Diễn ngôn di sản được ủy quyền có luôn gây được áp lực?

Diễn ngôn di sản được ủy quyền có luôn gây được áp lực?

Trong bức tranh di sản đô thị Hà Nội, Hồ Gươm luôn đóng vai trò một phép thử cho cách ứng xử với chính di sản văn hóa của thủ đô Việt Nam và rộng hơn thế là với di sản của đất nước…

________________

Đối với khái niệm di sản, giới nghiên cứu thường viện dẫn các định nghĩa về diễn ngôn do triết gia Michel Foucault đề xuất như một cơ sở để phát triển nghiên cứu chuyên ngành. Trong tác phẩm The Archaeology of Knowledge [Khảo cổ học tri thức] (1972), Foucault đã đưa ra một định nghĩa về diễn ngôn là thứ “tạo thành bởi một nhóm các chuỗi ký hiệu, trong chừng mực chúng là những tuyên bố, nghĩa là, trong chừng mực chúng có thể được ấn định các phương thức tồn tại cụ thể” (tr. 107) và là một tập hợp các “thực hành tạo dựng một cách có hệ thống các đối tượng mà chúng nói đến” (tr. 49). Foucault đưa ra mô hình quan hệ giữa diễn ngôn với quyền lực và tri thức, từ đó di sản là kết quả của mối quan hệ này.

Khía cạnh quan hệ này đã được nhà khảo cổ học Laurajane Smith diễn giải trong bối cảnh thế kỷ 21 khi giới thiệu thuật ngữ “Di sản diễn ngôn được ủy quyền” [Authorized Heritage Discourse] (viết tắt AHD) trong cuốn Uses of Heritage (2006). Theo Smith, “AHD trao đặc quyền cho những di sản vật thể, địa danh, địa điểm và/hoặc danh lam thắng cảnh. Tính mong manh của chúng yêu cầu các thế hệ hiện tại phải quan tâm, bảo vệ và tôn kính những điều này để các thế hệ tương lai có thể kế thừa. Trong khung này, di sản là thứ được ‘tìm thấy’, nó có một giá trị cố hữu, tính xác thực của di sản đó sẽ “nói tới” một nhận thức chung và chia sẻ về ý nghĩa của bản sắc. Cách hiểu về di sản đã vướng vào với các diễn ngôn về quốc gia, quyền công dân và chủ nghĩa dân tộc. Trong AHD, di sản chủ yếu được hiểu là có giá trị và liên kết gần gũi với bản sắc dân tộc hoặc tập thể” (Smith 2015).

Diễn ngôn di sản được ủy quyền có luôn gây được áp lực? ảnh 1

Vậy trong trường hợp hồ Gươm, AHD đã góp phần thế nào cho quá trình tạo ra một đặc quyền cho di sản này?

Sau khi Việt Nam tham gia hệ thống Công ước bảo vệ các di sản văn hóa của UNESCO vào đầu thập niên 1990, đặc biệt khái niệm di sản bắt đầu được cập nhật phổ biến trong xã hội, nhất là khi Quần thể di tích cố đô Huế được ghi danh năm 1993, các mối quan tâm đến bảo tồn các khu phố cổ, Hoàng thành Thăng Long và các cảnh quan như hồ Gươm trở nên nhạy cảm.

Năm 1996, công trình Khách sạn Hà Nội Vàng ở số 8 Lê Thái Tổ, ngay đối diện mặt nước hồ Gươm của Công ty liên doanh Haneco - Gold Dino, có tổng vốn đầu tư trên 6,4 triệu USD, thuộc loại lớn khi đó. Tháng 7/1996 khi đã làm xong móng, xây thô xong tầng hầm và xây sàn tầng 3 thì phải tạm dừng, sau đó các bên liên doanh gặp khó khăn lớn về tài chính. Công ty liên doanh đã giải thể trước thời hạn, toàn bộ công trình và mọi tài sản của công ty hiện thuộc quyền sở hữu của Bảo Việt và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam.

