Bình Dương: Người dân mong được đón Tết rồi sẽ di dời để xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trải qua 30 năm triển khai, Dự án Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM (hay còn gọi là Làng Đại học) nằm trên địa bàn hai địa phương TP.HCM và tỉnh Bình Dương vẫn chưa hoàn thiện. Đùng một cái, hàng chục hộ dân sắp “tứ cô vô thân” ngay trước thềm Tết cổ truyền dân tộc.

Vừa dọn nhà vừa lo lắng

Khoảng 22 giờ tối 15/12, phóng viên nhận được tin nhắn cầu cứu của người dân đang sinh sống ở KP.Tân Lập, P.Đông Hoà, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương với lời lẽ vô cùng khẩn thiết, cùng một số đơn thư, giấy tờ liên quan.

Theo đó, Ban cưỡng chế thu hồi đất TP.Dĩ An ngày 6/12/2024 có thông báo “tổ chức cưỡng chế thu hồi đất thuộc dự án xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM”. Thời gian bắt đầu từ 7h30 sáng ngày 17/12/2024. Ban cưỡng chế thông báo và yêu cầu các hộ dân di dời tài sản ra khỏi khu vực cưỡng chế trước ngày cưỡng chế…

Bình Dương: Người dân mong được đón Tết rồi sẽ di dời để xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM ảnh 1

Một ngôi nhà đang dọn đi trong sáng 16/12.

Trở lại Làng Đại học vào sáng 16/12, những con đường nằm giữa hai trường Đại học Tự nhiên và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM tấp nập xe cộ vào ra. Người dân và các nhân viên dịch vụ dọn nhà đang khiêng bàn ghế, tivi, tủ lạnh, máy giặt, chén đĩa, quần áo,… lên các xe tải, xe ba gác đậu trên lề đường.

Một vài căn nhà đã được tháo dỡ chỉ còn lại các vách tường, gạch ngói ngổn ngang, mái tôn lộn xộn, các phòng trọ đóng cửa im lìm. Người dân vội vã vào ra với lỉnh kỉnh đồ đạc, người thuê thợ đến cưa cây, người cho xe ủi tháo dở, không khí vội vàng và ngột ngạt. Phần nhiều những căn nhà còn lại cũng đang dọn dẹp, bàn thờ tổ tiên đầy bụi bặm, đồ dùng sinh hoạt vứt tứ tung trên sàn.

Theo người dân, trong hàng chục hộ dân nhận được thông báo di dời, có người đã nhận tiền đền bù và tái định cư nhưng cũng có nhiều hộ gia đình khác chưa hoàn thành việc này. Người dân lo lắng, ngày mai đoàn cưỡng chế vào sẽ không còn nơi để ở, chưa biết chỗ để về, lại cận Tết bao nhiêu việc phải chuẩn bị, bao nhiêu thứ phải lo, có nhà không biết phải làm đám giỗ cho ông bà như thế nào.

Các hộ dân cho hay, cách đây không lâu, sau khi nhận được quyết định cưỡng chế từ chính quyền địa phương, tập thể người dân đã có đơn thư gửi đến các cấp, mong muốn lùi ngày thực hiện cưỡng chế. Trong biên bản làm việc giữa người dân và cơ quan quản lý, nhiều hộ trình bày ý kiến xin được dời lại ngày để sắp xếp và bàn giao.

Nhưng càng đến cận ngày người dân càng lo lắng, một mặt vẫn mong mỏi được giải quyết dời lịch để có thêm thời gian, mặt khác vẫn tự thu dọn nhà cửa, đồ đạc bởi: “Chúng tôi cũng không biết phải làm sao”, người dân nói.

Bình Dương: Người dân mong được đón Tết rồi sẽ di dời để xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM ảnh 2

Người dân một mặt xin dời lịch, mặt khác vẫn lo lắng mà thu dọn tài sản vì "không biết phải làm sao".

Người dân xin qua Tết

Trong đơn gửi cho Ngày Nay, các hộ dân cho biết họ lớn lên và sinh sống trên mảnh đất thuộc KP.Tân Lập này đến nay đã mấy chục năm. “Chúng tôi, tùy theo từng hộ gia đình, từng hoàn cảnh đặc thù về nguồn gốc đất hiện nay khác nhau nhưng đa số là từ tổ tiên, ông bà để lại cho con cháu. Đất được mua, bán cho tặng từ rất nhiều năm trước và các gia đình sinh sống ổn định.

Tùy theo từng hộ gia đình, được UBND TP.Dĩ An mời tham dự cuộc họp để thông báo về việc di dời tài sản, nhà cửa để thực hiện Dự án Xây dựng Đại học Quốc gia… Chúng tôi hoàn toàn đồng thuận việc triển khai dự án vì chúng tôi hiểu được rằng việc xây dựng công trình Đại học Quốc gia phục vụ cho lợi ích quốc gia, người được thừa hưởng sự phát triển đó là người dân, là con cháu chúng tôi hiện tại và tương lai.

Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi luôn cố gắng sinh sống bình yên, chấp hành pháp luật và các quy định tại địa phương… Chúng tôi chỉ mong muốn có chính sách thỏa đáng, khi thực hiện bồi thường giải tỏa thu hồi đất và tài sản đúng quy định tại thời điểm thu hồi đất để có đủ khả năng xây dựng lại chỗ ở mới, có nơi sinh sống mới, ổn định cuộc sống… Kể từ khi các hộ dân nhận được thông báo cưỡng chế thu hồi đất, chúng tôi luôn sống trong lo âu, thấp thỏm, hoang mang, ngày đêm mất ăn mất ngủ…”.

Trong đơn, người dân mong chính quyền địa phương xem xét dời ngày cưỡng chế lại một thời gian. Người dân cam kết: “Sau Tết Nguyên đán, các hộ dân sẽ tự nguyện bàn giao”. Và họ mong được xem xét các trường hợp thuộc dự án chưa được nhận hỗ trợ tái định cư để các hộ dân an cư lạc nghiệp.

Bình Dương: Người dân mong được đón Tết rồi sẽ di dời để xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM ảnh 3

Một số hộ nhận được đền bù, tái định cư thoả đáng đã rời đi. Nhưng những hộ khác chưa được hoàn tất việc đền bù tái định cư.

Trong sáng 16/12, nhiều thành viên đoàn liên ngành của TP.Dĩ An đã ghé từng hộ gia đình ở đây để vận động, tuyên truyền thực hiện di dời tài sản để ngày 17/12 thực hiện cưỡng chế. Trong biên bản làm việc, người dân một lần nữa đề nghị được dời ngày lại sau Tết, và sau Tết họ sẽ tự nguyện bàn giao. Đoàn công tác ghi nhận ý kiến của các hộ dân và báo cáo Ban cưỡng chế thu hồi đất, đồng thời cho biết sẽ có hỗ trợ tiền thuê trọ cho những người bị ảnh hưởng.

Cùng ngày, phóng viên đã liên hệ UBND P.Đông Hoà để trao đổi về đơn đề nghị dời ngày lại sau Tết của người dân. Đại diện Phường cho biết sẽ phản hồi lại vào 10h sáng ngày 17/10 – là ngày cưỡng chế. Phóng viên đang cố gắng liên hệ với UBND TP.Dĩ An về những lời khẩn thiết của người dân KP.Tân Lập.

Đại học Quốc gia TP.HCM được thành lập 1995, tổng diện tích 643,7ha thuộc địa bàn TP.Thủ Đức (TPHCM) và TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương), xây dựng theo mô hình đô thị đại học hiện đại. Đại học Quốc gia TP.HCM là một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất Việt Nam với 36 đơn vị, bao gồm 8 trường đại học thành viên, 1 viện nghiên cứu khoa học thành viên, 1 phân hiệu tại tỉnh Bến Tre và 25 đơn vị trực thuộc.


Những năm qua, Đại học Quốc gia TP.HCM nhiều lần đề nghị hai địa phương tập trung thu hồi một số khu vực trọng điểm. Vừa qua, đơn vị cũng đã đề nghị thu hồi mặt bằng ở một số khu vực như: đường Issac Newton, khu chợ tự phát, Đại lộ đại học, ngã ba 621, khuôn viên quảng trường... Về phía Bình Dương, TP.Dĩ An có kế hoạch giải phóng mặt bằng với tổng diện tích dự kiến ưu tiên thu hồi khoảng 31,6ha của 287 hộ dân thuộc P.Đông Hòa và P.Bình Thắng.

TIN LIÊN QUAN
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã (80 phường) trên địa bàn 10 quận để hình thành 41 phường, giảm 39 phường.
TP.HCM gấp rút sắp xếp 80 phường gắn với quản lý hiệu quả tài sản công
(Ngày Nay) - Thành phố Hồ Chí Minh đang gấp rút thực hiện sắp xếp 80 phường thành 41 phường để chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2025 theo Nghị quyết số 1278/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố giai đoạn 2023-2025. Cùng với gấp rút sắp xếp bộ máy, Thành phố sẽ quản lý, khai thác tài sản dôi dư một cách hiệu quả.
Người dân quận Ba Đình thực hiện các thủ tục hành chính thông qua quét mã QR để khai báo các thông tin liên quan. (Ảnh minh hoạ)
Người dân Thủ đô dễ tiếp cận thủ tục đất đai nhờ chuyển đổi số
(Ngày Nay) - Xác định lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, khoáng sản… là những vấn đề nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung trong cải cách hành chính, đặc biệt là việc ứng dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và vì sự hài lòng của người dân.
Trong 2 tuần đầu tháng 12/2024, Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra các cơ sở y tế có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và ban hành nhiều quyết định xử lý vi phạm hành chính.
Thành phố Hồ Chí Minh "điểm tên" hàng loạt cơ sở y tế tư nhân sai phạm
(Ngày Nay) - Trong 2 tuần đầu tháng 12/2024, Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra các cơ sở y tế có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và ban hành nhiều quyết định xử lý vi phạm hành chính. Đáng chú ý, có một số cơ sở có hành vi vi phạm lặp lại nhiều lần.
Xuất khẩu dệt may cán đích 44 tỷ USD
Xuất khẩu dệt may cán đích 44 tỷ USD
(Ngày Nay) - Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may cán đích đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu đạt 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.