Doanh nghiệp trở tay không kịp
Theo quy định của Hà Nội, chỉ các xe "luồng xanh" và các phương tiện đủ điều kiện (phục vụ phòng, chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia và thực hiện công tác vận tải hàng hóa thiết yếu) được vào thành phố. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa nắm được thông tin và phần lớn phương tiện chưa được cấp thẻ nhận diện luồng xanh.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, những doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa, chuyên chở hàng thiết yếu trên khu vực miền Bắc hiện chưa nắm bắt được thông tin, số lượng phương tiện nộp hồ sơ để xin cấp giấy nhận diện phương tiện lưu thông trên luồng xanh là rất ít.
Việc cấp thẻ luồng xanh được Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai phần mềm Cổng thông tin tiếp nhận đăng ký từ ngày 19/7/2021. Để được cấp thẻ này, đơn vị vận tải đăng ký hồ sơ trên Cổng thông tin của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong vòng 24 giờ, Sở Giao thông vận tải tại địa phương nơi doanh nghiệp gửi hồ sơ sẽ xem xét và phê duyệt. Sau khi phê duyệt xong, hệ thống sẽ gửi trả kết quả vào địa chỉ mail của doanh nghiệp, doanh nghiệp in và dán trên xe để đi đường hay vận chuyển hàng hóa.
Hà Nội triển khai giãn cách xã hội khiến nhiều doanh nghiệp “dở khóc, dở mếu”. Không ít ý kiến cho rằng, các quy định kiểm soát phòng, chống dịch hiện quá rối rắm, doanh nghiệp rất mơ hồ về vấn đề " luồng xanh", không có hướng dẫn, không có thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị đăng ký.
Ngay cả việc công bố vào đêm 23 và áp dụng ngay vào lúc 6h ngày 27/7 làm người dân không trở tay kịp. Ghi nhận thực tế cho thấy, có khá nhiều phương tiện không đủ điều kiện đi vào/đi qua thành phố, khi đến chốt kiểm soát đã phải quay đầu trở lại vì chưa đăng ký luồng xanh.
Khó đăng ký luồng xanh
Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, Phó ban Hải quan Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, sáng 24/7, tại chốt Pháp Vân – Cầu Giẽ, cả cơ quan chức năng và lái xe đều bị lúng túng do Chỉ thị 17 vừa ban hành. Lực lượng chức năng sau đó đã cho phép những xe chỉ "đi qua" Hà Nội thì thực hiện khai báo y tế rồi đi, riêng nhóm xe "vào Hà Nội" vẫn lúng túng vì chưa rõ xe nào được vào, xe nào không.
Nêu quan điểm của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, ông Trần Đức Nghĩa cho rằng, điểm 7, Chỉ thị 17 cho phép xe vận tải hàng hóa mang linh kiện sản xuất được vào Hà Nội, vì thuộc nhóm thiết yếu. Nhưng VLA hiểu rằng, để thông chốt và có cách làm nhất quán, phải mất khoảng 1-2 ngày.
Công an Hà Nội sau đó đã ra thông báo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện di chuyển vào Thủ đô, đi qua các chốt kiểm dịch nhanh nhất. Trong đó, các ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vận chuyển thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch; xe ô tô vận chuyển công nhân, người lao động, chuyên gia phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có hành trình vận chuyển đi, đến hoặc đi qua các khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch được đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh.
Thủ tục cấp đăng ký nhận diện phương tiện ưu tiên đi vào luồng xanh được thực hiện trực tuyến trên Cổng thông tin đăng ký thẻ nhận diện cho phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh vận tải toàn quốc tại địa chỉ http://luongxanh.drvn.gov.vn.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh, nếu như buổi sáng, các xe vận tải quay đầu vì chưa đăng ký luồng xanh, thì đến chiều, khi đăng ký lại bị tắc trên không gian mạng vì quá tải.
Đặc biệt, cả hai số điện thoại mà Sở Giao thông vận tải Hà Nội cung cấp công khai để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục cấp đăng ký nhận diện phương tiện ưu tiên đều không thể liên hệ được.
Một xe hàng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn chuyển phát nhanh DHL - VNPT vận chuyển hàng của Samsung từ Phú Thọ về sân bay Nội Bài để xuất khẩu, trước nguy cơ cao không về kịp, bị nhỡ chuyến bay, lái xe đã phải cho xe đi vòng qua các tuyến đường tắt và tổng thời gian cho cung đường từ nút giao IC2 Bình Xuyên về tới sân bay là 4 tiếng, trong khi bình thường chỉ lưu thông khoảng 20 phút. Doanh nghiệp này e ngại, trong vài ngày tới, lượng hàng của Samsung phải vận chuyển về Nội Bài sẽ rất lớn, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, doanh nghiệp không biết phải xoay xở như thế nào.
Song, không phải lái xe nào cũng “tìm cách” để đi đến đích như vậy được. Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, hiện nhóm doanh nghiệp hàng quá cảnh đang vướng vì theo quy định, cung đường của xe hàng quá cảnh đã bị chỉ định “cứng” từ trước, phải đi theo lộ trình đã được định sẵn, có giấy tờ chứng nhận từ hải quan trên từng chặng của lộ trình đó và hải quan gắn seal theo dõi việc này.
“Họ không thể tự ý đổi cung đường. Nếu đi đường khác, họ sẽ bị phạt rất nặng. Nhóm doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa quá cảnh đang tìm cách liên hệ 2 số đường dây nóng mà Hà Nội và Tổng cục Đường bộ cung cấp về việc đăng ký mã luồng xanh, tuy nhiên không gọi được vì máy bận suốt. Lên đăng kí luồng xanh theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ thì mạng quay vòng vòng chưa biết khi nào được”, bà Thủy nói.
Đại diện VLA và Hiệp hội vận tải đã phản ánh với đại diện Sở Công Thương Hà Nội và người đại diện Sở hứa sẽ phản ánh với UBND thành phố ngay trong họp giao ban, tuy nhiên, người này cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên chủ động báo với Bộ Giao thông vận tải và thông qua kênh báo chí để hỗ trợ phản ánh, bởi vấn đề này liên quan nhiều bên.
Cho đến sáng nay (25/7), ông Trần Văn Hào, Công ty Cổ phần vận tải Thái Việt Trung - Hiệp hội kinh doanh hàng quá cảnh Việt Nam – ASEAN tỉnh Lạng Sơn thông tin, hàng chục xe hàng quá cảnh của các công ty đi từ cửa khẩu Hữu Nghị qua Hà Nội để sang Lào vẫn tắc ở đầu vào Hà Nội, khu vực huyện Gia Lâm.
“Hà Nội làm thế này chẳng khác gì phong tỏa quốc lộ 1 rồi", ông Hào bày tỏ.
Nhóm doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa quá cảnh vẫn đang tiếp tục theo đuổi tìm lời giải cho câu chuyện vướng mắc của họ.