Diễn ngôn di sản được ủy quyền có luôn gây được áp lực? ảnh 2

Trên thực tế, khi công trình bắt đầu được xây, giới kiến trúc sư và những nhà hoạt động văn hóa ở Hà Nội đã phản đối dự án này do lo ngại khối tích và chiều cao 7 tầng quá sát hồ Gươm sẽ làm ảnh hưởng đến cảnh quan của hồ cùng những di tích xung quanh. Sau đó, áp lực của dư luận đã buộc Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt), đơn vị mua lại khu đất để làm trụ sở Tổng công ty, phải “trưng bày 3 phương án thiết kế tòa nhà văn phòng giao dịch của Bảo Việt tại nhà triển lãm Tràng Tiền trong vòng 15 ngày để lấy ý kiến của nhân dân Thủ đô”. Công trình sau đó được thiết kế lùi vào so với trước, tuy vẫn có chiều cao gần như cũ, song được làm nhẹ bớt bằng màu sơn vàng nhạt và hình thức tân cổ điển kiểu Pháp, dễ được công chúng chấp nhận hơn.

Sự kiện tòa nhà Hà Nội Vàng này mở đường cho những đòi hỏi xem xét các công trình xây dựng quan hồ Gươm. Tuy nhiên thực tế các điều khoản đều chỉ kiểm soát được chiều cao và khối tích các công trình ở dọc tuyến phố bao quanh hồ Gươm, trong khi đó các công trình ở các tuyến bên ngoài lại thả nổi. Các tòa nhà cao tầng ở dọc đường Trần Quang Khải như trụ sở các ngân hàng Vietcombank, BIDV hay tòa nhà Tungshing đều cao trên 20 tầng và hiện diện trong mọi bức ảnh chụp hồ Gươm với sự lấn át các công trình di tích đền Ngọc Sơn hay tháp Rùa vốn chỉ có chiều cao khiêm tốn.

Diễn ngôn di sản được ủy quyền có luôn gây được áp lực? ảnh 3

Thập niên 2010, thời điểm trước và sau dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đánh dấu những nỗ lực giải quyết vấn đề giao thông công cộng đô thị ở Hà Nội bằng các dự án đường sắt đô thị với 8 tuyến. Một trong những tuyến quan trọng là tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, có thiết kế đi qua khu vực hồ Gươm. Sự chú ý của truyền thông và dư luận đổ dồn vào phương án tuyến và vị trí ga ngầm C9 nằm ở ngay bờ Hồ Gươm, gần sát cửa đền Ngọc Sơn. Những người ủng hộ cho rằng nhà ga này ngầm nên không ảnh hưởng đến cảnh quan, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách tiếp cận di tích hồ Hoàn Kiếm. Ngược lại, phía phản đối viện dẫn Luật Di sản văn hóa khi cho rằng nhà ga này vi phạm Vùng bảo vệ của di tích hồ Hoàn Kiếm và phá vỡ cảnh quan khi tạo ra một điểm có nguy cơ tập trung quá đông mật độ hành khách. Áp lực từ dư luận khiến các cấp cơ quan gần như ngay lập tức đưa ra ý kiến chỉ đạo với mức cao nhất là Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, UBND thành phố đã trình 3 phương án thiết kế vị trí ga ngầm C9 để Chính phủ xem xét, quyết định:

Ba phương án này gồm: Phương án 1: Nghiên cứu bố trí ga C9 ra ngoài Vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm. Ga ngầm C9 nằm bên dưới đường Đinh Tiên Hoàng phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc và Trụ sở HĐND - UBND thành phố Hà Nội; Phương án 2: Giữ nguyên như phương án ban đầu đã đề xuất phê duyệt từ năm 2017. Ga ngầm C9 nằm ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Bờ hồ Hoàn Kiếm tại phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội và Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, phần chính thân ga và cửa lên xuống số 3 nằm trong Vùng bảo vệ II di tích Hồ Hoàn Kiếm; Phương án 3: Bỏ ga ngầm C9 (hoặc có thể xem xét xây dựng trong tương lai).

