Phim ma/kinh dị đang tràn ngập thị trường phim Việt Nam như một trào lưu mới. Dòng phim hài của những ngày làm mưa làm gió các rạp chiếu bắt đầu kém dần uy thế.
Kịch bản cũ nhàm, diễn viên hài mải miết chạy sô truyền hình, chiêu trò gây cười bế tắc… khiến phim hài giảm dần sự hấp dẫn. Nhiều nhà sản xuất quay sang các dự án phim ma/kinh dị như một mảnh đất đầu tư màu mỡ mới.
Năm 2016 chứng kiến loạt phim ma/kinh dị Việt ra rạp, có thể kể đến Ma nữ báo thù, Mặt nạ máu, Bệnh viện ma, Phim trường ma, Cô hầu gái... Tuy nhiên, theo nguồn tin của Zing, các dự án ma/kinh dị Việt đều thảm bại về doanh thu. Điều đó tất nhiên là có lý do.
Cú đột phá về mặt doanh thu của dòng phim kinh dị ở thị trường phim Việt năm 2016 thuộc về tác phẩm điện ảnh đến từ Hàn Quốc Train to Busan (tựa Việt là Chuyến tàu sinh tử).
Câu chuyện về nước mắt trong phim kinh dị
Phim kinh dị vốn được ví như đồng hồ sinh học đo nỗi sợ hãi của khán giả. Mỗi đạo diễn khi bắt tay vào một dự án phim ma/kinh dị đều phải nghiên cứu kỹ ‘đồng hồ sinh học’ trong kịch bản của mình.
Ở phút nào khán giả phải giật mình, ở giây nào khán giả sẽ hét lên, ở trường đoạn nào khán giả sẽ nín thở… tất cả điều đó, đạo diễn phim ma/kinh dị phải tính toán rất kỹ.
Train to Busan được đánh giá là cú đột phá của dòng phim kinh dị năm 2016. Ảnh: CGV |
Những thế lực siêu nhiên gánh trách nhiệm hù dọa con người cũng được tính toán kỹ. Xác sống, ma, hay các oan hồn xuất hiện trong bối cảnh như thế nào, âm nhạc ra sao, xuất hiện ở giây thứ bao nhiêu… để có được các cú giật mình sợ hãi của khán giả cũng đều nằm trong chủ ý của đạo diễn.
Train to Busan phá vỡ tất cả mọi nguyên tắc và lý thuyết về "đồng hồ sinh học" trong phim kinh dị. Những xác sống (zombie) trong Train to Busan không đóng vai chính và chỉ gánh một phần trách nhiệm hù dọa con người.
Ở tác phẩm của đạo diễn Yeon Sang-ho, zombie chỉ làm nền cho một câu chuyện về tình người, về một xã hội thu nhỏ khốc liệt mà đạo diễn muốn khắc họa. Chính vì thế, khi xem phim khán giả không thấy sợ, mà hầu hết đều bật khóc.
Phim là câu chuyện về loài virus bí ẩn có thể biến con người thành xác sống hung hãn đã biến đoàn tàu đến Busan thành một xã hội thu nhỏ. Trong đó, khi đứng trước hiểm nguy, các nhân vật, mỗi con người đều bộc lộ hết tính cách của mình.
Trước ranh giới của sự sống và cái chết, sự khác biệt giữa người giàu - kẻ nghèo, tình yêu và sự ích kỷ, sự cao thượng và tính hèn nhát… đã đẩy lùi mọi nỗi sợ hãi, và biến mỗi tình tiết phim thành đời sống sinh động, đầy nước mắt.
Nói như đạo diễn Đặng Thái Huyền, “Khi xem Train to Busan, tôi và khán giả có thể nhận thấy thông điệp khốc liệt của bộ phim. Đó là xác sống hay ma không phải là điều đáng sợ nhất".
"Thứ đáng sợ hơn cả mọi thế lực siêu nhiên chính là con người. Chính sự ích kỷ, vô cảm và nhẫn tâm của loài người đối với đồng loại của mình mới là thứ đáng sợ nhất. Thông điệp ấy khiến bộ phim trở nên ám ảnh và xúc động”, chị nhấn mạnh.
