đầu tiên trên địa bàn huyện có hiện tượng ngập úng nghiêm trọng đến thế, nhiều gia đình trở tay không kịp.
Những vùng lân cận cũng chẳng thoát khỏi miệng “hà bá”. Tại xã Văn Luông (Tân Sơn, Phú Thọ), nước sông dâng cao khiến cây cầu Văn Luông bị sập một nhịp chân cầu. Toàn bộ phần đất, đường nhựa ở mố cầu đã bị nước lũ cuốn phăng. Tại xã Quang Húc (Tam Nông, Phú Thọ), nhiều tiểu thương sợ hãi, bỏ chạy tán loạn khi lũ bất ngờ đổ về cuốn phăng hàng hóa, khu chợ cũng bị “cào sạch” theo nước. Xã Tứ Mỹ, huyện Tam Nông, đoạn giáp ranh với huyện Cẩm Khê, lũ đổ về bất ngờ khiến người dân không kịp trở tay, gà lợn chết hàng loạt...
Sau cơn lũ, bà con chia sẻ cho nhau từng gói mì tôm, bát cơm, hạt gạo… Trên gương mặt những người nông dân vẫn còn hiện rõ nỗi buồn. Bao nhiêu công lao “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” bỗng chốc cuốn theo dòng nước.
Lũ qua đi, ngày nắng lại về trên miền quê nghèo, nhưng ngấn lũ còn hằn sâu trong tâm thức bao người.
“Trông trời, trông đất, trông mây…”
Không nhiều lũ như rốn lũ miền Trung, nhưng những phận người sống cạnh sông ở đồng bằng Bắc Bộ đã không ít lần vật lộn với hà bá để bám quê mưu sinh. Không chỉ Phú Thọ, người dân Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Hòa Bình... cũng hứng chịu mưa lớn khiến nhiều khu vực bị ngập nặng, giao thông tê liệt.
Là người vùng lũ đã bao năm, bà Sỹ bảo, đã xác định phải sống chung với lũ, nhưng mỗi khi cơn thịnh nộ thiên nhiên quét qua, nhìn mảnh vườn những lớp bùn non, lá cây bám một màu đỏ rực phù sa vẫn luôn thấy đắng miệng. “Tháng 7 thường là thời điểm chính mùa mưa ở Bắc Bộ…” - bà nói.
Những ngày này, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương vẫn liên tục phát các bản tin cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và Hòa Bình, nhiều nông dân Phú Thọ vẫn thấp thỏm lo lắng.
Đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong tháng 8 này, mưa lớn lại là thời tiết chủ đạo ở Bắc bộ. Khả năng sẽ có 2 cơn bão mạnh hoạt động trên Biển Đông.
“Tháng 8 tiếp tục là thời kỳ chính của mùa mưa, và đây cũng được nhận định là tháng mưa nhiều nhất trong năm ở Bắc bộ. Do đó, xuất hiện nhiều đợt mưa rào, mưa to nguy cơ cao gây ra lũ lụt, sạt lở đất đá ở vùng núi, và ngập úng ở vùng đồng bằng và đô thị” – ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn chia sẻ. Đáng báo động, mực nước sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục trong thời kỳ cao, và trong tháng này sẽ đạt mực nước cao nhất trong năm. Dự báo từ nay đến cuối năm 2018 có khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, trong số đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Mưa vẫn rình rập, đồng nghĩa với việc người dân sống cạnh “hà bá” vẫn chưa thể thoát khỏi nỗi ám ảnh về mưa lũ.
Lũ tới lại đè lên đôi vai người dân ba nỗi buồn: mùa màng thất bát; đường sá, nhà cửa hỏng nặng; ô nhiễm môi trường trầm trọng. Thiên tai dường như mỗi ngày một dữ tợn hơn, trong khi hàng ngàn nông dân phải phải trông trời trông đất trông mưa…
Không may mắn chạy kịp lên đê như bà Sỹ, ông bà Khoái (xã Thục Luyện, Thanh Sơn, Phú Thọ) bất lực leo lên mái nhà, “cố thủ” trên mái đợi thuyền thúng của dân xóm khác qua cứu giúp. Trước nhà ông Khoái là sông Bứa, nước lên nhanh chẳng biết chạy đi đâu, ông bà trèo vội lên mái, gió lạnh từ sông thổi vào khiến cả hai co ro đến sáng. Chưa bao giờ cảnh tượng xóm Bình Dân trước mắt ông khủng khiếp đến thế. Gà lợn trôi theo nước...