Cuối cùng, kết quả phương án 1 được khuyến nghị lựa chọn. Việc thay đổi phương án này có thể dẫn đến việc đội phí xây dựng lên cao khi đường tàu ngầm sẽ phải tạo ra một khúc uốn, do đó chiều dài tăng lên và xử lý kỹ thuật phức tạp hơn, một tiền lệ đã thành một “thông lệ” diễn ra với các dự án đường sắt đô thị trong thời gian qua.

Diễn ngôn di sản được ủy quyền có luôn gây được áp lực? ảnh 4

Câu hỏi đặt ra ở đây là, chính sách di sản trong việc bảo vệ hồ Gươm ở tư cách di tích quốc gia đặc biệt có thực sự thành công không? Về mặt giữ gìn và duy tu cảnh quan hồ Gươm, chính sách có hiệu quả trong việc thụ hưởng diễn ngôn di sản được ủy quyền rằng hồ Gươm là nơi bất khả xâm phạm và cộng đồng có quyền lên tiếng chất vấn những nguy cơ xâm phạm. Tuy nhiên áp lực từ diễn ngôn này cũng dẫn đến những sự cứng nhắc về việc bất cứ hoạt động có tính thị giác hay nghệ thuật quanh hồ Gươm cũng bị đặt dưới những khung quy định chật hẹp, ví dụ một số tác phẩm nghệ thuật sắp đặt hay trang trí cảnh quan bị khống chế về khối tích và thời gian trưng bày. Một số dự án như cột mốc số 0 được UBND quận Hoàn Kiếm và Hội KTSVN tổ chức rầm rộ song cũng không thể triển khai dù đã duyệt từ nhiều năm.

Trong khi đó, những công trình mới tiếp tục được xây lên với khối tích đồ sộ như dự án khách sạn Four Seasons ở số 24-28 Lê Thái Tổ, mang phong cách tân cổ điển khá rườm rà, vượt xa mức cảnh báo của dự án Hà Nội Vàng gần 30 năm trước. Ngoài ra trong lịch sử, những công trình quanh hồ Gươm khiến người Hà Nội không lấy làm tự hào như tòa nhà “Hàm Cá mập” ra đời đầu thập niên 1990 án ngữ quảng trường Đông Kinh nghĩa thục thiếu ăn nhập với các ngôi nhà trong khu phố cổ liền kề phía Bắc hồ. Nhìn rộng ra xa, những công trình cao tầng vẫn tiếp tục mọc lên với chiều cao vượt hơn 7 tầng của thời dự án Hà Nội Vàng, hiện diện trong đường chân trời di sản hồ Gươm, như một sự băn khoăn của chính sách di sản trong trường hợp cụ thể này, mặc cho áp lực từ diễn ngôn di sản được ủy quyền có vẻ như ồn ào.

Một trong những cách khai thác phần hoạt động của di sản Hồ Gươm là lập tuyến phố đi bộ vào cuối tuần. Triển khai từ năm 2016, phố đi bộ quanh hồ có nhiều hoạt động như hội sách, các chương trình biểu diễn văn nghệ, cùng các hoạt động kinh doanh ở khu phố cổ lân cận đã tạo ra một khu phố đi bộ được đánh giá là sôi động và thành công nhất ở Việt Nam.

Tuy nhiên, việc cô lập một khu vực để chỉ đi bộ cũng tạo ra những áp lực khác, ví dụ việc gửi xe máy và ô tô. Trong khi những hoạt động như bán hàng rong, đi ô tô điện đụng của trẻ em được hạn chế để tránh gây ảnh hưởng đến việc đi bộ, quanh phố đi bộ không có nhiều không gian trưng bày hay thuyết minh dạng không gian mở để lớp không gian đi bộ được mở sâu hơn cả về lộ trình lẫn nội dung trực quan.

Đơn cử như Không gian Văn hóa Việt ở 16 Lê Thái Tổ không có những nội dung giới thiệu với khách bộ hành về tòa nhà Khai Trí Tiến Đức nguyên thủy hay câu lạc bộ Thống Nhất đóng tại đó, từng làm nên khung cảnh văn hóa đô thị thế kỷ 20. Những địa chỉ khác dù được “check-in” rất nhiều như tòa soạn báo Hà Nội Mới (44 Lê Thái Tổ) cũng chưa tận dụng được không gian để giúp cho trải nghiệm thăm viếng hấp dẫn hơn, mà mới chỉ là một nơi chụp ảnh sống ảo, tạo ra những lối tiếp cận hời hợt với di sản.