Xem Train to Busan, khán giả như đang được chứng kiến xã hội mà mình đang sống. Khi có một biến cố xảy ra, người ta có thể nhìn thấy sự trở mặt, sự thấp hèn, sự vô cảm của những người sống ngay bên cạnh mình, đáng sợ đến mức nào.
Trên chuyến tàu đến Busan ấy, khoảnh khắc khủng khiếp nhất không phải là cảnh các zombie hung hãn và khát máu xuất hiện, mà là khi con người lạnh lùng, tàn nhẫn giết hại lẫn nhau.
Phim ma/ kinh dị Việt cần một cú bứt phá
Trở lại với trào lưu phim ma/kinh dị Việt tràn ngập thị trường phim nội địa năm 2016, có thể thấy lý do của sự thảm bại doanh thu là không khó đoán. Sản xuất ồ ạt, nhưng phim ma/kinh dị Việt không có được lối đi riêng và không thể có được một "đồng hồ sinh học" hợp lý.
Xem phim ma/kinh dị Việt dễ dàng bắt gặp những mô típ cũ rích của thể loại này mà Mỹ, Nhật, Hàn đã sản xuất cách đây hàng mấy chục năm. Vẫn một kiểu dọa khán giả, gây giật mình như thế, vẫn theo cách oan hồn/ma xuất hiệu như thế, vẫn sắp đặt âm nhạc đầy hù dọa như thế…
Phim ma/kinh dị Việt cần một cú bứt phá, cần một 'đồng hồ sinh học' được tính toán kỹ hơn, logic hơn. Ảnh: CGV |
Đạo diễn Đặng Thái Huyền lý giải: “Chúng ta đi sau thế giới bấy nhiêu năm, việc học hỏi là không tránh khỏi. Nhưng tất nhiên, từ việc học hỏi mỗi đạo diễn nên biến những thủ thuật đó thành của mình, theo cách riêng”.
Để biến những điều học hỏi được từ phim ma/kinh dị thế giới thành chất của riêng mình cần rất nhiều đến tài năng của người đạo diễn. Tài năng xưa nay lại luôn là thứ khan hiếm của cả nền điện ảnh Việt.
Trong loạt phim ma/kinh dị Việt ra mắt năm 2016, Bệnh viện ma và Cô hầu gái được đánh giá là hai phim khá nhất, nhưng cách kể chuyện của 2 bộ phim bị chê là bất hợp lý. Những cái kết của các phim ma/kinh dị Việt khi tiết lộ lại thường bẻ gãy toàn bộ logic của nội dung phim.
Đầu tư cho thể loại ma/kinh dị sẽ tốn kém hơn một phim tâm lý tình cảm vì chi phí cho kỹ xảo là khá lớn. Vì thế, nếu cứ mãi quẩn quanh với cách kể cũ, thiếu tính toán và bất hợp lý, việc thu hồi vốn và sinh lãi của thể loại ma/kinh dị Việt sẽ còn là một câu chuyện dài, chưa thể có hồi kết.
Cuối năm 2016, nhiều nhà sản xuất vẫn đang ấp ủ đầu tư cho các dự án phim ma/kinh dị mới để tung ra thị trường năm 2017 (gần nhất là Lời nguyền gia tộc vừa bấm máy ngày 22/11). Thị trường phim 2017 vẫn dành những dấu hỏi để ngỏ về doanh thu cũng như sự thành công của các dự án phim ma/kinh dị Việt.
Lẽ thường, doanh thu phim ma/kinh dị vẫn được đo bằng nỗi sợ hãi, sự ám ảnh mà khán giả truyền tai cho nhau nghe sau khi rời rạp chiếu. Sự sợ hãi đôi khi không chỉ đến từ kỹ xảo hình ảnh, âm thanh ma quái, hình ảnh zombie, ma mãnh đầy máu me mà đến từ chính thông điệp ẩn sau truyện phim.