Trăn trở giữ nghề cho làng hương trăm năm tuổi

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Nghề làm hương tại làng Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã có lịch sử hàng trăm năm, nuôi lớn biết bao thế hệ con em trong làng. Nhưng đến nay, nghề làm hương tại Xà Cầu đang có nguy cơ bị mai một khi người trẻ không mặn mà với cây hương.
Nghề làm hương tại làng Xà Cầu có lịch sử hàng trăm năm qua.
Nghề làm hương tại làng Xà Cầu có lịch sử hàng trăm năm qua.

Cái nghề lắm công phu

Không ai rõ nghề làm hương tại Xà Cầu có từ bao giờ. Những người già trong làng Xà Cầu vẫn hay nói rằng “Người Xà Cầu sinh ra thấy tăm hương trước khi thấy mặt trời” để trêu đùa về lịch sử của nghề làm hương làng này. Các cụ chỉ dự đoán rằng, nghề này phải có lịch sử vài thế kỷ, là mặt hàng yêu thích của người dân của xứ Kinh kỳ, có mặt trong những ngôi đền, đình, chùa linh thiêng nhất nước.

Với hương thơm đậm mùi nguyên liệu tự nhiên, phương thức làm hương dân gian cổ truyền, người dân Xà Cầu đã làm ra những nén hương có màu đen tự nhiên và khi thắp lên có mùi hương nhẹ nhàng, thanh khiết.

Nghề làm hương xứ này công phu từ khi bắt đầu chọn nguyên liệu. Nguyên liệu để sản xuất mỗi sản phẩm hương đều từ những vùng chuyên sản xuất, như hương đen truyền thống là nhựa trám từ Thái Nguyên, Gia Lai, hương trầm là trầm nhập từ Quảng Nam), hương quế phải là quế Yên Bái,...

Riêng với hương đen, nhựa trám về sẽ được lọc sạch tạp chất, phối trộn với than của cây rừng được nghiền mịn cùng với một số thảo dược khác, với tỷ lệ “bí truyền” để tạo được độ dẻo, độ mềm nhưng không nát, rồi mới đem xe với tăm hương.

Tăm hương nhất thiết phải được làm từ cây tre non, được vót hoặc đưa vào máy chẻ thành từng kích cỡ khác nhau, tùy vào yêu cầu của mỗi loại hương. Qua quá trình sàng lọc, mài dũa, các cây tăm này được đem đi nhuộm chân. Sau khi đã hoàn tất các công đoạn, tăm hương sẽ được cột thành từng bó để vận chuyển đến nơi sản xuất hương.

Tiếp đó là công đoạn phơi hương, phải phơi nơi có nắng để hương nhanh khô. Thông thường quá trình này sẽ kéo dài từ 1 - 2 ngày. Theo các cụ trong làng, thời tiết từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm là thích hợp nhất để cho ra những que hương đủ tiêu chuẩn. Từ khâu vót tăm, nhuộm chân, se hương đến phơi khô, đóng gói đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận. Hương đen Xà Cầu có nhiều loại, loại lớn nhất có chiều dài 1m, loại nhỏ là 30cm. Kích cỡ chân hương cũng đa dạng, loại dài hơn được dùng để thắp trong đình, chùa. Còn loại chân hương nhuộm hồng với kích cỡ vừa vặn thường thấy được sử dụng trong gia đình vào các dịp lễ Tết hay ngày mồng Một, hôm rằm.

"Lửa nghề" chưa được truyền

Từng là niềm tự hào của người dân nơi đây, nhưng giữa guồng quay hiện đại hóa và xu thế công nghiệp hóa, làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một khi ngày càng ít người trẻ mặn mà với nghề.

Nghề làm hương tuy ổn định đầu ra, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và lao động thủ công vất vả và thu nhập lại không cao. Chính vì thế, những người trẻ trong làng đang lựa chọn những công việc mang lại hiệu quả kinh tế nhanh chóng, như buôn bán, làm công nhân trong các khu công nghiệp, hoặc tham gia dịch vụ vận tải, thương mại.

Anh Nguyễn Tiến Thi, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất hương làng nghề Xà Cầu, một trong những người hiếm hoi trong nghề làm hương được phong danh hiệu Nghệ nhân trăn trở: “Cả đời tôi gắn bó với nghề làm hương, từng nén hương là cả tâm huyết, hồn cốt của người Xà Cầu. Nhưng bây giờ, lớp trẻ không còn tha thiết. Tôi lo rằng, vài năm nữa thôi, nghề này sẽ không còn ai nối dõi”.

Trăn trở giữ nghề cho làng hương trăm năm tuổi ảnh 1
Làm sao để truyền "lửa nghề" cho thế hệ trẻ đang là trăn trở của nghệ nhân Nguyễn Tiến Thi

Trong làng hiện nay, số hộ còn giữ nghề truyền thống chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là những người cao tuổi hoặc trung niên. Nhìn thanh niên trẻ trong làng đang bốc những lô hàng đồng nát, sắt vụn, anh Thi nói: “từ nhiều năm nay, tôi luôn nói, trong làng có thanh niên nào muốn học, tôi sẵn sàng tạo điều kiện dạy nghề làm hương cho, nhưng đến nay nghề vẫn chưa được truyền”.

Ngoài bài toán nhân lực trẻ thay thế, đầu ra của hương Xà Cầu hiện nay cũng đang bị cạnh tranh bởi các loại hương công nghiệp khác. Bên cạnh đó, những phiên chợ quê truyền thống giờ không còn đông đúc như trước, trong khi việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử hay xây dựng thương hiệu lại là điều không dễ dàng đối với những người thợ lớn tuổi ít tiếp cận công nghệ.

Nếu không có sự thay đổi, hỗ trợ từ các cấp, nghề làm hương truyền thống nơi đây có thể sẽ chỉ còn lại trong ký ức. Những tiếng quạt, tiếng chày giã hương ngày nào từng rộn ràng trong xóm giờ đã thưa dần, thay vào đó là không gian im ắng và những xưởng hương bỏ trống phủ bụi thời gian.

Nén hương thắp lên là cầu nối giữa hiện tại và quá khứ, giữa con người và thế giới tâm linh, là biểu tượng thiêng liêng cho lòng thành kính và sự gắn bó với cội nguồn, giờ đây có nguy cơ chỉ còn là chuyện kể trong ký ức của những người như ông Thi, nghệ nhân còn sót lại đang cố giữ lửa cho làng nghề đang dần lụi tàn.

Bình luận
Viettel khởi công trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quy mô siêu lớn đầu tiên tại Việt Nam
Viettel khởi công trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quy mô siêu lớn đầu tiên tại Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 23/4/2025, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức Lễ khởi công trung tâm dữ liệu & Nghiên cứu phát triển công nghệ cao Viettel tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Đây sẽ là trung tâm dữ liệu (TTDL) quy mô siêu lớn, thuộc Top 10 khu vực Đông Nam Á.
TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 9.000 tỷ đồng chia cổ tức 15% bằng tiền mặt và cổ phiếu
TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 9.000 tỷ đồng chia cổ tức 15% bằng tiền mặt và cổ phiếu
(Ngày Nay) - Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – HOSE: TPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025. Tại đại hội, cổ đông thống nhất thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng, đặc biệt là phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, 5% bằng cổ phiếu.