Có thể nói, áp lực lên di sản Hồ Gươm hẵng mới chỉ tiếp cận ở dạng vật chất trông thấy được cũng như sự kết nối rời rạc trên một tuyến chỉ bày ra mặt tiền…

(Trích tham luận tại Hội thảo Quốc tế “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO đối với Công nghiệp Văn hóa” của nhà văn, nhà khảo cứu văn hóa Nguyễn Trương Quý)

TIN LIÊN QUAN
Ký ức về những ngày Hà Nội không ngủ
Ký ức về những ngày Hà Nội không ngủ
(Ngày Nay) - Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một cột mốc không thể nào phai mờ trong lịch sử dân tộc Việt Nam và đặc biệt là trong ký ức của nhiều người dân Hà Nội. Đó không chỉ là một sự kiện mà còn là biểu tượng của chiến thắng, niềm tin, hy vọng và sự đoàn kết của toàn dân tộc.
Ảnh minh hoạ.
Cơ cấu lại đội ngũ công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo vị trí việc làm
(Ngày Nay) - Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện Nghị định số 62/2020/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành theo thẩm quyền hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành.
23 tủ sách quý hiếm của học giả Vương Hồng Sển bị mất là sách gì?
23 tủ sách quý hiếm của học giả Vương Hồng Sển bị mất là sách gì?
(Ngày Nay) - Như Ngày Nay đã thông tin, vào ngày 10/8/2024, khi đoàn cán bộ Nhà nước đến khảo sát hiện trạng ngôi nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật (Q. Bình Thạnh, TPHCM) dưới sự chứng kiến của đại diện gia đình là bà Vương Thị Việt Hoa (cháu ruột cụ Vương). Tại đây, bà Hoa phát hiện 23 tủ sách là một phần di sản học giả Vương Hồng Sển đã hiến tặng Nhà nước, được niêm phong và lưu giữ tại địa chỉ trên đã… không cánh mà bay.
Nghệ sĩ dương cầm ươm mầm âm nhạc Ethiopia. Ảnh: Genaye Eshetu/Pharo Foundation
Nghệ sĩ dương cầm ươm mầm âm nhạc Ethiopia
(Ngày Nay) - Đưa cây đàn piano đến một ngôi trường xa xôi ở châu Phi không hề đơn giản, nhưng nghệ sĩ dương cầm Girma Yifrashewa vẫn nỗ lực đến cùng vì ông hiểu được sự cần thiết của điều đó. 
Quang cảnh Hội thảo góp ý dự án Luật Dữ liệu.
Luật hóa việc bảo vệ dữ liệu cá nhân
(Ngày Nay) - Đề nghị Ban soạn thảo tham khảo ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên ngành, tham chiếu các luật liên quan của Việt Nam cũng như Luật Dữ liệu các nước và quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu trong Hội thảo góp ý Dự án Luật Dữ liệu do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 9/10.
Hiện trạng khu đất dự án khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam tại tỉnh Phú Yên.
Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều vi phạm về đất đai ở Phú Yên
(Ngày Nay) - Ngày 9/10, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo Kết luận thanh tra 2094/TB-TTCP về trách nhiệm của UBND tỉnh Phú Yên khi để xảy ra các khuyết điểm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng.
Nghệ sĩ Nigeria Otobong Nkanga.
"Thanh âm của nước mắt" trong nghệ thuật sắp đặt
(Ngày Nay) - Các tác phẩm của Otobong Nkanga, một nghệ sĩ sắp đặt thị giác người Nigeria, vừa mang hơi hướng của tương lai, vừa nguyên thuỷ, cổ xưa, và đạt đến ngưỡng lý tưởng. Triển lãm mới nhất của Otobong Nkanga được khai mạc tại New York trong tuần này.