Sau khi lưu thông từ hướng Nguyễn Bỉnh Khiêm tới vòng xoay giao lộ Điện Biên Phủ, đoàn xe 3 chiếc tiếp tục di chuyển về các nơi khác ở TP.HCM.
Bên cạnh việc thay đổi màu sắc của xe so với màu sơn gốc thì gần như toàn bộ cửa kính hai bên sườn xe và kính chiếu hậu đều phủ kín quảng cáo (trừ kính trước, kính bên tài xế và cửa trước là không bị trùm lại).
Hai bên thân xe và phía sau dán đầy thông tin về dự án "thành phố ven sông", "cộng đồng thịnh vượng", "Waterpoint", cũng như hình ảnh, mô hình dự án. Tiếp đó, sáng ngày 11-3, người dân tiếp tục nhìn thấy đoàn xe “trùm kín” nội dung quảng cáo này diễu hành vòng quanh thành phố.
Theo tìm hiểu, khu đô thị Waterpoint được phát triển bởi Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long và một số nhà đầu tư khác.
Việc đoàn xe “nghênh ngang” trong giờ cao điểm không chỉ gây cản trở giao thông mà còn làm hạn chế tầm nhìn, khả năng phán đoán để xử lý kịp thời các tình huống khi điều khiển phương tiện, nhiều người cùng tham gia giao thông bức xúc.
Ngoài ra, việc dán quảng cáo toàn bộ xe cũng vi phạm quy định về việc tự ý thay đổi màu sơn xe. Theo tìm hiểu của phóng viên Ngày Nay, vào cuối năm 2020 trước tình trạng này, Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia đã có văn bản đề nghị các địa phương, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý.
Khu đô thị Waterpoint được phát triển bởi Tập đoàn Nam Long và một số nhà đầu tư khác. |
Mức xử phạt quy định thế nào?
Theo Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM), việc thông tin quảng cáo trên xe ô tô đã được quy định cụ thể trong Luật quảng cáo. Cụ thể, các xe không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện; sản phẩm không vượt quá 50% diện tích mỗi bề mặt được phép quảng cáo…
Ngoài ra, phải đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn phương tiện hay gây nguy cơ mất ATGT như: Che khuất hoàn toàn tầm nhìn kính xe, làm mất khả năng thoát hiểm qua cửa kính xe. Để ngăn chặn tình trạng này, khi đăng kiểm định kỳ xe ôtô tham gia giao thông, các trung tâm đăng kiểm sẽ đánh giá về thực tế cách thức thông tin quảng cáo trên phương tiện, nếu đánh giá không đảm bảo an toàn khi phương tiện lưu thông sẽ không cấp chứng nhận kiểm định.
Theo khoản 2 Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức là đối với hành vi tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe.
Nghị định 100 cũng quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức đối với hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không đúng với giấy đăng ký xe.
Tiếp đó, Điều 61 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định. Buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
Đoàn xe di chuyển trong giờ cao điểm gây ùn tắc. |
Sáng 11-3, phóng viên Ngày Nay đã liên hệ với Bộ phận Truyền thông của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (gọi tắt là Công ty Nam Long) để lấy lịch hẹn, tìm hiểu việc: "Quảng cáo bằng hình thức như trên có vi phạm pháp luật hay không, đã được cơ quan chức năng cấp phép hay chưa? Vì sao tình trạng quảng cáo này đã được Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia nhắc nhở mà vẫn có đơn vị vi phạm?..."
Tuy nhiên, đại diện công ty này cho biết đang bận họp, đề nghị phóng viên gửi câu hỏi vào email để có căn cứ làm việc.
Công ty Nam Long là Chủ đầu tư bất động sản có hơn 20 năm hoạt động với nhiều dự án lớn tại TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Cần Thơ. Công ty đã hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển khu đô thị tại TP.HCM như Akari City và Mizuki Park và giai đoạn 1 dự án Waterpoint tại Long An.
Quá trình hoạt động, được biết, trước đây, Nam Long Group từng bị Tổng Cục thuế ra quyết định xử phạt truy thu thuế hơn 9 tỷ đồng.
Tại dự án Flora Novia (đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, TP HCM) do Nam Long Group làm chủ đầu tư, năm 2018, Nam Long cũng từng bị khách hàng lên tiếng tố cáo không làm theo cam kết như lúc thỏa thuận giữ chỗ, đặt cọc căn hộ.
Để mua được căn hộ tại đây, khách hàng phải làm bản thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ 68 triệu đồng. Số tiền này sẽ được cộng vào đợt đóng tiền đầu tiên khi khách hàng ký hợp đồng mua căn hộ tại dự án. Bù lại, khách hàng sẽ được đặt trước căn hộ mình chọn.
Thế nhưng điều bất ngờ đã xảy ra khi Nam Long Group quyết định tiến hành cho khách hàng "bốc thăm". Người nào may mắn bốc thăm được thì sẽ ký hợp đồng đúng căn hộ mình đã chọn khi đặt cọc. Điều đó khiến nhiều khách hàng ghi vị trí căn hộ thoả thuận một đằng nhưng phải ký hợp đồng mua căn hộ khác một nẻo, không đúng cam kết.
Ngoài ra, Nam Long còn từng bị cư dân Ehome 3 phản ánh tự ý xây dựng thêm phần trái phép, không trình hồ sơ thẩm duyệt, chưa có bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và vô số những thiếu sót...
Sau đó, Phòng Cảnh sát PCCC Q.Bình Tân đã tiến hành kiểm tra và xử phạt Công ty cổ phần đầu tư Nam Long tại dự án Ehome 3 vì: Không trình hồ sơ để thẩm duyệt lại khi cải tạo, mở rộng, thay đổi tính chất sử dụng nhà, công trình trong quá trình thi công, sử dụng theo quy định.
Cụ thể hơn tầng trệt Block A10 thương mại dịch vụ đã cải tạo, thay đổi công năng thành trung tâm dạy tiếng anh nhưng không trình hồ sơ để được duyệt lại và nghiệm thu. Vì không đáp ứng được chỗ để xe theo thiết kế, cam kết ban đầu với khách hàng, Nam Long đã tự chiếm dụng diện tích giữ block A10 và A11 để lắp mái che, dùng làm chỗ để xe bất chấp an toàn phòng chống cháy nổ. Nơi này cũng là khu vui chơi của trẻ em nên đã dẫn đến bức xúc của hàng trăm cư đân, họ đã ký vào đơn, khiếu nại tới cơ quan chức năng.